GĐĐH SLNA Hồ Văn Chiêm: Cứ làm như cũ thì Sông Lam "chết"

10/11/2008 19:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) -Trong lúc các CLB khác lo chuyện tập luyện, lo tìm cầu thủ bổ sung lực lượng chuẩn bị cho mùa giải 2009, Sông Lam lại thành "điểm nóng" cho những cuộc chuyển nhượng và cả những khó khăn từ các mùa trước vẫn còn chồng chất. Trong khi Công Vinh, Minh Đức đã tìm bến đỗ mới thì đến lượt Văn Quyến lại "có chuyện" với Sông Lam. Nhưng ngày này, ông GĐĐH SLNA Hồ Văn Chiêm cứ ngược xuôi tất tả với đủ thứ chuyện của đội nhà.

1. Tình cảnh của Sông Lam giờ đây với những người trong cuộc như ông Chiêm mà không "bơ phờ" thì mới là chuyện lạ. Lo chuyện ăn ở tập luyện cho các cầu thủ đội 1, tìm ngoại binh cho V-League chưa xong, "ông điều hành" Sông Lam còn phải giải quyết "cơn lũ chuyển nhượng" đang tàn phá đội bóng xứ Nghệ, rồi tính kế hoạch cho các đội trẻ, thậm chí cả những chuyện nhỏ nhặt ở các tuyến U cũng đến tay.

Từ đầu tháng 11, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã trực tiếp làm việc với Sở VH&TT-DL Nghệ AN, CLB SLNA về công tác chuẩn bị cho mùa giải 2009. Đã "kêu" nhiều lần, đã tính đủ nước, nhằm mong Sông Lam có tiền để thoát khỏi khó khăn, nhưng "dân Sông Lam" như ông Chiêm đang phải chờ những chỉ đạo mới của tỉnh để tính đường thoát khỏi vòng xoáy của cơ chế "chuyên nghiệp". Khi các bên liên quan đã ngồi lại để có giải pháp quyết liệt, có hướng đi "mở" mong giúp Sông Lam đỡ cơn "bĩ cực", ông Chiêm bày tỏ: "Các anh lãnh đạo tĩnh đã xác định cơn lốc của bóng đá chuyên nghiệp, với nhiều thành phần kinh tế tham gia, nhiều doanh nghiệp mạnh về tài chính để thu hút lực lượng, là thách thức lớn của Sông Lam. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải cố gắng hơn để tìm được đường đi nước bước thích hợp. Chúng tôi không thể tiếp tục làm như vậy được. Sở dĩ Sông Lam còn tồn tại được như thế này là nhờ công tác đào tạo trẻ trước đây đã làm tốt, chứ nếu đào tạo trẻ không làm được thì chắc chúng tôi đã nguy rồi".
 
Ông Hồ Văn Chiêm đang có đủ thứ lo ở Sông Lam -Ảnh N.V

Nói chuyện Sông Lam, ông "điều hành" Hồ Văn Chiêm không né chuyện riêng của đội nhà mà vào cuộc thẳng thắn: "Mấy năm qua, không phải Sông Lam xuống dốc mà CLB rơi vào thời điểm các VĐV hết hợp đồng, trong lúc CLB không có nguồn tài chính dự trữ để giữ chân người ta ở mức độ nào đó, trong khi các CLB khác có sức thu hút lớn về tài chính. Chúng tôi đã chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, nhưng nói thực là phải chia sẻ với tâm trạng của VĐV bởi họ còn phải lo cho tương lai. Dù có quý mấy, có tình cảm đến mấy, nhưng đồng tiền lôi kéo, rồi chuyện mưu sinh thì người ta muốn đi. Sông Lam đã về số mo. Lực lượng cầu thủ đi, tài chính khó khăn nên chúng tôi buộc phải xin cấp trên có chính sách tháo gỡ dần. Quân đi hết thì Sông Lam phải làm lại. Nếu có chính sách thu hút được đầu tư, thu hút tài trợ để làm tốt công tác đào tạo trẻ, tập trung duy trì trung tâm đào tạo trẻ phát triển tốt thì điều đó không chỉ có lợi cho bóng đá Nghệ An mà cho cả bóng đá VN".

2. Họp lên họp xuống, chạy ngược chạy xuôi để "gõ" các cửa cho chuyện tiền của đội bóng xứ Nghệ, "ông điều hành" Hồ Văn Chiêm quá thấm cái cực của đội bóng có những đặc thù như SLNA. Trong khi người trong cuộc đang trăn trở tìm cách gỡ, lại thêm những tin đồn từ bên ngoài khiến Sông Lam đã khó khăn càng thêm nhốn nháo. Người được tiếng là lành như ông Chiêm cũng khó nhịn: "Không thể đổ hoàn toàn cho CLB không theo kịp cơ chế, bởi CLB đã cố tìm cách giải quyết khó khăn, nhưng phải có cơ chế, chính sách như thế nào. Chúng tôi đã cố gắng hết mức, nhưng sức của CLB chỉ có vậy".
 

Sau những cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, tính chuyện tương lai, ông Hồ Văn Chiêm nhận định :"Chắc chắn với Sông Lam không thể duy ý chí làm theo kiểu cũ được. Tôi khẳng định năm 2009 Sông Lam còn có thể sống được, chứ cứ làm như cũ thì năm 2010 sẽ không được. Nếu cứ làm như cũ thì Sông Lam "chết". Bóng đá chuyên nghiệp là phải có tiền, chứ giờ không có tiền thì không thể tồn tại được".

Cùng ở cảnh mô hình CLB còn phụ thuộc vào các Sở VH&TT-DL, nhưng một số địa phương như Nam Định, Đồng Tháp vẫn xoay xở được, hay như Bình Định dù xuống hạng cũng không quá "nóng" vì vấn đề tài chính như ở Sông Lam. Đề cập đến chuyện này, ông Chiêm dè dặt: "Nam Định cũng có cái khó, cũng bị rút tài trợ như Sông Lam, nhưng họ còn có chỗ dựa. Đồng Tháp có tài trợ mạnh, nhận được 20 tỷ đồng. Bình Định rớt hạng cũng được rót 18 tỷ đồng, tỉnh đầu tư thêm, còn Nghệ An thì điều kiện kinh tế còn có khó khăn. Nhưng khó thì CLB phải làm theo cách khó, tháo gỡ dần để giữ được nền tảng công tác đào tạo trẻ của Sông Lam. Chúng tôi đã kiến nghị tỉnh phải vào cuộc, không thể để CLB đơn thương độc mã. Trong tương lai CLB phải chuyển đổi mô hình sang hoạt động như doanh nghiệp tự hạch toán, có chính sách để thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia".
 
Công Vinh đã rời Sông Lam về khoác áo T&T.HN

3. Mới mất Công Vinh về khoác áo cho T&T.Hà Nội, Sông Lam đang phải giải quyết chuyện hợp đồng với Văn Quyến. Tiền ít, SLNA không thể chạy đua với các đại gia để giữ chân được người hùng thưở nào nay đang chờ mãn án treo giờ để ra sân. Kì kèo, thương thảo để giữ Văn Quyến 2 năm, 3 năm, hay phải nhờ cơ quan liên quan "phân xử" chuyện hợp đồng với Quyến cũng là thêm một lần đau đầu với ông Chiêm. Đụng đến hợp đồng, lại đụng đến chuyện tiền, lại thêm bức xúc vì câu chuyện "bóng đá chuyên nghiệp không chỉ nói chuyện tình cảm", người nhà của đội bóng xứ Nghệ càng thêm thấm cảnh "chuyện trong nhà, ngoài ngõ" ở Sông Lam.

Bóng đá Nghệ An đã qua nhiều sự cố, nhưng với thách thức ngay trong quá trình chuẩn bị cho V-League 2009 thì những người trong cuộc cũng khó lường hết. Câu chuyện với "ông điều hành Sông Lam" mới chỉ cho thấy cách nghĩ để tìm đường "thoát khổ" của lò bóng đá xứ Nghệ, còn làm như thế nào, làm được đến đâu thì chuyện còn chờ thực tế trả lời!
 
Trần Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm