Đề cử Giải Bùi Xuân Phái 2023: 'Hà Nội đây chứ đâu' níu giữ nền nã Tràng An

13/09/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Tôi là người Hà Nội, sinh tại số 3 phố Hàng Ngang, lớn lên ở Hàng Trống, bên này Bờ Hồ, rồi lớn hơn ở Hàng Thùng, bên kia Bờ Hồ… Nhưng tôi đang là ông già Cầu Bông trong Sài Gòn. Nhà tôi có một kệ sách cao hơn tôi, chất đầy sách về Hà Nội. Tuần này tôi đọc tản văn Hà Nội đây chứ đâu (NXB Hội Nhà văn, 2022) của họa sĩ Đỗ Đức.

Tác giả sách này là một người làng Nành, bên kia cầu Long Biên (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Chính làng Nành đã cho ông những trang đẹp nhất trong sách.

Vẫn còn những ông đồ giáng bút

Thì ra người Hà Nội thời viết lấy nhanh, bằng cả 2 tay chạy phím, vẫn có đến 3 ngày trẩy hội Xuân làng Nành, để được xin chữ đẹp, được nhìn thấy hồn cốt văn tự. Chữ từ cao xanh đâu đó nhập đường máu, mà hồng hào 5 ngón giáng bút của một ông đồ, như còn sót lại từ thời "chữ người tử tù": "Đợi cho rượu tản đều, lão ngoan đồng vén tay áo, cái đầu bạc lõa xõa cũng vén lên tìm chữ… Lão xòa ngọn bút vào nghiên mực xoay xoay cán bút, lặng lẽ xuống tấn định thần giây lát. Rồi như chớp giật, cây đại bút ngập mực xả ngang chém dọc như ra đường kiếm lắt léo, 4 chữ "Ninh Hiệp chính hội" phút chốc hiện ra đen nhức hạt na trên mặt giấy đỏ thắm" (trang 247).

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: 'Hà Nội đây chứ đâu' của Đỗ Đức - Níu giữ nền nã Tràng An và văn hiến kinh kỳ - Ảnh 1.

Họa sĩ Đỗ Đức

Đường bút của Đỗ Đức ở hơn nửa số trang sách này là tô viền đậm nhạt, nhấn nhá tối sáng, là thi vị hóa những nét đẹp xưa mà tác giả muốn bảo tồn. Ông phát hiện rồi níu giữ nền nã Tràng An, văn hiến kinh kỳ còn lại, ngay ở những người vô danh.

Trong sách, một bệnh nhân thời đại dịch Covid-19 thư thả sống để ăn cho đẹp, không đua đòi ngốn vội, nuốt tham, cầu sống lâu sống mãi. Ăn mà "như anh văn thư đang soạn giấy tờ": "Bác cẩn thận rót nước mắm, vắt chanh gạt hạt rồi chăm chú với chiếc thìa nhựa nhỏ, loại thìa ăn sữa chua, vớt nhẹ những lát tỏi trong lọ ngâm, chuyền sang khay nước mắm… Những lát tỏi bập bềnh trong nước giấm được bác khéo léo thu vén, đôi lúc khóe miệng cũng hơi lượn theo đường đi của lát tỏi một cách tự nhiên… Khi những lát tỏi cuối cùng trong lọ được lùa sang hết chỗ khay nước mắm, bác mới xoa tay mở gói giấy đựng mấy lát ớt, nhẹ nhàng thả xuống rồi dùng đũa trộn đều. Chỉ nhìn bác chuẩn bị nước chấm tôi đã ứa nước miếng" (trang 161).

Một người Kẻ Chợ "nhí", tuổi khăn quàng đỏ, mà đã rành thương mại cổ truyền, nhờ thuộc hương ước xưa. Tác giả kể: "Trên chục năm trước, một lần về quê tôi thấy một khách đến trả tiền hàng cho đứa cháu. Bà ấy quăng cái bao tải tiền xuống nền nhà bảo "Đây, 10 triệu tất cả", rồi không cả ngồi uống nước, te tái đi ngay. Tôi bảo chưa đếm sao biết là mười triệu, thì cháu tôi cười: "Mình đếm xong, thừa trả lại, thiếu thì bảo họ đưa sau, lệ thế rồi mà" (trang 224).

Cùng níu giữ nết na, mực thước Hà Nội với Đỗ Đức là các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, Nguyễn Văn Lý, Huỳnh Văn Gấm… là các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Thanh Hương… là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Những nhân vật Hà Nội của Đỗ Đức sống tập thể với nhau trong "biệt thự cổ 65", đường Nguyễn Thái Học.

Người viết bài chủ quan nghĩ rằng các nhân vật thời ấy, cùng nhìn ra phố phường Hà Nội, cùng một nhận xét như ông bạn Nguyễn Sáng của họ về những người vô danh ngoài kia: "… nếu Hà Nội dẹp hàng rong, quán cóc thì không còn Hà Nội nữa. Nó sẽ là cái thành phố chết".

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: 'Hà Nội đây chứ đâu' của Đỗ Đức - Níu giữ nền nã Tràng An và văn hiến kinh kỳ - Ảnh 2.

Có những người Hà thành bên Paris hoa lệ

Nếu mở sách này, tìm những người Hà Nội thứ thiệt, Hà Nội chất, Hà Nội chuẩn, thì có khi, bạn đọc lại gặp được người ấy trên đất chè Thái Nguyên, hoặc gặp xa hơn, mãi bên Paris, Pháp quốc.

Bạn sẽ gặp cô giáo Cương người phố Hà Trung lên miền núi "dân lành như đất, thật thà đến tận ngón chân". Tháng 3/1961, khu đồng lúa gần trường cô dạy đang thì con gái, bỗng nhiên sâu phá lúa như từ trên trời rơi xuống. Từng đàn chim sáo kéo về đông nghịt, chúng nhảy nhót ăn sâu no nê, có con bội thực lăn quay ngay trên ruộng. Cả trường ngưng học, mỗi trò một ống nứa, một cái gắp đi giúp dân bắt sâu. Cứ đầy ống lại đổ vào cái sọt to để ở góc ruộng, sau đem cân tính công, rồi đem chôn.

Cô Cương cũng phải vén quần xắn tay áo bước xuống ruộng. Người Thủ đô, biết bùn đất là gì, dính tí nước ruộng đã sợ mà bữa ấy thì… Đỗ Đức kể tiếp: "Tôi vừa nhặt sâu, thỉnh thoảng lại ngó sang cô ở phía xa. Bỗng thấy cô loay hoay như gà vướng tóc, tôi chạy lại thì cô đang cuống quéo cầm ống nứa đựng sâu cố gắng một cách bất lực gạt gạt con đỉa bám ở bắp chân, mắt nhắm nghiền ngoảnh nơi khác, nước mắt hoen trên má. Đám trò mải bắt sâu chẳng đứa nào biết, vì cô không dám kêu. Tôi đến nơi, vội thò tay dứt con đỉa trâu đang bám chặt chân cô, ném ra xa. Một dòng máu từ bắp chân chảy loang. Cô lúc này mới qua cơn hoảng loạn, nhìn tôi với ánh mắt biết ơn…" (trang 146).

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: 'Hà Nội đây chứ đâu' của Đỗ Đức - Níu giữ nền nã Tràng An và văn hiến kinh kỳ - Ảnh 3.

Tác giả đã mở rộng kích tấc đề tài để có máu và nước mắt trong câu chuyện về những người Hà Nội hào hoa giữa những ngày khốn khó.

Còn người Paris gốc Hà Nội là anh Tích Kỳ, xuất hiện ở trang 148. Anh từng Tây Tiến với bộ đội, nhưng vì nhiều lý do thời hậu chiến, anh đã sang Pháp. Nhưng cái chất lãng mạn anh từng đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp, vẫn được Đỗ Đức trân trọng. Tích Kỳ trở thành người mẫu trung tâm trong bức tranh kia: "… đầu mũ nan (bọc vải choàng lưới để gài lá ngụy trang, loại mũ người lính thường tự làm lấy), trên  mình trấn thủ, ngồi mơ hồ trong không gian xanh miền Tây, ôm ghi-ta phập phừng. Phía sau còn có con ngựa chiến đứng thõng, đầu hơi cúi… Lại có một đoàn quân đang đi lấp ló trong ngàn xanh. Nhịp bước hình như đang lắng vào hợp âm của cây đàn. Khẩu mút-cơ-tông treo lơ lửng trên chỗ thân cây anh ngồi tựa. Xa xa lẫn trong mây khói miền Tây, bóng một cô gái Thái xòe quạt chập chờn như ấn tượng có từ giấc mơ chìm dần vào mênh mông".

Đã là tác giả của 18 đầu sách, Đỗ Đức đủ sức bút để hé cửa "cõi âm", tạo thêm không gian nghệ thuật giúp người Hà Nội của ông đẹp thêm một lần nữa trong hiện thực huyền ảo. Ở trang 156, một cặp đôi Hà thành bị chia rẽ nơi dương thế bằng cách biệt giàu nghèo, rồi bằng cái chết, họ tìm cách thủy chung ở thế giới bên kia, yêu nhau lần nữa kiểu liêu trai!

Cảm hứng anh hùng ca và góc nhìn giễu nhại   

Vốn là một họa sĩ, Đỗ Đức hòa sắc thật khéo nơi các trang văn của mình, chất sử thi hào hùng và chất châm biếm sắc sảo.

Hào hùng như con sông Hồng cuồn cuộn chảy, đưa vào tập sách nhịp điệu anh hùng ca của thời kỳ "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi": "Tôi đã đi trên cây cầu (Long Biên) những ngày đó, khi ngửa mặt nhìn lên trụ cầu cao chót vót thấy những khẩu 12,7 ly và những chiến sĩ bảo vệ cầu như chim xây tổ trên cao, hiên ngang lẫm liệt. Lúc ấy tôi cũng không thấy sợ, chỉ thấy sự quyết liệt của chiến tranh. Nếu là một chiến sĩ cao xạ chắc tôi cũng làm như thế, cũng hiên ngang như họ, mặc dù biết ở đó, 1 trong những ụ pháo trên nóc cầu đã dính rốc-két Mỹ bay cả trụ. Người lính chiến bay theo xuống lòng sông Cái, máu hòa với nước phù sa, thẫm thêm màu cờ, cuồn cuộn trôi theo dòng" (trang 68).

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: 'Hà Nội đây chứ đâu' của Đỗ Đức - Níu giữ nền nã Tràng An và văn hiến kinh kỳ - Ảnh 4.

Tản văn “Hà Nội đây chứ đâu”

Nhưng rồi cũng tới ngày hòa bình, thống nhất, những người Hà Nội phải đối đầu với các vấn đề hậu chiến, nhiều người đã đổ đốn, biến chất! Đỗ Đức đã không ngại bóc phốt, không ngại biếm họa bằng ngòi bút sắc sảo.  

Thật tức cười, một doanh nhân đẹp mã, "phong thái bệ vệ, áo len cổ thìa, sơ-mi trắng thắt cà-vạt đỏ", "xả phanh quát vào di động", chỉ 9 dòng văn mà dùng hơn 10 chữ chửi thề (trang 91).

Tức cười, cái thứ bún riêu đểu "… bún chỉ vài gắp, phần chính trong nước riêu lỉnh kỉnh, bò, trứng, ốc, chân giò, đậu phụ… thành món bách hóa tổng hợp" (trang 99).  

Tản văn Hà Nội đây chứ đâu gồm 250 trang, là chuyện nối chuyện, liên kết muôn mặt đời sống, từ anh thợ "Khóa… ơ" (trang 168) dễ thương, tỉ mẩn, chữa hỏng hóc thường nhật, tới chàng "dế cụ" Tô Hoài khả kính (trang 137 + 235) làm phim kinh điển để đời, khiến cả nước được "để Mỵ nói cho mà nghe" từ mặt gương Tây Hồ, Hà Nội…

Đề cử Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội

Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức được trao vào dịp 10/10 hằng năm, gồm 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Tác phẩm, Giải Việc làm, và Giải Ý tưởng.

Logo Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội

Ở hạng mục Giải Tác phẩm năm nay có 4 đề cử chính thức:

1. Phố Hàng Bột, chuyện tầm phào mà nhớ của Hồ Công Thiết (NXB Lao Động và Chibooks ấn hành).

2. Triển lãm ảnh Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên) của nhiếp ảnh gia người Mỹ William E. Crawford.

3. Cuốn Hà Nội chuyện xưa phố cũ (NXB Hà Nội) của Tạ Thu Phong.

4. Cuốn Hà Nội đây chứ đâu (NXB Hội Nhà văn) của Đỗ Đức.

Các đề cử trên các hạng mục còn lại sẽ lần lượt được công bố trên Thể thao và Văn hóa các số báo tới.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm