12/12/2014 14:10 GMT+7 | Trong nước
Ngành hàng không thương mại ghi năm 1922 là thời điểm ra đời sân bay dân dụng đầu tiên ở Koenigsberg-Devau. Chưa đầy một thế kỷ sau, mọi thứ đã dần đi vào lịch sử...
Gió khô và nóng hầm hập
Trong buồng lái giấy vụn bay lả tả, ai tinh ý sẽ đọc được những đầu đề như “Danh mục kiểm tra trước khi cất cánh“ hay “Biên bản lịch trình“ trên nền giấy vàng khè bụi bặm. Sẽ không ai quan tâm đến chúng nữa, vì chiếc DC-10 này sẽ không bao giờ rời khỏi được mặt đất. Nó đã đến được vị trí đỗ cuối cùng, vạch sơn chấm dứt đường bay 25 của phi trường Mojave, trên sa mạc Nam California.
Trên đất Hoa Kỳ có hơn một chục bãi tập kết xác máy bay loại lớn, tập trung nhiều nhất ở các bang nóng như Arizona, New Mexico và California. Thực ra đây là những bãi đỗ kiêm kho phụ tùng và vật liệu đồng nát. Các bang nêu trên được coi là địa chỉ lý tưởng, vì ở đây thừa chỗ và không mấy khi mưa, bảo đảm cho kim loại không bị gỉ sét ăn mòn. Đó là loại phi cơ hỏng hoặc hết hạn sử dụng.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sinh ra một loại khách hàng mới cho Mojave. Bắt nguồn từ Hoa Kỳ, giai đoạn kinh tế đình đốn ấy cũng chẳng dừng bước trước các doanh nghiệp hàng không, nếu không muốn nói chúng thuộc về những nạn nhân bi thảm nhất. Một loạt máy bay bị đưa vào giấc ngủ đông tạm thời để chờ một ngày tươi sáng hơn. Các kỹ thuật viên dán kín miệng hút gió của tua-bin, bơm căng lốp, rồi đưa chúng tới đây để chịu cái nóng gay gắt của Mặt trời sa mạc. Các hãng hàng không, công ty cho vay tài chính và nhà băng tiết kiệm cả núi tiền khi đẩy phi cơ ra sa mạc, vì các phi trường lớn đòi lệ phí bãi đỗ cao hơn nhiều.
Mỗi ngày nghỉ bay
Không cần phải là kỹ sư hàng không, ai lâu lâu không sử dụng chiếc máy thu hình hoặc tủ lạnh đều có thể hình dung ra các hư hỏng gặm nhấm từ từ vào mọi chi tiết cơ và điện. Tuổi thọ kéo dài, ngay cả khi máy bay đứng yên, cũng làm giảm giá trị của nó. Một ngày xấu trời, cơn hấp hối của bầy chim thép bắt đầu, kể từ nay trở đi chúng chỉ còn là kho phụ tùng.
Mike Potter sung sướng khi cả giới doanh nhân khóc ròng trước khủng hoảng, vì công ty buôn bán phụ tùng máy bay của ông đột nhiên kiếm bộn tiền. Nhiều đường bay phải cắt lỗ và đặt chỗ an nghỉ cuối cùng ở Mojave. Riêng trong năm 2008 Mike Potter hoàn tất thủ tục “After Landing Check“, gọi nôm na là giấy báo tử cho 15 phi cơ. “Tôi dự tính trong sáu tháng tới sẽ là con số vài trăm. Chỗ thì không thiếu“.
Ngót 100 máy bay mới, cũ hiện tại chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích Mojave. Hầu như mọi hãng hàng không lớn đều bị giảm doanh số thê thảm và sẽ lần lượt đem máy bay về đây cất. Ví dụ như United Airlines, hãng hàng không lớn thứ 2 thế giới về mặt doanh thu chia theo đầu hành khách và dặm (sau American Airlines), dự định thay toàn bộ Boeing 737 trong phi đội của mình - 50 chiếc! Tiền mua máy bay mới thì lại thiếu.
Công ty sản xuất máy bay Boeing hồi 2007 còn bán ra toàn cầu 1.413 chiếc, năm 2008 quá nửa số đơn hàng bị cắt, chỉ còn 662 chiếc rời xưởng. Tình hình ở các hãng khác cũng chẳng khá khẩm gì hơn. American Airlines, Delta và Qantas cũng đã gọi điện trước cho Potter để xí chỗ, hoặc mặc cả cước phí với những chủ kho khác. Như Evergreen Maintenance Center (EMC) ở Arizona. Với 650 ha, đây là nghĩa địa máy bay lớn nhất thế giới. Riêng Hè 2008 họ nhận thêm 40 chiếc và dọn chỗ cho 40 chiếc nữa sắp tới. EMC, nằm phía Tây Bắc Tuscon, đủ sức chứa 400 phi cơ. Đường bay 2.000 mét cho phép mọi loại máy bay lớn nhất như Airbus A380 hay Boeing 787 Dreamliner cất và hạ cánh.
Từ Nga và châu Phi
Người trong ngành hàng không từ Nga và châu Phi đọc lượng máy bay ngủ đông như phong vũ biểu của công nghiệp hàng không, và họ tới đây để lấy cơ sở mặc cả khi tìm mua máy bay đã qua sử dụng. Steve Cofarro, Phó giám đốc điều hành EMC với 700 nhân viên, xoa tay hài lòng: “Buôn bán phi cơ cũ hiện tại chiếm 80% doanh số“. Khách hàng của ông chủ yếu là những đường bay nhỏ ở Nga và châu Phi. Máy bay vận tải cũng là mặt hàng nóng mà ít người ngoài cuộc biết đến. Trong sổ sách của Cofarro hiện có đơn đặt trước 90 máy bay chở hàng cỡ lớn cho 8 năm tới.
Giống như trong công nghiệp ô-tô với doanh số chủ yếu là bán phụ tùng chứ không phải bán xe mới, EMC và Mojave sống khỏe bằng nghề ve chai máy bay. Máy móc, điện tử, ống dẫn thủy lực... luôn là hàng đắt giá, dĩ nhiên tùy thuộc vào tuổi thọ. Một tua-bin phản lực khi ra xưởng có giá không dưới 10 triệu USD, và mỗi Boeing 747 lắp 4 tua-bin! Năm 1991 khi hai ông lớn ở Mỹ là PanAm và Eastern sập tiệm, chỉ trong một tuần Mojave đón tiếp 100 máy bay. Phần lớn được bán tiếp cho các công ty khác. Hôm nay, khi xăng lên giá và lượng thán khí CO2 bị kiểm tra ngặt nghèo, chỉ có máy bay thân thiện môi trường mới được ưa chuộng. Kết quả là các ông chủ nghĩa địa tháo các phụ tùng cao giá nhất ra bán (tua-bin và bộ càng), phần còn lại là hàng đồng nát...
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất