Chiếc nơ trắng - Phim nước ngoài xuất sắc nhất?

07/03/2010 13:23 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Ngoài giải Phim hay nhất (Best Picture) thì giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (Best Foreign Language Film) được đặc biệt chờ đợi ở Oscar, nhất là với những công chúng không thuộc về Hollywood. Năm nay, nhiều khả năng đó sẽ là một bộ phim nói tiếng... Đức.

Ở bề mặt, Das weisse Band (Chiếc nơ trắng) là một câu chuyện kể về những sự kiện khó hiểu diễn ra tại một làng quê miền Bắc nước Đức trong vòng gần một năm trước khi xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ Nhất. Michael Haneke, tác giả kịch bản và đạo diễn của phim, đã gửi gắm vào tác phẩm của mình những tầng ý nghĩa được buộc bằng chiếc nơ trắng của sự vô tội mà người xem phải tự lần cởi thông qua những chỉ dẫn ngầm ẩn giấu trong ngôn ngữ điện ảnh bậc thầy của ông.

Một câu chuyện thiếu nhi

Người kể lại câu chuyện này là một thầy giáo trẻ xuất thân từ một ngôi làng khác. Thông qua anh, người xem cùng chứng kiến và khám phá cuộc sống phức tạp của ngôi làng ở trung tâm câu chuyện. Với sự lựa chọn người dẫn chuyện như vậy, Haneke giúp người xem có khoảng cách với câu chuyện diễn ra trong phim, và toàn quyền đánh giá phim từ góc nhìn chủ quan qua những thông tin được nghe kể lại.

Đó là “một câu chuyện thiếu nhi của Đức“ - như lời đề từ của bộ phim ngay khi cái tên hiện ra trên màn hình ở những giây đầu tiên. Chi tiết này đóng vai trò chỉ dẫn quan trọng về thông điệp của bộ phim. Dù câu chuyện được kể lại bởi một thầy giáo và toàn thể ngôi làng già trẻ lớn bé đều có mặt trong đó, tại sao thiếu nhi lại được nhấn mạnh?

Trong suốt bộ phim, những đứa trẻ, tình cờ hay cố ý, luôn xuất hiện ở những nơi tội ác diễn ra. Kết quả của tội ác được phơi bày, nhưng người thầy giáo kể chuyện – hay chính người xem, không thể nhận biết rõ ràng thủ phạm. Sự hiện diện của bọn trẻ bao trùm không khí suốt bộ phim, dẫn đầu nhóm trẻ đó là cô con gái lớn đương tuổi dậy thì của vị mục sư, khéo ăn nói và luôn tỏ ra ngoan ngoãn trước mặt người có vị thế cao hơn. Chỉ khi cô gái hành hình con chim yêu quý của người cha với vẻ giận dữ được lột tả không che giấu, người xem mới lờ mờ đoán được rằng đằng sau vẻ ngây thơ kia là một mầm mống tội ác đang nảy nở.

Chiếc nơ trắng vô tội

Cô con gái vị mục sư cùng với người em trai của mình, cũng ở tuổi dậy thì, bị người cha nghiêm khắc phạt lỗi do những khám phá riêng tư ở tuổi mới lớn. Hình phạt là đeo một chiếc nơ trắng vào cánh tay trái, biểu tượng của sự vô tội, để luôn nhắc nhở bản thân không được nghĩ đến những điều xấu xa và trái ý Chúa. Cậu con trai còn bị cột tay chân vào giường khi ngủ để không có cơ hội làm việc “đồi bại“. Biểu tượng của sự vô tội vô hình chung trở thành xiềng xích trói buộc tuổi thơ và là cách khủng bố tinh thần dã man những đứa trẻ. Hình ảnh chiếc nơ trắng gợi liên tưởng đến cách đánh dấu mà Đức Quốc xã đã dùng để phân biệt những người bị bắt và đưa vào trại tập trung cũng với những màu sắc trong sáng như hồng (người đồng tính) và vàng (người Do Thái).

Vào dịp lễ mừng Thiên Chúa, chiếc nơ trắng được phép cởi ra. Vị mục sư chúc mừng các con đã hoàn thành xuất sắc hình phạt. Ông không biết rằng, trong giọng nói cảm ơn lí nhí và gương mặt vui mừng gượng gạo của hai đứa con là nỗi hận thù đã hằn sâu trong tâm trí. Càng tăng hình phạt cho bọn trẻ, những tội ác diễn ra trong ngôi làng càng trở nên dã man hơn. Thậm chí cả những đứa trẻ yếu đuối cũng trở thành nạn nhân. Ở đây, vòng luẩn quẩn của cái ác được miêu tả qua cách từ trên xuống dưới, những kẻ yếu thế hơn bị kẻ mạnh đàn áp. Nhưng kẻ yếu thế ở dưới cùng của mắt xích lại là gót chân Achilles của kẻ mạnh nhất: đứa trẻ bị hãm hại trong rừng chính là đứa con yêu của nam tước.

Cho đến cuối cùng, khi xâu chuỗi các sự kiện vào với nhau, anh thầy giáo tìm tới ông mục sư để giãi bày những nghi ngờ và phán đoán. Nhưng vị mục sư giận dữ bác bỏ và yêu cầu anh rời khỏi làng. Những đứa con của ông không thể là kẻ ác được, chẳng lẽ chiếc nơ trắng vô tội không có tác dụng? Niềm tin tôn giáo của ông không thể bị lung lay. Khủng bố không những xuất phát từ bạo lực, chúng còn có khả năng sinh sôi khi được bao che.

Nữ quyền trong một xã hội định đoạt bởi đàn ông

Xã hội thu nhỏ ở làng Eichwald theo đạo Tin Lành được cấu trúc thành hai thái cực: Thế lực cầm quyền là những người đàn ông với ba đại diện chính gồm nam tước tượng trưng cho chính quyền, mục sư tượng trưng cho tôn giáo và bác sĩ tượng trưng cho an sinh xã hội. Ở phía bên kia là những người nông dân, những đứa trẻ và những người phụ nữ. Vẻ thánh thiện của cô hầu gái, người yêu thầy giáo trẻ, mang lại nguồn sáng duy nhất trong một câu chuyện u tối, dù leo lét đôi khi là những hình tượng phụ nữ được khắc họa chi tiết mang hơi hướng nữ quyền.

Người vợ nam tước là mẫu hình người phụ nữ dám định đoạt số phận và chống lại sự chuyên quyền của người chồng với quyền lực trong tay. Quyết định bỏ đi của bà mang ý nghĩa biểu tượng của nữ quyền. Cũng rời bỏ ngôi làng là bà đỡ kiêm nhân tình bị bạc đãi của ông bác sĩ, dù ở một vị thế khiêm nhường hơn và phải dùng đến mánh khóe để ra đi. Dám từ bỏ những mối ràng buộc gây đau khổ, giống như cắt đi một khối ung nhọt dù phải chịu đau đớn, nữ quyền ở đầu thế kỷ 20 đối với thế hệ phụ nữ này chỉ dừng lại ở đó.

Vượt lên thế hệ trước mình, cô con gái vị mục sư với sự khôn khéo đã lãnh đạo cả một lực lượng trẻ con trong làng chống lại những áp bức đè nén lên chúng từ phía người lớn. Cách trả thù có thể còn man rợ hơn thế hệ trước, nhưng ý thức về việc phản kháng, dù ở hình thức ngấm ngầm, là nét mới của nữ quyền thế hệ của cô.

Ngôn ngữ điện ảnh đỉnh cao

Ngoài lối kể chuyện bậc thầy với thủ pháp tạo khoảng cách, Haneke đã chứng tỏ một độ chín nghề nghiệp ở đỉnh cao khi không cần dùng đến những lột tả trực tiếp mà vẫn tạo hiệu ứng sợ hãi. Ông tuyên bố có hứng thú làm cho người xem hoảng sợ, thứ được thể hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của ông. Nếu như Funny Games miêu tả rõ ràng khủng bố bằng những hình ảnh gây sốc, Caché cho máu bắn tung tóe trên màn ảnh, thì ở Chiếc nơ trắng, Haneke để những tiếng động lúc tội ác diễn ra, hay nét mặt sau khi tội ác xảy ra làm motif chính cho việc gây hiệu ứng sợ hãi. Để diễn đạt điều này một cách chuẩn xác nhất, thủ pháp quay phim luôn phân biệt rõ ràng giữa cái nhìn của người trong cuộc và người ngoài cuộc. Đường đi của máy quay phim giống như một cuộc theo dõi bước chân của ông thầy giáo hoặc của nhân vật trong phân cảnh. Những hình ảnh tĩnh được làm động bởi âm thanh của lời nói hay tiếng thở. Khung cảnh tuyết rơi mùa đông trắng xóa trong những khuôn hình đen trắng vừa tái hiện được một thời kỳ cách nay gần một thế kỷ, đồng thời làm nền cho cái thực sự cần làm được nổi bật: tính đen tối của câu chuyện.

Bộ phim kết thúc trong tiếng hát của dàn đồng ca nhà thờ. Tiếng thánh ca vang vọng dường như đầy sự vô tội và yêu Chúa kia được cất lên từ những gương mặt trẻ trung. Những đứa trẻ bắt đầu lớn, chúng sẽ là chủ của một thế hệ mới. Thế hệ đã trải qua những độc ác tàn bạo và hằn sâu những hận thù. Cái kết tưởng như tươi sáng đó thực ra ẩn chứa niềm lo âu lớn lao. Ta đều biết điều gì đã xảy ra sau đó, chúng chính là thế hệ của Đức Quốc xã gây đau thương cho toàn thế giới ở thế kỷ hai mươi.

Chiếc nơ trắng (2009) là bộ phim hợp tác Đức-Áo-Pháp-Ý của đạo diễn Michael Haneke. Sau khi giành Cành Cọ Vàng LHP Cannes 2009 và Quả Cầu Vàng phim không nói tiếng Anh hay nhất 2010, bộ phim được kỳ vọng sẽ giành giải Oscar 2010 cho phim không nói tiếng Anh hay nhất ngoài đề cử cho Quay phim.


Mạnh Cường Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm