16/01/2009 13:46 GMT+7 | Bóng đá Anh
(TT&VH) - Khi những ông hoàng của UAE quyết định đổ hàng trăm triệu bảng vào Man City, rất nhiều người đã nói đến một cuộc đầu tư hoang phí, hoặc là những biểu hiện chơi trội kiểu trọc phú, điều đã từng được nói đến khi Abramovich tới Chelsea. Tuy nhiên, sự thật có giống như bề nổi của nó hay không, chỉ có thời gian mới trả lời được.
Để là một nhà kinh doanh giỏi, không ai quan tâm tới những lời chế nhạo, mà điều quan trọng là kết quả. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng, việc bỏ ra hơn 100 triệu bảng chỉ để chào mua một cầu thủ, nghe có vẻ đúng là hành động của một tay nhà giàu “ngông nghênh”. Nhưng nếu bỏ qua vấn đề tiền bạc, người ta sẽ cô đọng được 1 câu cực kỳ có ý nghĩa: Cầu thủ hay bậc nhất thế giới đang ở Manchester City. Thật vậy, đó sẽ là lời tuyên ngôn có thể xem là ý nghĩa nhất, ấn tượng nhất, và đáng tự hào nhất trong lịch sử CLB vùng Eastlands.
Vài tháng trước, đội bóng áo xanh dương đã trở thành CLB giàu nhất thế giới, với ông chủ mới mang tên Sheikh Mansour bin Zayed al-Nahyan - một cái tên khó đọc, khó nhớ, và cũng khó gây ấn tượng ở châu Âu. Nhưng sau món quà trị giá 32,5 triệu bảng với Robinho, mọi chuyện đã khác, người ta đã biết đến sự có mặt của những tỷ phú Ả rập tại nước Anh. Còn bây giờ, ngay cả khi Milan không để Kaka ra đi, cả thế giới cũng sẽ biết, Man City tầm cỡ như thế nào.
Dù thế nào đi chăng nữa, những động thái từ Man City vẫn có thấy một cảm giác ban đầu: Sự băn khoăn. Thậm chí trong những thời điểm dư dả của nền tài chính, việc Barca hay Real Madrid bỏ ra hàng chục triệu bảng cho một ngôi sao, cũng là sự kiện rất đáng chú ý rồi. Còn với Man City, tới nay, họ vẫn chỉ là một chú lùn - không hơn, cả về vị thế lẫn truyền thống. Chắc chắn, việc bỏ ra một đống tiền chỉ để xây một giấc mơ đẹp sẽ khiến những người Anh bảo thủ cảm thấy không ổn. Chẳng phải sau khi thực hiện những cuộc đầu tư rầm rộ đến chóng mặt, Roman Abramovich lại đã từng muốn bán Chelsea hay sao?
Trên thực tế, đó không hẳn là một so sánh hợp lý, nếu không muốn nói là rất thiếu khách quan. Ông chủ người Nga đã bỏ ra khoảng trên dưới 700 triệu bảng để sở hữu Chelsea, và cho đến giờ phút này, nhờ thương hiệu của đội bóng thành London, ông ta đã được biết đến trên toàn thế giới. Trước đó, dù Abramovich có giàu đến đâu, thì tiếng nói của ông cũng không được lắng nghe như bây giờ. Vấn đề nằm ở đó, cho dù Chelsea có bị bán hay không. Man City cũng không phải là ngoại lệ. Bóng đá sẽ khiến tên tuổi của các ông chủ bay đi khắp địa cầu, với tần suất và sự nể trọng không thua gì những chính khách đại gia. Đó mới là điều đáng kể!
Có thể xem, ở một khía cạnh nào đó, tham vọng của Sheikh Mansour cũng giống như của Abramovich. Nếu xem Manchester City là một thương vụ đầu tư, thì kết quả sẽ nằm ở Abu Dhabi. Còn nếu bạn nghĩ những việc làm của Sheikh Mansour là mạo hiểm, thì hãy nhìn vào người láng giềng có cái tên dài không kém của ông, Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum. Đã từ lâu, cái tên Sheikh Mohammed nổi tiếng trong lĩnh vực đua ngựa. Ông sở hữu, và tổ chức hàng loạt những giải đua đắt giá nhất trong năm tại Dubai. Hơn ai hết, ông hoàng đó hiểu rằng, trong một thế giới trong xu hướng toàn cầu hoá, thể thao sẽ là thứ ngôn ngữ, là hành trang có thể đưa người ta đi bất cứ đâu.
Vậy đấy, trong những cuộc đầu tư dài hạn, giá trị của món hàng không phải là điều người kinh doanh thực sự bận tâm. Cũng giống như trên thế giới, rất ít người sở hữu tranh của Van Gogh lại nghĩ rằng nó đáng giá bao nhiêu. Trường hợp của Kaka cũng vậy. Các CĐV sẽ nghĩ tới giá trị và số lương của anh được hưởng, nhiều hơn là những gì anh có thể mang về trong tương lai.
Đó dĩ nhiên sẽ không phải là cách nghĩ của những người làm ăn lớn. Cũng như một câu ngạn ngữ cổ của phương Đông: “Đừng dạy các ông chủ lớn cách tiêu tiền”...
Yến Thanh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất