Chữ và nghĩa: Lại mặt to hơn lễ cưới

02/10/2024 06:27 GMT+7 | Văn hoá

"Lại mặt to hơn lễ cưới", "Lại mặt hơn lễ cưới", "Lại mặt (to) hơn ăn cưới", "Lại mặt to hơn đám cưới"… là những biến thể khác nhau của một thành ngữ đang được dùng khá phổ biến trong giao tiếp tiếng Việt hiện nay.

Nó có dạng một thành ngữ so sánh. Cấu trúc so sánh thường có 3 phần: Cái so sánh + từ so sánh + cái được so sánh. Cái so sánh ở đây là "lại mặt", viết đầy đủ là "lễ lại mặt". Cái được so sánh là "lễ cưới". "Lại mặt" nghĩa đen là "gặp lại". Trong thành ngữ trên nó đã được rút gọn, viết đầy đủ phải là "lễ lại mặt". Ta sẽ lần lượt phân tích 2 vế so sánh của thành ngữ này để làm rõ ngữ nghĩa chung của thông điệp.

***

"Lễ lại mặt" là một nghi lễ mà theo phong tục, cặp vợ chồng mới cưới (nào đó) đưa nhau về thăm nhà vợ sau ngày đón dâu (tức sau lễ cưới). Đây là một công việc "hậu đám cưới" mà cô dâu chú rể phải làm. Sau một loạt nghi thức mà cặp uyên ương này cùng 2 gia đình phải thực thi để hoàn tất lễ thành hôn "quan trọng và thiêng liêng" (như lễ vấn danh (chơi nhà, dạm ngõ), lễ ăn hỏi, lễ xin dâu, lễ rước dâu, lễ cưới) thì lễ lại mặt là nghi thức cuối cùng. Tuy là nghi thức cuối cùng nhưng lại mang nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa ứng xử.

Chữ và nghĩa: Lại mặt to hơn lễ cưới - Ảnh 1.

ảnh minh họa

Ngày trước, thường cô dâu mới về nhà chồng, còn bỡ ngỡ, lạ lẫm nhiều thứ (bố mẹ, họ hàng anh em, gia cảnh… còn xa lạ) nên việc quay về gặp bố mẹ đẻ cho bớt nỗi nhớ, cần sự thông cảm, sẻ chia và rút kinh nghiệm là cần thiết. (Nhiều cô dâu đã khóc như mưa khi rời khỏi ngưỡng cửa nhà mình. "Khấp như thiếu nữ vu quy nhật" vì quá vui và cũng có thể vì một tâm trạng buồn tủi). Lễ lại mặt (còn gọi là lễ nhị hỷ) được tổ chức sau lễ cưới 1 - 5 ngày (ngay ngày hôm sau là đẹp nhất, lâu quá không tiện). Thời gian vợ chồng trẻ về nhà bắt đầu vào buổi sáng (kiêng lúc chiều muộn). Thành phần tham dự của lễ này chỉ hạn chế trong gia đình nhà vợ, như bố mẹ, anh chị em ruột của cô dâu và có thể thêm một vài thành viên thân cận trong gia tộc. Quà sắm lễ cũng đơn giản, gồm trầu cau, rượu, xôi thịt, thuốc lá, bao lì xì…

Nhưng dù thế nào, lễ lại mặt cũng chỉ là nghi thức không bắt buộc, thường không được coi trọng lắm, thậm chí bây giờ nhiều gia đình đã bỏ qua. Nhiều cặp uyên ương cưới xong là lên tàu đi hưởng tuần trăng mật nơi xa. Mấy ai quan tâm tới các cuộc lại mặt không cần thiết, mất thời gian. Nguyễn Đức Dương (trong "Từ điển tục ngữ Việt", 2010) đã nhầm khi giải thích thành ngữ này là "Lại mặt là một nghi lễ lớn hơn lễ cưới nhiều (về tầm hệ trọng trong chuỗi nghi lễ cưới xin cổ truyền)".

Thực tế, lễ lại mặt không phải là nghi lễ quá quan trọng. Vậy mà có nhiều trường hợp người ta lại tổ chức lễ này với nghi thức và quà cáp linh đình. Đây chính là cốt lõi vấn đề, là cơ sở hình thành ngữ nghĩa thành ngữ "Lại mặt to hơn lễ cưới": Trong quy trình cần phải thực thi thì phần phụ (phần không quan trọng) lại lớn hơn, tốn kém hơn phần chính, giống như chi phí cho lễ nghi, quà cáp cho lễ lại mặt lại nhiều hơn cả chi phí, cỗ bàn cho lễ cưới. Thật là điều trớ trêu và ngược đời.

Rồi sau này, thành ngữ trên được đem ví với nhiều trường hợp tương tự trong cuộc sống. Một bữa tiệc được tổ chức thịnh soạn với rất nhiều món. Ấy vậy mà khi thực khách đã ăn uống no nê (chuẩn bị đứng dậy) rồi thì chủ nhà lại bê ra rất nhiều món mới (thực phẩm đắt tiền, được chế biến công phu). Lúc ấy ai còn bụng dạ nào để ăn tiếp? Chương trình nghị sự của sự kiện nọ cơ bản đã xong. Nhưng ban tổ chức lại "đèo" thêm một chương trình bổ sung dài lê thê, chẳng ăn nhập gì với nội dung dự kiến.

Cái bất bình thường của chuyện "phụ to hơn chính, phụ lấn át chính" làm cho sự tình trở nên nhiêu khê, không cần thiết, làm rắc rối vấn đề. Từ chuyện cưới nhìn ra chuyện đời, âu cũng là một bài học ứng xử trong cuộc sống.

Lại mặt làm quá xôm trò

Tốn tiền mà lại làm cho người cười.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm