Đức - Hy Lạp: Sự “bình đẳng” của nỗi sợ hãi

22/06/2012 13:27 GMT+7

(TT&VH) - Đó đã từng là một niềm tự hào của người Đức, nhưng giờ thì chấm luân lưu có thể bao trùm nỗi sợ hãi lên tất cả. Thất bại của Bayern, nòng cốt của đội tuyển Đức dự EURO lần này, trước Chelsea ở chung kết Champions League mùa này có thể là một “gợi ý” cho Hy Lạp: “Dìu” trận đấu đến chấm 11 mét, để xem áp lực ấy sẽ nuốt chửng ai trước.

Đức đã không thua trong toàn bộ những loạt penalty ở các giải lớn trong 36 năm qua, kể từ thất bại trước đội tuyển Tiệp Khắc ở World Cup 1976. Họ đá 11 mét như thể chảy rần rật trong mạch máu là những tế bào của băng giá: Đức “bắn hạ” Pháp trên chấm luân lưu tại World Cup 1982, Mexico tại World Cup 1986, Anh tại World Cup 1990 và 1996, Argentina tại World Cup 2006. Không phải là những bậc thầy về kỹ thuật sút bóng, nhưng thần kinh thép và những cú đá dứt khoát, lạnh lùng không những giúp họ thành công trong các loạt sút bóng, mà còn trấn áp được tinh thần của đối thủ và buộc họ phạm sai lầm.

Bastian Schweinsteiger (người nằm) sẽ phải vượt qua nỗi ám ảnh lớn của thất bại trước Chelsea trên chấm 11 mét ở chung kết Champions League mùa bóng vừa qua - Ảnh Getty
Nhưng bây giờ, chính người Đức đang phải nghi ngờ về bản lĩnh của họ trước chấm phạt đền, không chỉ bởi họ đang thiếu những cầu thủ có cá tính Đức nguyên bản, mà còn bởi áp lực ngày một lớn của bóng đá hiện đại. Loạt đá luân lưu, được “phát minh” bởi một cựu trọng tài người Israel có tên Yosef Dagan sau khi đội tuyển Israel bị loại ở tứ kết Olympic 1968 do… hòa quá nhiều, đã đưa trận bóng đá trở về với giá trị cơ bản nhất của nó: Sút bóng vào lưới, khi trên vai là sức ép khủng khiếp của kỳ vọng và những mơ ước của các đồng đội, lẫn những CĐV. Ông Geir Jordet, một giảng viên của Học viện khoa học thể thao Na Uy, đã thực hiện một nghiên cứu sâu rộng về những quả phạt đền, và kết luận: “Bóng đá là một trò chơi đầy sức ép. Đội bóng nào chịu áp lực tốt hơn sẽ có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn, và loạt 11 mét là bài kiểm tra tối thượng”.

Nghiên cứu của Jordet, với tập mẫu là các quả penalty ở tất cả các kỳ World Cup và EURO đã diễn ra, chỉ ra rằng sức ép chính là yếu tố tác động mạnh nhất đến tỉ lệ thành công của các quả 11 mét: 90% quả penalty thành công là những quả mà cầu thủ sút để giành chiến thắng chung cuộc, tỉ lệ ấy giảm xuống còn 60% khi họ đá với áp lực buộc phải sút thành công, nếu không, đội nhà sẽ thua lập tức, và chỉ có 75% các quả penalty dạng chưa có định hướng rõ ràng về tâm lý là được sút thành công.

Áp lực không chừa một ai

Chấm phạt đền cũng là nơi mà sự “bình đẳng” được thể hiện rất rõ, và phơi bày hết sự yếu đuối của con người: Thống kê của Jordet cho thấy chỉ có 60% các quả penalty được thực hiện bởi các cầu thủ siêu sao (như Roberto Baggio, người sút hỏng quả penalty quyết định ở trận chung kết World Cup 1994 giữa Italia và Brazil) là thành công, và con số tương tự là 75% với các cầu thủ không được xếp vào hàng siêu sao.

Áp lực ấy không chừa một ai, và chỉ có một cách đẩy lùi áp lực hữu hiệu: Hãy trải nghiệm chiến thắng trên chấm luân lưu thật nhiều, và bạn sẽ có thêm sự tự tin. Những đội tuyển có lịch sử đá 11 mét tốt thường thực hiện số lần sút luân lưu thành công nhiều hơn 30% so với những đội tuyển có tiền sử thất bại trên chấm phạt đền. Và đội tuyển Đức, trên cơ sở ấy, có lý do để hoàn toàn tự tin, nếu chẳng may bị Hy Lạp kéo đến chấm 11 mét.

Nhưng đó có lẽ cũng là con đường duy nhất mà đội tuyển của xứ sở các vị thần có thể hy vọng vượt qua Đức, khi khỏa lấp sự thua kém toàn diện về con người lẫn kỹ chiến thuật bằng một sự “bình đẳng” trên chấm luân lưu: Bóng đá là một trò chơi mệt mỏi và 30 phút hiệp phụ sẽ vắt kiệt thể lực, lẫn đẩy tinh thần vào trạng thái bị ức chế căng thẳng, và áp lực phải thắng của người Đức rõ ràng là nặng nề hơn.

Cũng đừng quên nỗi ám ảnh trong loạt 11 mét ở chung kết Champions League trước Chelsea, một nỗi đau còn rất mới. Hãy nhớ lại rằng Bastian Schweinsteiger, một cầu thủ được coi là mang nhiều tố chất Đức nguyên bản, đã không dám nhìn loạt 11 mét tại trận chung kết ấy, và đá hỏng quả quyết định như thế nào. Nhưng đây cũng là canh bạc mạo hiểm cho đội Hy Lạp: Họ đã đá hỏng quả 11 mét đầu tiên được hưởng ở EURO lần này, trong trận mở màn trước Ba Lan, và “tác giả” của pha bóng ấy lại chính là thủ lĩnh của cả đội: Giorgos Karagounis.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm