Bản quyền truyền hình mới: Điều ước của Premier League năm 2009

22/01/2009 08:05 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH cuối tuần) -  Những ngày cuối năm 2008, trong bối cảnh cả thế giới vẫn vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, trong khi cuộc marathon mùa Đông trên sân cỏ tất bật diễn ra, Ban tổ chức Premier League đã chính thức gửi lời mời đến các đơn vị tham gia vào cuộc đấu giá bản quyền truyền hình Premier League giai đoạn từ mùa giải 2010-2011 đến mùa giải 2012-2013. Nếu trong năm 2009, họ có được một hợp đồng hậu hĩnh hơn con số 2,7 tỷ bảng vừa qua, đó sẽ là thành công rực rỡ. Đây chính là điều ước đầu Năm Mới của giải Ngoại hạng Anh.

Nguồn thu sống còn

Truyền hình đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Premier League, ngay từ khi giải ra đời năm 1992. Thời điểm đó, việc giải Ngoại hạng chỉ định kênh truyền hình BSkyB là đối tác đã gây nhiều tranh cãi. Ngày ấy, thị trường Anh quốc vẫn chưa quen thuộc với khái niệm xem bóng đá phải trả tiền. Thế nhưng, bằng chiến lược hợp lý của BSkyB cũng như chất lượng ngày càng cao của Premier League, giá trị bản quyền đã tăng liên tục và trở thành nguồn thu quan trọng cho giải.

Hợp đồng đầu tiên giữa BSkyB với ban tổ chức có trị giá 191 triệu bảng trong 5 mùa giải. Sau đó, nó tăng lên 670 triệu bảng cho 4 mùa giải kế tiếp. Hợp đồng lần thứ 3 đã lên tới 1,024 tỷ bảng chỉ trong 3 mùa giải từ 2004-2005 đến 2006-2007. Và rồi tháng 8/2006, sự độc quyền của BSkyB bị phá vỡ khi đài truyền hình Setanta Sports nhảy vào mua 2 trong 6 gói truyền hình. Cũng phải nói thêm Setanta Sports chiếm được phần của miếng bánh béo bở này là nhờ sự quyết liệt của Ủy ban châu Âu (EC), kiên quyết chống tình trạng độc quyền nhiều năm qua của BSkyB.
 
Trong tương lai, sẽ có kênh Premier League TV?

BSkyB và Setanta đã bỏ ra tổng cộng tới 1,7 tỷ bảng để mua bản quyền truyền hình Premier League giai đoạn từ mùa giải 2007-2008 đến 2009-2010. So với hợp đồng trước, giá trị đã tăng vọt tới 2/3. Điều này khiến nhiều nhà phân tích chưng hửng bởi họ luôn dự đoán rằng sau nhiều năm phát triển “quá nóng”, bản quyền truyền hình Premier League sẽ sa sút. Cộng thêm 1 tỷ bảng từ việc bán bản quyền truyền hình ra quốc tế và trên Internet, Premier League thu về tổng cộng hơn 2,7 tỷ bảng. Đây là một con số khủng khiếp khiến nhiều giải khác phải ghen tị đồng thời góp hần đưa Premier League trở thành giải bóng đá đắt giá nhất hành tinh.

Một điều đặc biệt trong vấn đề bản quyền truyền hình Premier League là nó được chia khá công bằng. Ngay từ đầu, tất cả các CLB đã thống nhất sẽ đàm phán bản quyền truyền hình như một khối chung, khác với cách thức “mạnh ai nấy lo” ở Serie A hay La Liga. Tính trung bình, từ 2007 đến 2010, mỗi CLB giải Ngoại hạng bỏ túi mỗi năm 45 triệu bảng từ bản quyền truyền hình.

Tất nhiên, những “đại gia” như M.U, Chelsea, Arsenal, Liverpool nhận được phần lớn hơn (xem cách chia “miếng bánh truyền hình” ở cuối bài). Song về cơ bản, cách thức đàm phán và chia chác như vậy tạo ra được sự thống nhất chung, giúp các đội bóng nhỏ cũng nhận được kha khá, đồng thời Premier League có ưu thế hơn trên bàn thương lượng với các đài truyền hình.
 

Tiếp tục thịnh vượng, hay sẽ thụt lùi?

Lúc này, thật khó mà dự đoán con số nào Premier League sẽ đạt được cho bản quyền truyền hình từ 2010 đến 2013. Nó sẽ tiếp tục tăng như xu hướng từ khi giải ra đời đến nay, hay sẽ giảm mạnh như điều mà các nhà phân tích đã cảnh báo từ lâu?

Trên thực tế, nhu cầu vẫn đang ngày một lớn, đặc biệt ở thị trường nước ngoài. Thương hiệu Premier League đã trở nên bành trướng đến nỗi năm ngoái, ban tổ chức còn đưa ra kế hoạch đầy tham vọng “vòng 39”, tổ chức thêm một vòng đấu Premier League bên ngoài xứ sở sương mù. Kế hoạch đó bị coi là sớm chết yểu khi vấp phải sự phản đối quyết liệt nhưng gần đây, nó lại có dấu hiệu hồi sinh rõ rệt khi nhiều liên đoàn châu lục tỏ ý hoan nghênh.

Theo thống kê không chính thức, Premier League là giải thể thao được nhiều người xem nhất trên thế giới, hiện diện ở 202 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi sự phổ biến của giải ở những trung tâm lớn như châu Á tiếp tục lớn mạnh, nhiều thị trường mới và đầy tiềm năng như Mỹ hay châu Phi đã được Premier League tích cực khai phá bằng các chuyến du đấu của những đại gia như M.U, Chelsea…

Nếu nhìn vào xu hướng tích cực như vậy, Premier League có quyền hy vọng sẽ tiếp tục bỏ túi thêm một khoản kỷ lục từ bản quyền truyền hình. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ quý IV năm ngoái đang đe dọa phá hỏng tham vọng đó. Khắp thế giới, mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng nặng nề. Liệu Premier League có tránh được “cơn sóng thần” đó? Thực tế, đã có nhiều dấu hiệu rằng giải đấu này đã ít nhiều chịu thiệt hại. Lượng khán giả đến sân giảm sút. Những lô ghế VIP tại Stamford Bridge hay Old Trafford vắng vẻ hơn. Khi tất cả đều phải “thắt lưng buộc bụng”, khi đồng bảng rớt giá thảm hại, bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho tấm vé vào sân đang trở thành thú vui xa xỉ với nhiều người ở xứ sở sương mù.

Liệu tình thế khó khăn có khiến người ta cắt giảm nốt cả các gói xem bóng đá trên truyền hình? Đó sẽ là cơn ác mộng cho Premier League. Nhưng có một điều an ủi là trong thời khủng hoảng, người ta thường ở nhà xem tivi nhiều hơn! Chí ít, đây vẫn là cách giải trí rẻ nhất so với đi ăn hiệu, đến nhà hát, tới rạp chiếu phim…
 

Premier League TV, tại sao không?

Trong thời gian qua, song song với việc chờ đợi những đề nghị hấp dẫn từ các đối tác quen thuộc như BSkyB và Setanta, ban tổ chức Premier League cũng đang cân nhắc một kế hoạch đầy tham vọng: xây dựng kênh truyền hình của riêng mình!

Đây sẽ là một giải pháp lý tưởng nếu như việc bán bản quyền truyền hình không được suôn sẻ như các hợp đồng trước. Cho dù các nhà phân tích cho rằng một Premier League TV chỉ là phương án cuối cùng, nó vẫn đáng được xem xét một cách nghiêm túc.

Theo tính toán, Premier League TV thừa sức đạt được doanh thu 1 tỷ bảng mỗi mùa giải. Chỉ cần có 200 triệu thuê bao với mức phí khá hợp lý là 200 bảng mỗi năm (khoảng 16,5 bảng mỗi tháng) là có con số hoành tráng trên. Nhiều đài truyền hình nhận định ý tưởng Premier League TV chỉ là sự “dọa dẫm” buộc họ phải trả giá cao hơn cho bản quyền truyền hình, song đối với các fan, đây có thể là một kế hoạch tuyệt vời bởi mức phí dự kiến trên rẻ hơn nhiều so với con số mà họ đang phải trả để được xem những cuộc so tài của giải Ngoại hạng.

Hai vấn đề lớn nhất đặt ra cho Premier League TV là liệu kế hoạch này có duy trì được nguồn thu ổn định quen thuộc cho các CLB như những hợp đồng bản quyền vừa qua và liệu tính phổ biến của Premier League trên khắp toàn cầu có bị ảnh hưởng (việc đưa tất cả Premier League vào một kênh có thể khiến những fan tại nước ngoài khó tiếp cận nhanh chóng được nó thông qua mạng lưới truyền hình cáp bản địa).

Với vấn đề đầu tiên, câu trả lời là không khó. Với nhu cầu mạnh mẽ như hiện nay, ngay từ năm ra mắt, Premier League TV đã có thể dễ dàng vượt con số 1 tỷ bảng. Và khi kế hoạch “Vòng 39” được chấp nhận cũng như triển khai rộng rãi, cơ hội phát triển toàn cầu của Premier League sẽ càng sáng sủa hơn. Nó cũng sẽ thúc đẩy giải quyết vấn đề thứ hai. Cùng thời gian và quy mô “bành trướng”, Premier League TV hoàn toàn có thể giải quyết các khúc mắc về kỹ thuật và cơ sở hạ tầng để trở thành một sản phẩm mang tính toàn cầu.

Bên cạnh đó, có một khía cạnh khác của Premier League đang gây nhiều tranh cãi. Đó là sự “ngoảnh mặt” với các fan qua Internet. Từ 2006, Premier League đã thuê công ty NetResult, một “sát thủ” về bảo vệ bản quyền trên mạng tiến hành công việc chống vi phạm bản quyền. NetResult quá “tích cực”, sục sạo từ YouTube cho đến những blog cá nhân, gây phiền toái cho các fan ngay cả khi họ chỉ muốn đưa biểu tượng đội bóng yêu mến của mình lên mạng. Việc bảo vệ bản quyền gắt gao này liệu có gây ra phản ứng ngược? Đang có nhiều lời kêu gọi Premier League hãy nới tay hơn và thậm chí là hãy mở một kênh truyền hình online riêng của mình để các fan có thể thỏa sức vẫy vùng mà không bị NetResult nhắc nhở, cấm cản. Song, một Premier League TV online cũng có nghĩa là chủ yếu…free, không đem lại lợi nhuận khổng lồ như những hợp đồng bản quyền truyền hình truyền thống.

Mà điều đó lại đi ngược với quan điểm của Premier League. Gần 2 thập kỷ qua, giải đấu này vươn lên mạnh mẽ trở thành số 1 trong làng túc cầu giáo nhờ tính thương mại cao. Thứ tự ưu tiên luôn là tiền bạc, CLB, rồi mới đến người hâm mộ. Chính vì thế, hãy cứ chờ đợi một Premier League “miễn phí” trong tương lai khá xa. Lúc này, chắc chắn vẫn cứ là một Premier League với bản quyền truyền hình hậu hĩnh, với việc bán bản quyền chặt chẽ trên Internet…
 
Trung Sơn (Hong Kong)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm