Thể thao cũng chờ... tiền Tết!

13/02/2015 06:33 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây vài năm, khi bóng đá chuyên nghiệp còn ở thời kỳ đỉnh cao, mỗi dịp năm hết Tết đến, chế độ thưởng Tết của các cầu thủ luôn phải khiến VĐV ở những môn thể thao ngoài bóng đá phài thèm thuồng, mơ ước, song có lẽ bây giờ tình hình đã hoàn toàn đảo ngược, bởi bây giờ không ít cầu thủ phải nhìn về VĐV ở những môn thể thao ngoài bóng đá mà ước mơ.

Những tỷ phú của năm 2014

Nếu để chọn ra một VĐV thành đạt nhất trong năm 2014 thì đấy hẳn phải là Thạch Kim Tuấn. Bảng vàng thành tích của đô cử này trong năm 2014 là 1 HCV (cử giật) và 2 HCB (cử đẩy và tổng cử) tại giải VĐTG, 3 HCV giải trẻ thế giới, phá 2 kỷ lục trẻ thế giới và được bầu là VĐV xuất sắc nhất, HCB đồng thời phá kỷ lục ở hạng cân 56 kg nam tại ASIAD 17.

Thành tích ở giải VĐTG đã mang về cho Kim Tuấn 175 triệu đồng tiền thưởng, vì theo chế độ của Nhà nước, mỗi HCV môn cử tạ (môn thuộc nhóm 1) được thưởng 85 triệu đồng, còn HCB được thưởng 45 triệu đồng. Ngoài ra, do Kim Tuấn đã phá được 11 kỷ lục trong năm 2014, bao gồm 3 kỷ lục giải trẻ quốc gia, 3 kỷ lục quốc gia, 2 kỷ lục trẻ châu Á, 1 kỷ lục châu Á và 2 kỷ lục trẻ thế giới nên Kim Tuấn được thưởng thêm 100 triệu đồng cho số lần vượt thành tích này, tổng cộng số tiền thưởng mà Kim Tuấn nhận được từ Tổng cục TDTT là 275 triệu đồng.



Lực sỹ Thạch Kim Tuấn (giữa) nhận thưởng nóng từ Chương trình "Chung sức cùng Thể thao Việt Nam chinh phục ASIAN GAMES 17 và ASIAN PARA GAMES 2014" do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức và Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội - BSH tài trợ; với sự phối hợp thực hiện của Uỷ ban Olympic Việt Nam

Bên cạnh đó, do là VĐV của TP.HCM nên Kim Tuấn còn được nhận thêm một khoản thưởng tương đương với số tiền thưởng của Tổng cục TDTT, nên tổng số tiền mà Kim Tuấn được hưởng vào khoảng 550 triệu đồng.

Trước đó, sau những thành tích ở giải trẻ thế giới cũng như việc giành HCB và phá kỷ lục ASIAD, Kim Tuấn nhận được gần 700 triệu đồng tiền thưởng, gồm 100 triệu đồng tiền thưởng nóng, hơn 100 triệu đồng cho tiền thưởng giành HCB, phá kỷ lục…

Nếu tính thêm khoản tiền hỗ trợ 10 triệu đồng/tháng trong thời hạn 4 năm, từ ASIAD 2014 tới ASIAD 2018, của TP.HCM dành cho VĐV xuất sắc ở ASIAD thì Kim Tuấn còn được nhận thêm 400 triệu đồng nữa. Tuy nhiên, phải tới sau khi ASIAD 2018 kết thúc thì Kim Tuấn mới nhận được số tiền hỗ trợ này.

Với số tiền thưởng dồi dào như thế, Kim Tuấn đã mua được cho gia đình căn nhà mới trị giá 800 triệu đồng. Hiện tại, với khoản thu nhập cứng vào khoảng 25 triệu đồng/tháng, Kim Tuấn là một trong những VĐV thể thao chuyên nghiệp có thu nhập cao nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, ở đẳng cấp của mình cộng với việc môn cử tạ liên tục có các giải đấu lớn diễn ra hàng năm, Kim Tuấn có thể đạt được mức thu nhập 1 tỷ đồng mỗi năm nếu như anh gặt hái thành tích tốt nhất ở những giải đấu mà mình tham dự như Olympic, ASIAD, SEA Games hay giải VĐTG.

Không hoành tráng bằng Kim Tuấn nhưng Ánh Viên cũng được xem là một trong những VĐV thành đạt của năm 2014. Với 2 chiếc HCĐ ASIAD cùng thành tích đoạt 1 HCV, 1 HCB và phá 1 kỷ lục tại Olympic trẻ thế giới năm 2014, Ánh Viên nhận được 245 triệu đồng tiền thưởng theo chế độ của Nhà nước.

Ngoài ra, Ánh Viên còn được Hiệp hội Thể thao dưới nước thưởng 125 triệu đồng nhờ thành tích giành 9 HCV, phá 4 kỷ lục tại giải bơi các nhóm tuổi ĐNA 2014 và 9 HCV tại giải vô địch ĐNA 2014. Chưa tính tới lương cũng như các chế độ khác của đơn vị chủ quản (Quân đội) thì tổng số tiền thưởng của Ánh Viên trong năm 2014 cũng lên tới gần 500 triệu đồng.

Trong số những VĐV được bội thu tiền thưởng nhờ ASIAD 2014, con số mà Dương Thúy Vi (wushu), chủ nhân chiếc HCV duy nhất của thể thao Việt Nam tại ASIAD, là tương đối khiêm tốn. Cụ thể, Thúy Vi chỉ nhận được khoảng 190 triệu đồng tiền thưởng, trong đó gồm 70 triệu đồng tiền thưởng của Tổng cục TDTT, 50 triệu đồng tiền thưởng nóng qua chương trình “Chung sức cùng thể thao Việt Nam chinh phục ASIAN Games 17 và ASIAN Para Games 2014” do báo Thể thao & Văn hóa và Tổng Cty Bảo hiểm BSH phối hợp tổ chức, 40 triệu đồng từ Công ty Yamaha Motor Việt Nam, 10 triệu đồng từ UBND TP.Hà Nội và 20 triệu đồng tiền thưởng nóng từ Quỹ cổ vũ Việt Nam của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Thúy Vi còn được tưởng thưởng bằng những phần thưởng quý giá khác như một suất đặc cách vào thẳng biên chế của ngành thể thao Hà Nội để ổn định công việc và cuộc sống sau khi giải nghệ. Bên cạnh đó, Thúy Vi cũng được Công ty Yamaha Motor Việt Nam mời làm đại diện cho một dòng xe máy của hãng này.

Vui buồn bóng đá

Năm 2014 có thể coi là năm không trọn vẹn với bóng đá Việt Nam, khi đội tuyển nữ Việt Nam sau khi để tuột mất chiếc vé tham dự World Cup 2015 đã bù lại phần nào nỗi thất vọng bằng thành tích vào bán kết ASIAD 2014, và nhờ thế mỗi tuyển thủ của đội tuyển nữ Việt Nam được nhận số tiền lên tới 90 triệu đồng (từ số tiền thưởng 1 tỷ của VFF và 1 tỷ của UBND TP.Hà Nội).

Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam sau khi thi đấu ấn tượng ở vòng bảng và trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014 đã bất ngờ đánh mất phong độ ở trận bán kết lượt về, khiến VFF và người hâm mộ vô cùng thất vọng, và kèm theo đó là không ít nghi ngờ.

Vì thế, dù trên lý thuyết thầy trò HLV Toshiya Miura sẽ được nhận 5 tỷ đồng tiền thưởng từ VFF (VFF thưởng 1 tỷ đồng sau chiến thắng 3-0 trước Philippines ở lượt cuối vòng bảng, và 2 tỷ đồng nhờ đánh bại Malaysia 2-1 ở bán kết lượt đi và 1 tỷ đồng của bầu Hiển, 50.000 USD cho vị trí thứ Ba và thêm 5.000 USD cho đội bóng Fair-Play tại AFF Cup 2014), nhưng vì nhiều lý do, đến nay VFF mới chỉ giải ngân 3 tỷ đồng tiền thưởng cho các tuyển thủ, và tính trung bình mỗi cầu thủ được hưởng khoảng 100 triệu đồng ở đợt chia thưởng đầu tiên này.

Tuy nhiên, các tuyển thủ ở đội tuyển Việt Nam vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với đồng nghiệp ở nhiều CLB khác, chẳng hạn như Đồng Tháp, đội bóng mà trung vệ trụ cột của họ phải đi vay nặng lãi để chữa chấn thương mà nay vẫn chưa được CLB thanh toán thì khó lòng nói chuyện thưởng Tết hậu hĩnh.

Năm ngoái, Than Quảng Ninh đã trở thành hiện tượng của V-League 2014 không phải chỉ vì lối chơi ấn tượng cùng dàn CĐV máu lửa của họ, mà còn xuất phát cả từ việc các cầu thủ Than Quảng Ninh được thưởng Tết nhân dịp Tết Giáp Ngọ bằng 4 bao gạo (10kg gạo tẻ, 5 kg gạo nếp), thua xa chế độ thưởng Tết 5 triệu đồng/người mà các cầu thủ Than Quảng Ninh nhận được khi còn thi đấu ở giải hạng Nhất.

Năm nay chắc chắn Than Quảng Ninh sẽ không rơi vào “bi kịch” thưởng Tết ấy nữa bởi đội bóng đất mỏ đã được chuyển đổi chủ sở hữu, và bây giờ họ được xem là thiếu gia V-League chứ không còn là đội bóng nhà nghèo, nhưng có lẽ sẽ vẫn còn những CLB khác ở V-League phải áp dụng chế độ thưởng Tết tương đương với chính sách “4 bao gạo” của Than Quảng Ninh ở V-League 2014.

Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm