Những “công thức” đầu độc người

11/05/2011 13:17 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tương ớt có chất phụ gia và phẩm màu là sudan, liều lượng chất bảo quản natri benzoan ở nhiều mẫu thực phẩm vượt gấp 27 lần cho phép, hay ớt bột và hạt dưa trên thị trường có chất bảo quản gây ung thư... đang là vấn đề mà người dân phải đối diện hằng ngày.

Những thông tin trên được đưa ra tại hội thảo về vấn đề phụ gia thực phẩm, được tổ chức ngày 10/5 tại Hà Nội, có thể khiến người tiêu dùng phải giật mình thon thót. Nhưng điều đó liệu có thay đổi được thói quen của người dân.

Không thích vẫn dùng thức ăn nhuộm màu

Bà Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật ATVSTP (thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật ATTP Việt Nam) cho biết: Có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do phẩm màu gây ra nhưng hằng ngày người tiêu dùng vẫn sử dụng và hay chọn những sản phẩm có màu bắt mắt vì cho là ngon hơn, có chất lượng hơn. Qua thống kê của Trung tâm chống độc - BV Bạch Mai số ca ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết chiếm số lượng lớn vì trong những ngày vui này mọi người tiếp xúc nhiều hơn với các loại bánh, mứt kẹo, hạt dưa... mà đa số các thực phẩm này lại chứa nhiều phẩm màu tổng hợp.

Thạch đen được tiêu thụ nhiều trong mùa hè tồn tại
nhiều nguy cơ từ chất bảo quản. Ảnh minh họa


Theo nghiên cứu của Sở Y tế Hà Nội, mặc dù không thích nhưng vẫn có 63,2% người tiêu dùng ăn thức ăn nhuộm màu do bất đắc dĩ; 52,6% cảm thấy quen thuộc với màu sắc đó và 20,3% người tiêu dùng mua sản phẩm màu có thể không rõ nguồn gốc ở chợ về để tự chế biến thức ăn.

Bà Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP cung cấp thêm một thông tin cũng gây sốc không kém khi chỉ qua 60 mẫu kiểm nghiệm cả hai mặt hàng hạt dưa và ớt bột các cơ quan chức năng đã phát hiện 17/30 mẫu hạt dưa có chất bảo quản Rhodamin B (chất có khả năng gây ung thư) với hàm lượng từ 4,9- 146,5mg/kg; 27/30 mẫu ớt bột được kiểm nghiệm phát hiện có chất bảo quản Rhodamin B với hàm lượng từ 20,2- 110,2mg/kg.

Công dụng “chết người” của phụ gia

Bên cạnh phẩm màu tổng hợp, các chất bảo quản cũng được sử dụng rất phổ biến nhằm bảo quản thực phẩm được lâu hơn. Người tiêu dùng ghiền cà phê không hề biết rằng thức uống mà lâu nay họ vẫn miệt mài dùng hằng ngày lại có một công nghệ chế biến rất hãi hùng! Đó là một số cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận đã vô tư chia công thức và tỷ lệ cà phê - đậu nành - bắp rang cháy theo quy định riêng của từng xưởng sản xuất. Kinh hoàng hơn trong công nghệ pha chế cà phê là trộn cả chục loại hóa chất, phụ liệu để sản phẩm giống như cà phê thật, trong đó có nhiều chất gây độc như chất tạo bọt trắng, caramen tạo mùi, bơ công nghiệp, đường hóa học...

Không chỉ có phụ gia cho đồ uống mà với đồ ăn, thông tin về những chất phụ gia gần đây cũng khiến người tiêu dùng gây sốc. Một số chợ đầu mối của Hà Nội có bán một số phụ gia thực phẩm với những công dụng trên trời như: Biến thịt ôi thành thịt tươi, ninh mềm xương chỉ trong vài chục phút, chống ôi thiu, nấm mốc... Tên gọi của phụ gia dùng ướp vào thịt để biến thịt ôi thiu thành tươi có tên là săm-pết. Tiếp đó là loại phụ gia thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc có công dụng chả kém gì săm- pết là biến thịt lợn thành thịt bò.

Những hậu quả khó lường

Tại hội thảo các chuyên gia về ATVSTP cho rằng, việc sử dụng chất bảo quản dù nằm trong danh mục cho phép (chứ chưa nói đến trái phép) vẫn như con dao hai lưỡi, dẫn đến những hậu quả khó lường về sức khỏe và là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh cho gan, thận và về lâu dài sẽ gây ung thư cho người sử dụng.

Điển hình là hai chất natri benzoan và kali sorbat với quy định rất nghiêm ngặt về tỷ lệ sử dụng. Nhưng theo đánh giá của Viện Vệ sinh Y tế công cộng, hai chất này hiện đang bị các nhà sản xuất lạm dụng nhằm kéo dài thời gian lưu trữ, phân phối các thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Kết quả phân tích 349 mẫu thực phẩm gồm nước tương, tương cà, tương ớt, nước giải khát các loại, thịt chế biến sẵn của Viện Vệ sinh y tế công cộng đã chứng minh điều đó khi có đến 20,3% số mẫu không đạt an toàn do sử dụng quá mức natri benzoan và kali sorbat; riêng với tương ớt, tương cà thì liều lượng natri benzoan có những mẫu vượt gấp 27 lần giới hạn tiêu chuẩn cho phép. Hay với chất dioxit crôm có độ dính kết của chất này rất cao, khiến nhiều người kinh doanh lợi dụng để nhúng thịt lợn, gà, vịt khi đã vặt lông vào dung dịch này để khi quay thịt gia súc căng lên và có màu vàng nâu, bóng đẹp để bắt mắt người tiêu dùng.

PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thời gian vừa qua, Cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên ngành thanh kiểm tra chất phụ gia thực phẩm trên toàn quốc. Cục liên tục phát hiện nhiều phụ gia thực phẩm vượt quá tiêu chuẩn cho phép và cũng đã tiêu hủy rất nhiều phụ gia không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, theo bảng công bố phụ gia hiện có trên 7.000 loại phụ gia thực phẩm có lẽ việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng chuyên ngành sẽ còn khá vất vả và người tiêu dùng chắc sẽ phải tiếp nhận nhiều loại thực phẩm có phụ gia, chất bảo quản ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thanh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm