Chữ và nghĩa: Bài thuốc dân gian 'Đau bụng cỏ gú…'

27/10/2021 06:58 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu tục ngữ này viết đầy đủ là: “Đau bụng cỏ gú, đau vú diếp rừng, đau lưng hổ cốt, đau nhọt lá lang, đau sang máu chó”. Đây là “bài tổng kết”, là kinh nghiệm dân gian về công dụng của các lá cây (và cao động vật) trong việc trị một số bệnh thông dụng trong đời sống.

Chữ và nghĩa: 'Bầu ơi thương lấy bí cùng', 'cùng' là gì vậy?

Chữ và nghĩa: 'Bầu ơi thương lấy bí cùng', 'cùng' là gì vậy?

“Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Đây là câu ca dao được nhắc đến nhiều trong những ngày cả nước ta đang chung tay chống dịch Covid-19.

Khác với nhiều câu tục ngữ khác, thường chỉ có 2 vế, câu này có tới 5 vế hiệp vần với nhau. Dù có dạng ngắn gọn, mỗi vế đều liệt kê 2 sự việc (đau bụng/ lá gú; đau vú/ diếp rừng…) nhưng ta cũng dễ dàng suy ra ngữ nghĩa của từng vế. Có điều, nhiều từ ngữ sử dụng hơi lạ tai, khó hiểu. Cũng bởi đó là phương ngữ hoặc từ cũ ít sử dụng trong tiếng Việt.

Về ngữ nghĩa, ta có thể suy luận mỗi vế theo cấu trúc “nếu A thì B”. Theo hướng này, vế 1 “đau bụng lá gú” có nghĩa là nếu đau bụng thì dùng lá gú (thì sẽ chữa khỏi). “Gú” là từ phương ngữ miền Trung, có nghĩa là “gấu”. “Cỏ gú” (tên khoa học là Cyperaccae), còn gọi là cỏ gấu, cỏ cú, hương phụ. Cỏ gú mọc hoang nơi bờ ao, xó vườn, ngoài ruộng. Cỏ gú có vị cay, hơi đắng, ngọt, vào 2 kinh can và tam tiểu. Theo Đông y, có tác dụng lý khí, giải uất, điều kinh, chỉ thống (làm hết đau), chữa khí uất, ung thư, ngực bụng chướng đau.

Chú thích ảnh
Cây cỏ gấu

Vế 2, “đau vú diếp rừng”. “Diếp rừng” còn được gọi bằng một cái tên rất hay là “bồ công anh”, cây thân thảo thuộc họ cúc (Asteraceae), mọc hoang, hoa vàng, lá hình mũi mác. Bồ công anh còn có tên là bồ cóc, diếp hoang, diếp dại, diếp trời, mót mét, mũi mác, mũi cày… Lá cây này là một vị thuốc dân gian, dùng để chữa bệnh sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt đang sưng mủ, hay bị mụn nhọt, đinh râu. Ngoài ra, còn dùng uống trong chữa bệnh đau dạ dày, ăn uống kém tiêu…

Vế 3, “đau lưng hổ cốt”. “Hổ cốt” hay cao hổ cốt, cao xương hổ, cao hổ - đó là một loại cao nấu từ bộ xương con hổ (đại trùng cốt). Theo quan niệm cũ, cao hổ có công dụng bổ dương, trục phong hàn… Tuy nhiên, trong thời đại mới, khi vấn đề bảo tồn động vật hoang dã được đặt lên hàng đầu thì những quan niệm này không còn phù hợp nữa.

Vế 4, “đau nhọt lá lang”. Cũng theo dân gian, rau lang (hay rau khoai lang) sau khi hái về đem rửa sạch, ngâm trong nước muối rồi vớt ra để ráo nước. Cho rau lang, đậu xanh và muối vào cối giã nát. Sau đó đem bọc trong túi vải mỏng sạch rồi đắp trực tiếp lên vùng da bị nổi mụn nhọt. Áp dụng cách này giúp cho giảm sưng đau, nhọt nhanh sạch mủ và lành hẳn.

Vế 5, vế cuối cùng, “đau sang máu chó”. “Đau sang” là cách nói phương ngữ, chỉ chứng ghẻ lở thường gặp. Còn “máu chó” (tên khoa học là Knema globularia) còn gọi là huyết đằng, si đỏ thuộc họ nhục đậu khấu. Cây nhỡ, cao tới 10m, có các nhánh non phủ một lớp lông mềm màu hung đỏ, cành già nhẵn, có khía. Lá dạng màng, thuôn ngọn giáo, có mép nguyên, mặt trên bóng nhẵn, có gân lông chim. Quả hình trứng, hình cầu hay gần như bầu dục, khi chín nhẵn, vỏ quả mỏng, áo hạt nguyên hay hơi xẻ ở đỉnh. Hạt máu chó có thể dùng để chữa các bệnh ghẻ lở, chàm, bang…

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm