22/05/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Trong những nghệ sĩ nổi tiếng ở Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP.HCM), Mạc Can là người cuối cùng xin vô đây. "So với các đồng nghiệp ở đây, tui là người ít kinh nghiệm viện dưỡng lão nhứt, mới được vài tháng thôi" - Mạc Can chia sẻ.
Những ai đã đọc qua tiểu thuyết đầu tay Tấm ván phóng dao (2004) của Mạc Can sẽ biết ông sinh ra trong gia đình hát rong nghèo, với tuổi thơ đầy nỗi buồn. Hình ảnh người diễn viên đứng trong tấm ván để bạn diễn phóng dao, tạo nên một màn ăn khách, nhằm kiếm cơm qua ngày,miêu tả rõ tuổi thơ dữ dội của Mạc Can.
Về sau này, khi đã thành danh, cuộc đời ông vẫn đầy những thăng trầm. Thế nhưng, lúc nào ông cũng nở nụ cười trẻ thơ và nói những câu vô cùng hài hước. Ông muốn né tránh, "giả nai" với nỗi buồn.
Biên kịch xuất sắc
Từ nghề xiếc ảo thuật đường phố và lênh đênh sông nước của gia đình, Mạc Can mưu sinh bằng nghề ảo thuật hài, diễn hàng trăm trò. Ông luôn mang đến cho trẻ thơ những nụ cười và những điều bất ngờ từ thế giới ảo thuật. Muốn lấy được tiếng cười trẻ thơ thì ông phải hồn nhiên, phải có chút vụng về, vì vậy mà trên gương mặt từ lâu đã dính luôn với nụ cười có phần ngô nghê. Điều này cũng có thể làm ông quên đi nỗi cơ cực của đời mình.
Từ đó ảo thuật và xiếc, ông dần bước vào kịch nghệ, truyền hình và phim ảnh. Mạc Can có một vốn sống phong phú nhờ thời gian đi theo cha biểu diễn rày đây mai đó. Ông ghi nhớ lại cảnh người và chính thân phận của mình. Về sau này, ông nổi tiếng với hàng loạt truyện ngắn, nhưng từ lâu ông đã là một tác giả xuất sắc của chương trình kịch truyền hình đình đám Trong nhà ngoài phố, ăn khách hàng đầu của HTV một thời.
Bây giờ ngồi nhớ lại không ai còn nhớ đủ ông có bao nhiêu kịch bản xuất sắc tại chương trình này, chỉ biết là rất nhiều. Danh hài Trung Dân còn nhớ: "Riêng tôi biết chú Mạc Can có hơn 10 kịch bản rất hay tại chương trình Trong nhà ngoài phố. Tôi từng diễn trong vở Quán cà phêbồ đàdo chú viết, thầy Lê Văn Tĩnh dàn dựng. Vở này góp phần đưa hình ảnh và tên tuổi tôi đến với công chúng trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Tiếp sau đó, tôi tham gia nhiều vở khác và đều được công chúng đón nhân. Chú Mạc Can có óc quan sát tinh tế cộng với kinh nghiệm cá nhân phong phú, nên các kịch bản chú viết luôn có sự hài hước, mà cũng sâu lắng nỗi buồn".
Vài tháng nay Mạc Can không ra khỏi viện dưỡng lão. Sáng ông tập đi, mệt thì ngủ, khỏe thì cặm cụi viết. Ai đó vào thăm, ông đều vui vẻ tiếp đón.
Lấy nụ cười khỏa lấp mọi sự
Khán giả thì bao năm qua thấy lão nghệ sĩ Mạc Can thui thủi một mình. Nhưng đồng nghiệp thì biết rõ ông cũng có gia đình và con cái. Con đường tình cảm của ông không mấy thuận lợi. Có vài phụ nữ đi qua đời ông, cho ông 3 người con, nhưng cuối cùng ông vẫn sống một mình. Nói chính xác hơn, con ông ai cũng khó khăn,dù yêu thương cha già, nhưng khó kham nổi.
Sau thời gian lăn lóc một mình, chồn chân mỏi gối, ông có về ở với một người con gái. Người này làm công nhân, thu nhập thấp, tăng ca thường xuyên, ông thì sống nhờ vào tiền lương ít ỏi của những vai phụ và lâu lâu có chút nhuận bút. Thỉnh thoảng có đồng nghiệp ghé thăm, tặng ông ít tiền. Ông cũng đã từng bị tai biến cấp cứu, tưởng chừng không qua khỏi. Lần ấy, viện phí cũng do đồng nghiệp và các nhà hảo tâm chung sức. Ông yếu hẳn và sống trong khó khăn thật sự. Nhưng gặp bất kỳ ai, ông cũng nở nụ cười hồn nhiên, nói những câu bâng quơ và "giả nai" với nỗi buồn.
Ông hầu như không nói điều gì làm buồn lòng người khác, kể cả đó là người khiến ông phật ý. Ông luôn cho qua và nhẹ nhàng với mọi thứ. Ông thích bông đùa, vì cuộc đời ông, dường như không thể có thêm nước mắt. Đó là điều mà nhiều đồng nghiệp của Mạc Can nể trọng, vì rằng, để kiểm soát cảm xúc của mình ở trạng thái không giận hờn, không muộn phiền là điều rất khó. Ông khổ ai cũng biết, hình như vì vậy mà ông không than thân trách phận, hoặc làm ra vẻ để người khác thương hại. Ông vẫn giữ cái uy tín của người nghệ sĩ, ai giúp ông cảm ơn, ông không van nài, xin xỏ. Kể từ ngày 26/2/2024, lão nghệ sĩ Mạc Can đã vào Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè để sống chuỗi ngày còn lại. Đây là giải pháp tốt nhất cho ông.
Mạc Can chia sẻ: "Con gái tôi cũng khó khăn nên khó lòng mà cưu mang tôi lâu hơn. Nhờ cháu Trịnh Kim Chi vận động mà tôi có được cơ hội vô dưỡng lão này. Tại đây, tôi được sống gần các đồng nghiệp và được chăm sóc với điều kiện tốt hơn. Tôi cảm động và cảm ơn cháu Chi rất nhiều".
Được làm nghề là hạnh phúc
Vài tháng trước, dù đi xe lăn, nhưng Mạc Can vẫn được đạo diễn mời trong những vai hợp với sức khỏe và tình cảnh của ông. Cái miệng móm, ánh mắt ngơ ngáo, những câu nói có duyên bất ngờ vẫn còn được khán giả thích. Được làm nghề, dù ít ỏi thôi, với ông là niềm hạnh phúc. Tiểu thuyết Tấm ván phóng dao được tái bản nhiều lần, riêng NXB Trẻ đã in lần thứ 4 (2020), nhưng Mạc Can cũng rất vui.
Đã là nghệ sĩ lâu năm và đã vào tuổi xưa nay hiếm, mà vẫn còn hoạt động nghệ thuật, hầu như ai cũng ước mình được chết trên sàn diễn, hoặc trường quay. Đó là niềm hạnh phước được sống và chết trọn vẹn với nghề. Mạc Can cũng thầm ước được điều ấy, dù hiếm khi ông bộc bạch. Bên cạnh đó, ông vẫn còn viết. Khi nào sức khỏe cho phép, ông vẫn biên ra những dòng suy tư của mình. Đó là thói quen và niềm vui của ông.
Ở tuổi 80, sức khỏe kém, ông không dám lên kế hoạch gì cho việc xuất bản sách mới, nhưng ông vẫn viết bất cứ khi nào có thể. Ông cho biết vừa hoàn thành một kịch bản phim truyền hình, kể về một người tình, người đàn bà thiểu năng trí tuệ. Đó là một nhân vật bề ngoài hoàn hảo, nhưng bên trong có vấn đề, mà chỉ có người tình mới hiểu được điều đó.
Ông cũng vừa tiết lộ Tấm ván phóng dao đã được mua bản quyền và chuyển thể thành phim điện ảnh. Nhà sản xuất đang kêu gọi đầu tư và hy vọng sẽ quay sớm. Trong phim này, lão nghệ sĩ Mạc Can không có một vai diễn nào, vì không có nhân vật nào cao tuổi như ông bây giờ. Năm 2011, 2 đơn vị BHD và TFS từng thông báo mua bản quyền tiểu thuyết này để chuyển thể thành phim, nhưng đến nay chưa bên nào ra phim.
Vì bị té ngã vài lần trong lúc di chuyển trong phòng, nên viện dưỡng lão đã quyết định không đóng cửa căn phòng của ông. Do không ai có chế độ người chăm sóc riêng, nên bảo vệ ở bên ngoài sẽ lắng nghe, nếu có tiếng động lạ trong phòng thì chạy vô kiểm tra xem có ổn không. Cũng chính vì vậy, mà vài tháng nay Mạc Can không ra khỏi viện dưỡng lão. Sáng tập đi, mệt thì ngủ, khỏe thì cặm cụi viết. Ai đó vào thăm, ông đều vui vẻ tiếp đón.
Nếu có ai hỏi ông: Bác Can khỏe không? Ông thường trả lời: "Tui có bệnh tật gì đâu mà không khỏe. Giờ còn đang muốn cưới vợ nữa à"... Thế đấy, ông lúc nào cũng hóm hỉnh, bông đùa cho mọi người vui vẻ, dẫu cuộc đời ông đầy nước mắt. Để rồi khi khách chia tay, ông nói với theo: "Những chuyện tui nói cưới vợ gì đó đừng tiết lộ cho ai biết nghen, nhất là không được đăng báo". Ông lại cười và vẫy tay chào.
Nhiều người tự hỏi rằng không hiểu vì sao có không ít nghệ sĩ tên tuổi ở phía Nam khi về già lại sống trong thiếu thốn. Có rất nhiều nguyên nhân, kiểu như nghệ sĩ tính không biết tính toán hợp lý, nên lúc có tiền không tiết kiệm, hoặc làm ăn thua lỗ... Với Mạc Can thì khác. Ông sống giản dị và chắt chiu, nhưng lúc nào cũng ở trong tình trạng vừa đủ ăn, bởi tiền lương của người nghệ sĩ đóng vai phụ như ông rất có giới hạn. Đến khi già yếu thì đành chấp nhận số phận an bài. Ấy vậy mà ông vẫn luôn nở nụ cười, vẫn giả nai với nỗi buồn.
Truyện ngắn và tiểu thuyết của Mạc Can
- Về truyện truyện ngắn, ông còn xuất bản các tập Tờ 100 đô-la âm phủ (2004), Cuộc hành lễ buổi sáng (2005), Người nói tiếng bồ câu (2006), Ba... ngàn lẻ một đêm (2010), Nhớ (2011), Mạc Can - Truyện ngắn chọn lọc (2013), Vừa đi vừa nghĩ suy vừa nhìn (2013), Ma gánh hát v/s ma bịnh viện (viết chung Nguyễn Đông Thức, 2023)…
- Về tiểu thuyết, còn có Phóng viên mồ côi (2007), Những bầy mèo vô sinh (2008), Quỷ với Bụt và Thần chết (2010)… và bản thảo tiểu thuyết liêu trai Người ruồi.
(Còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất