Lau Trắng Đồi Thông Xanh

21/04/2009 18:55 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Thông cổ thụ tay người ôm không xuể
cao chọc trời
hiên ngang, sừng sững đón mưa nắng gió sương
đứa con gái miền Tây quen nhìn lúa vàng chiều rơm rạ
ngỡ ngàng trông đồi cỏ xanh rì
ngỡ ngàng nghe thông reo vi vút gió
ngơ ngác nhìn lỡ nhịp bước chiều đi
nhìn đồi thông mơ làm người đứng thẳng
thương mẹ già lau lách trắng sông quê...
 
Lạnh. Lạnh quá! đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi đặt chân lên Xứ Mộng. Không phải cái lạnh những ngày đầu gió bấc tái tê, trẻ con tím môi đánh bồ cạp gảy đàn răng lập cập. Mẹ gom vỏ dừa, vỏ bưởi làm một bếp un và chỉ loáng cái cha đã có thể ra đồng, tôi có thể quảy cặp tung tăng đến lớp. Không phải cái lạnh mấy ngày giáp tết thúc giục những đôi tình nhân lo áo cưới thiệp hồng. Mà là cái lạnh thâm u huyền bí của núi rừng, vừa rợn ngợp, vừa thích thú. Những rừng thông như che bớt đi ánh nắng của mặt trời, những ngọn thác ầm ào nước đổ từ đâu tưởng chừng không bao giờ dứt và dày đặc sương mù đưa tay ngỡ chạm mây. Tất cả như góp phần vào cái lạnh của Đà Lạt, vào cái đẹp của Đà Lạt nữa.

Đà Lạt đẹp như một bài thơ, trang nhã mà sắc sảo, tự nhiên và hoang dã, hiện đại mà huyền bí linh thiêng. Vùng đất này như sinh ra từ huyền thoại. Mỗi tảng đá, rừng thông, ngọn thác đều ẩn chứa một câu chuyện hoặc da diết yêu thương, hoặc ngọt ngào đau đớn, hoặc bi tráng hào hùng. Đà Lạt không chỉ hấp dẫn du khách bằng khí hậu trong lành mát mẻ, bằng vẻ đẹp thiên nhiên lồ lộ gọi mời, bằng vẻ thâm u rừng núi hoang sơ kích thích lòng hiếu kỳ cố hữu của con người. Mà, có lẽ, những huyền thoại xứ sương mù cũng góp một phần không nhỏ níu chân du khách. Có đôi tình nhân nào không ngưỡng vọng chàng Lang và nàng Biang, không buồn thương cho cặp tình nhân trên Đồi Thông Hai Mộ và làm sao người ta có thể đến Đà Lạt mà không cặp tay nhau tâm tình ở Thung Lũng Tình Yêu.

tình yêu và thung lũng
đưa ta về xứ mơ
tình yêu là thung lũng
không có đáy bao giờ

Chưa kể còn biết bao nhiêu địa điểm du lịch khác: Nào Thiền Viện Trúc Lâm, nào Nhà Thờ Con Gà đại diện cho cho hai tôn giáo lớn: Phật giáo và Công giáo. Nào Dinh Bảo Đại, nào thác Cam Ly, nào Hồ Xuân Hương, nào Hồ Than Thở. Đặt biệt hơn, đến đây ta còn có thể tìm thăm và giao lưu với người dân tộc thiểu số K’ho để biết thêm những tập tục lạ kỳ của cộng đồng người mẫu hệ. Nhưng thật tình mà nói, bởi:

Tôi
đứa con của đồng bằng đầy ắp gió
đứa con của đồng bằng mê vọng cổ
(Kim Ba)

Đối với tôi, đứa con gái của Sông Tiền, Sông Hậu, mắt đã quen nhìn đồng rộng sông dài, quen cảnh đồng chiều rợp cánh cò bay thì Tây Nguyên với đèo cao dốc thấp, với thác ghềnh cheo leo vực thẳm quả là mới mẻ mà... xa lạ lắm. Vâng! cuối cùng thì tôi chỉ là người khách lạ đến cao nguyên như cỡi ngựa xem hoa. À mà không. Tôi đâu có cỡi ngựa (không phải tôi sợ đâu nghen, ở dưới quê con gái xóm tôi trâu bò đều cỡi được) nhưng tôi không đành lòng trèo cỡi lên con vật gầy guộc tong teo có đôi mắt buồn như Hồ Xuân Hương đẫm lệ. Phải rồi, tuấn mã không phải sinh ra để lê la từng bước làm trò mà để tung vó dặm dài chinh phục đường thiên lý! Phải không hả ngựa?

Đêm nay, đêm cuối cùng ở lại cao nguyên nghe lòng bồi hồi lạ. Nhưng chắc chắn không phải chỉ nỗi niềm luyến tiếc khi dời chân tạm biệt Xứ Mơ mà còn một phần rất lớn nỗi nôn nao trở lại đồng bằng. Trở về với mẹ yêu thương, với dòng sông lục bình bồng bềnh trôi nước ròng nước lớn, với đôi bờ rợp trắng tóc hoa lau.

Lạ kìa! đêm ngủ rất say

Hoa lau trắng xóa rợp dài đồi thông.

Nguyễn Hồng Quyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm