Chống cái ác: Chung tay từ việc nhỏ

08/04/2019 06:41 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày qua, dư luận phẫn nộ vì nhiều vụ việc: vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy, vụ đàn chó cắn chết bé trai, vụ “giang hồ mạng” quậy phá ... Sự phẫn nộ là rất chính đáng. Nhưng tiếp sau sự phẫn nộ đó, chúng ta phải làm gì? Có phải là đem sơn xịt lên cổng nhà nghi phạm?

Câu chuyện rác thải và ý thức cộng đồng

Câu chuyện rác thải và ý thức cộng đồng

Hơn một tháng qua, một nhóm du khách Nga đã đều đặt nhặt rác dọc bãi biển Nha Trang vào 6-7h sáng hàng ngày. Hành động của họ đã gây ảnh hưởng tới nhiều người dân địa phương và cả các du khách khác.

1. Xin bắt đầu từ một việc tưởng như không liên quan trực tiếp đến an toàn của mỗi chúng ta.

Giữa tháng 3/2019, các nhân viên ở bảo tàng D'Bone Collector tìm thấy xác con cá voi đực mõm khoằm Cuvier ít tuổi trôi dạt vào một bờ biển ở tỉnh đảo Compostela Valley thuộc Philippines. Tiến hành khám nghiệm, họ phát hiện bụng nó chứa tới 40kg rác thải nhựa bao gồm 16 bao tải, 4 chiếc túi thường gặp ở đồn điền trồng chuối và nhiều mảnh túi nylon.

Đây không phải là lần đầu tiên một động vật biển đã chết vì nguyên nhân rác thải từ con người. Trước đó tháng 5/2018 tại Thái lan, một con cá voi cũng đã chết do nuốt hơn 80 túi nylon.

Chú thích ảnh
Túi nylon lớn trong bụng một con cá voi. Ảnh: National Geographic

Câu chuyện về cá voi bị chết trên đây một lần nữa làm thay đổi sâu sắc quan điểm của mỗi người về rác thải nhựa. Trong các hành vi đối xử tàn ác với môi trường, thì xả rác thải nhựa bừa bãi chính là một tội ác.

Mới đây ngày 4/4/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư biểu dương các siêu thị, hệ thống nhà hàng đã triển khai sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói bọc thực phẩm thay thế túi nylon, đồng thời kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa bằng những hành động cụ thể thiết thực, hiệu quả.

Quả thật, thời gian qua, một số siêu thị như BigC, Saigon Co.op và CoopMart đã triển khai việc dùng lá chuối bọc rau, hành lá… được khách hàng ủng hộ nhiệt tình.

Trước đó, làng bột Sa Đéc tại Đồng Tháp cũng đã sản xuất thành công ống hút từ tinh bột gạo thay cho ống hút nhựa, thân thiện với môi trường, được thị trường nhiều nước đón nhận.

Hay như một nhóm phụ nữ ở huyện Đức Huệ, tình Long An đã cho ra mắt sản phẩm ống hút làm thủ công từ cây cỏ bàng - loài cây mọc hoang dại ở hầu khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long và được biết đến như một nguyên liệu trời phú để người dân ở đây phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Đó là những ví dụ để nói rằng, để giảm thiểu những hành vi phá hoại môi trường thì phải bắt đầu từ sự chung tay của cả xã hội trong các việc từ nhỏ đến lớn. Có như vậy mới đạt được kết quả bền vững, lâu dài.

2. Trở lại vụ việc đang gây bức xúc cộng đồng liên quan đến việc sàm sỡ bé gái trong thang máy tại một chung cư.

Chắc chắn hành vi ấy đáng bị lên án và bị xem xét theo pháp luật. Thế nhưng, dư luận phản ứng như thế nào thì cũng cần phải tuân thủ pháp luật hiện hành chứ không thể có các hành động như xịt sơn lên cổng, ném chất bẩn vào nhà nghi phạm, hay có những lời lẽ bêu riếu người thân trong gia đình người đó.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Để chống lại nạn quấy rối phụ nữ, trẻ em, chúng ta có thể có những cách thức hiệu quả hơn. Có thể dùng hình ảnh, tranh áp phích kêu gọi cộng đồng cùng chung tay, lập các diễn đàn hướng dẫn mọi người nâng cao cảnh giác, dạy trẻ cách xử lý khi gặp các tình huống có nguy cơ bị lạm dụng...

Chúng ta đừng quên rằng nạn sàm sỡ phụ nữ, trẻ em không chỉ xuất hiện trong thang máy mà còn có thể xuất hiện ở rất nhiều nơi khác, vì thế không nên xem nhẹ nơi nào mà cần phải phòng chống đồng bộ. Tháng 11/2018, TP.HCM đã cho áp dụng tuyến xe buýt màu da cam, trên xe có lắôp đặt camera suốt hành trình với mục đích phòng ngừa nạn quấy rối tình dục cho phụ nữ và trẻ em khi đi xe nơi công cộng. Đây là một cách phòng chống hữu ích, có ý nghĩa lâu dài.

Chúng ta ai cũng mong muốn một môi trường sống an toàn, văn minh. Trong khi cái xấu, cái ác có thể len lỏi ở khắp mọi nơi. Vì thế việc phòng chống phải là việc thường xuyên. Không phải đến khi xảy ra chuyện đàn chó cắn chết cậu bé 7 tuổi ở thị trấn Lương Bằng, tỉnh Hưng Yên thì chúng ta mới biết những nguy cơ đến từ việc nuôi chó. Phòng chống vật nuôi tấn công người, đặc biệt là phòng chống bệnh dại không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan mà còn là trách nhiệm của chủ vật nuôi. Trách nhiệm đó đã được thực hiện đồng bộ ra sao?

Bằng việc chung tay xây dựng một môi trường sống nề nếp, quy củ từ việc nhỏ đến việc lớn, luôn đề cao pháp luật, luôn nỗ lực nâng cao khả năng phòng ngừa… thì chắc chắn những cái xấu, cái ác sẽ không còn nhiều cơ hội để tác oai; chắc chắn cuộc sống sẽ trở nên an toàn, văn minh hơn.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm