20/05/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Cách đây ít lâu, khi các lão nghệ sĩ chuyển về Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (TP.HCM) để an dưỡng, ta có thể quan sát thấy những gương mặt nổi tiếng như Mạc Can, Diệu Hiền, Ngọc Đáng, Huỳnh Thanh Trà, Ngọc Bê, Lam Sơn… Với khán giả miền Nam các thế hệ trước, đây là những gương mặt quá quen thuộc và nổi tiếng. Nhưng với lớp khán giả trẻ hiện nay thì có khi còn lạ lẫm. Đây là lý do mà báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) thực hiện loạt bài về những nghệ sĩ này.
Hiện nay, nghệ danh Huỳnh Thanh Trà có thể xa lạ với đa phần khán giả trẻ, thậm chí thế hệ 8X trở về sau. Nhưng với công chúng thuộc thế hệ 7X trở về trước, ông là một ngôi sao đáng ngưỡng mộ. Nhiều người vẫn còn nhớ ông qua nhân dáng chàng thư sinh lụy tình trong vở Trà hoa nữ trên sân khấu kịch Kim Cương.
Lúc ấy, thập niên 1980, Huỳnh Thanh Trà và Kim Cương là một đôi tình nhân rất đẹp trên sân khấu. Nhưng rồi, vào năm 1997, ông chọn cách lặng lẽ rời khỏi ánh hào quang nghệ thuật.
"Gã giang hồ" có đôi mắt buồn
Nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà sinh năm 1945 tại Sài Gòn trong một gia đình không ai làm nghệ thuật. Nhưng bản thân ông mê cải lương và thấp thoáng giấc mơ làm nghệ sĩ từ sớm. Hồi sắp thi lấy bằng tú tài, ông đã nhờ thầy Vũ Huy Chấn - người dạy môn chèo cổ tại trường trung học của ông - tư vấn về tương lai. Thầy Huy Chấn nhìn thấy hình dáng đẹp của học trò đã khuyên ông thi vào khoa cải lương của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ. Ông đã nghe theo lời khuyên và đậu vào khóa 3, thời gian học 4 năm. Thầy dạy khóa học lúc đó gồm các nghệ sĩ và soạn giả tài danh như Phùng Há, Năm Châu, Lê Hoài Nở, Duy Lân, Kim Cúc, Bích Thuận...
Trong thời điểm này, soạn giả Năm Châu thành lập gánh cải lương Ánh Chiêu Dương nhằm mục đích nâng đỡ các sinh viên khoa cải lương mới ra trường. Gánh hát tập hợp nhiều ngôi sao và kèm vào những sinh viên ưu tú nhất. Huỳnh Thanh Trà là một trong số sinh viên học việc, ông được giao các vai nhỏ và từ từ nâng lên các vai phụ.
Đối với chàng sinh viên mới vào nghề, được hát chung với những ngôi sao lớn như Ba Vân là một đặc ân lớn. Tuy nhiên, sau một thời gian rèn giũa ở đây, Huỳnh Thanh Trà bén duyên với sân khấu kịch truyền hình. Ông rời gánh hát và tập trung cho kịch nghệ.
Từ đây, ông được đạo diễn Lê Dân chọn vào một vai diễn làm thay đổi cuộc đời, đó là vai Loan mắt nhung trong một bộ phim cùng tên, một trong những phim ăn khách nhất thời đó.
Nhân vật gã giang hồ tên Loan, xuất thân từ nhà lành, có đôi mắt đẹp u buồn, đã in đậm vào ký ức của nhiều người. Huỳnh Thanh Trà bật lên thành ngôi sao. Ông nhớ lại: "Giang hồ mà có gương mặt dữ dằn, lì lợm, thì dễ tìm, còn nhân vật trong phim là gã giang hồ có vóc dáng thư sinh và đôi mắt đẹp buồn. Đạo diễn Lê Dân đã tuyển chọn hàng trăm người nhưng không ai phù hợp. Một lần, ông xem kịch truyền hình và nhìn thấy tôi, rồi ông đã quyết định tôi chính là Loan mắt nhung. Thành công của bộ phim khiến tôi bất ngờ".
Sau thành công của vai Loan mắt nhung, Huỳnh Thanh Trà tiếp tục gắn bó với kịch truyền hình. Ông thành lập gánh kịch Phù Sa, được khán giả yêu thích. Sau năm 1975, ông đầu quân về đoàn kịch Bông Hồng do cố nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng làm phó đoàn. Tại đây, ông toàn thủ vai kép đẹp. Cái tên Huỳnh Thanh Trà tiếp tục lan xa. Nhiều khán giả lớn tuổi vẫn còn nhớ như in nét diễn của ông trong các vở như Dưới hai màu áo, Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ, Lôi Vũ…, vài vở đã trở thành tác phẩm kinh điển của sân khấu kịch Việt Nam.
Vào năm 1976, Đài truyền hình TP.HCM mở chương trình kịch Trong nhà ngoài phố. Người phụ trách chương trình là đạo diễn Trần Văn Sáu với nghệ danh Nguyễn Dị Tưởng đã mời ông và nhiều nghệ sĩ tham gia trong giai đoạn đầu mới hình thành. Về sau, do công việc bên sân khấu kịch quá bận rộn, ông rút lui.
Theo lời ông, thời đó, phòng vé đoàn kịch mới mở cửa là đã thấy khán giả đứng xếp hàng. Trong vòng 1 tiếng là vé bán hết sạch. Có khi mỗi ngày diễn 3 suất. Thế nhưng, nghệ sĩ hồi ấy có danh tiếng chứ không giàu. Vai chánh như ông ban đầu mỗi suất được trả 10 đồng, diễn viên phụ được 2 - 4 đồng/suất. Về sau lương của ông được tăng lên 40 đồng/ suất. Mỗi tháng ông diễn khoảng hơn 10 suất, vị chi 400 đồng. Đó là khoảng thu nhập tốt hồi những năm 1976 - 1980. Thế nhưng, nghệ sĩ phải chi phí cho son phấn, phục trang, nên chỉ đủ sống, chứ không dư giả. Niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ lúc ấy là được hát, được thăng hoa trên sân khấu, dù nhiều khi phải hát sân khấu ngoài trời mưa gió ở vùng thôn quê xa xôi.
"Dù đã xác định mình sống lặng lẽ ở một góc đời, nhưng tôi vẫn dõi theo tin tức và xem truyền hình. Mỗi khi thấy đồng nghiệp diễn vai nào đấy, máu nghề nghiệp trỗi dậy…" - nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà.
Khép lại quá khứ vàng son
Vì tài năng, nên Huỳnh Thanh Trà được nhiều đoàn mời gọi. Ông rời đoàn kịch Bông Hồng chuyển sang đoàn kịch Kim Cương. Thập niên 1980, nghệ sĩ Kim Cương sang Bulgaria học đạo diễn. Trở về, bà dựng Trà hoa nữ. Huỳnh Thanh Trà vào vai anh sinh viên yêu cô cave do Kim Cương thủ diễn. Đôi nghệ sĩ đã lấy biết bao nước mắt của khán giả. Cái tên Huỳnh Thanh Trà tiếp tục được bay cao.
Ở đoàn Kim Cương, ông còn nhiều vai diễn khác rất ấn tượng. Đến năm 1997, ông lặng lẽ rút lui khỏi nghệ thuật. Nguyên nhân khách quan là cải lương và kịch nghệ lâm vào cảnh khó khăn, còn nguyên nhân chủ quan thì ông chưa bao giờ muốn tiết lộ. Chỉ biết rằng ông chấp nhận khép lại quá khứ vàng son và sống lặng lẽ như mọi công dân bình thường khác. Ông bị bệnh tiểu đường và được em trai, em gái thay phiên chăm sóc. Ông không có bất kỳ thu nhập nào, nên sống trong sự thắt lưng buộc bụng.
"Xa sàn diễn, tôi buồn khủng khiếp. Dù đã xác định mình sống lặng lẽ ở một góc đời, nhưng tôi vẫn dõi theo tin tức và xem truyền hình. Mỗi khi thấy đồng nghiệp diễn vai nào đấy, máu nghề nghiệp trỗi dậy, cũng bình phẩm sao không diễn thế này, thế kia. Xong, nhìn lại thấy giờ mình đâu còn làm nghề, thế là thôi" - Lão nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà tâm sự - "Bây giờ niềm ao ước lớn nhất của tôi là sức khỏe. Tôi bị tiểu đường và cả đau khớp, nên đi đứng không vững. Căn bệnh này khiến tôi đau nhức âm ỉ".
Mấy tháng trước, qua sự vận động của NSND Kim Cương và NSND Trịnh Kim Chi, lão nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà đã chịu chuyển vào Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè. Tại đây, ông được thăm khám sức khỏe và cho thuốc theo toa, việc ăn uống đầy đủ, chỗ ở tiện nghi. Ông hài lòng với nơi ở mới, cuộc sống mới và cảm động trước những tấm lòng của khán giả còn nhớ tới ông.
Thời trước, thu nhập của nghệ sĩ khá khiêm tốn
Khi được hỏi, là một nghệ sĩ tiền bối, ông nghĩ gì về đời sống nghệ thuật hiện nay? Nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà chia sẻ: "Tôi và các bạn nghệ sĩ bây giờ có khoảng cách thế hệ quá xa, môi trường hoạt động nghệ thuật cũng khác biệt, nên khó mà so sánh được. Ngày ấy, phương tiện giải trí còn ít, lượng nghệ sĩ không nhiều, nên sản phẩm nghệ thuật không đa dạng và phong phú như ngày nay. Vì cơ hội tiếp cận khán giả quá ít, khả năng được nổi tiếng rất khó, nên chúng tôi lao động siêng năng và nỗ lực rất nhiều, ngay từ thời sinh viên, học việc. Có nhiều vở chúng tôi tập ròng rã cả tháng, ra sân khấu diễn suốt cả năm, nên càng diễn càng điêu luyện, càng thăng hoa. Ngày ấy, thu nhập của nghệ sĩ cũng khiêm tốn hơn các em các cháu bây giờ, có lẽ vì vậy mà nhiều nghệ sĩ của thế hệ chúng tôi khi về già, đã gặp nhiều khó khăn trong đời sống".
(Còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất