Uruguay vô địch Copa lần thứ 15: Vua của các vị Vua

26/07/2011 10:44 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Sau 16 năm, Uruguay đã trở lại, cho một lần được đứng trên đỉnh cao chói lọi nhất qua mọi thời đại của bóng đá Nam Mỹ, với 15 lần đăng quang. Và ở trận chung kết, với chiến thắng của họ, bóng đá đã phần nào được cứu rỗi.

Uruguay, nhà vô địch Copa America 2011 - Ảnh Getty

Bóng đá tấn công là một điều gì đó rất mong manh ở Copa America năm nay. Argentina chỉ thắng được đúng một trận, dù họ sở hữu trong đội hình cầu thủ tấn công hay nhất thế giới vào thời điểm này là Lionel Messi. Brazil quá thiếu sự điềm tĩnh và tinh quái cần thiết khi đứng trước cầu môn, ngay cả khi họ đứng trên chấm 11 mét. Chile đẹp mê hồn, nhưng trước một đối thủ lì lợm và quyết tâm hơn, dù yếu hơn rất nhiều như Venezuela, chiếc bình pha lê ấy cũng phải tan vỡ.

Uruguay không phải là hiện thân của bóng đá tấn công trong mọi thời điểm. Thậm chí, đôi lúc, họ còn tỏ ra rất xấu xí. Như trong trận hòa Chile 1-1 ở vòng bảng, hay trận tứ kết trước Argentina, những đội được coi là hiện thân của bóng đá đẹp ở Nam Mỹ, Uruguay đã đạp lên những chiếc bình pha lê ấy bằng sự rắn rỏi, thậm chí là nhuốm màu bạo lực, sẵn sàng sử dụng tiểu xảo và các thủ thuật tâm lý gây ức chế cho đối phương.

Nhưng việc cái đẹp không được duy trì một cách liên tục không phải lỗi của Uruguay, bởi họ vẫn còn thiếu nhiều chất liệu để xây dựng một thứ bóng đá đẹp thuần chất và luôn hướng đến việc áp đặt đối thủ: Họ may mắn sở hữu một hàng tiền đạo thuộc diện kinh khủng ở Nam Mỹ (thậm chí là trên bình diện thế giới), nhưng các hậu vệ và tiền vệ Uruguay dù giàu sức mạnh, chỉ đạt tầm trung bình ở các tố chất kỹ thuật và sáng tạo. Đi theo con đường tấn công mọi thời điểm là giải pháp tự sát (hiện tại, có lẽ chỉ có Barcelona và ĐT TBN là dám làm như thế).

Cái đẹp không mong manh

Nhưng không phải Uruguay không thể chơi một thứ bóng đá thật tích cực, một khi điều kiện cho phép, mà trận chung kết chính là minh chứng rõ rệt nhất. Nếu như chắt chiu hơn, họ có thể đã chọc thủng lưới cái boong-ke Paraguay không dưới 6 lần, với những miếng tấn công đa dạng, ý thức vây ráp và đoạt lại bóng bất cứ khi nào có thể, ngay cả khi nó đang lăn trong chân các hậu vệ Paraguay.

2 bàn đầu của họ đều là sản phẩm được tạo ra từ áp lực kinh người ấy: Bóng cứ được người Paraguay phá ra, thì các cầu thủ Uruguay lập tức áp sát, đoạt lại, và tổ chức tấn công chớp nhoáng để ghi bàn. Nhưng tính liên tục trong cái đẹp của Uruguay một lần nữa lại đứt đoạn một cách có chủ ý khi họ rút về trong hiệp hai, lại đá rắn, tiểu xảo, để rồi kết liễu Paraguay với một đường phản công chỉ qua 3 đường chuyền (Forlan ấn định tỉ số).

Hai gương mặt ấy của họ xuất hiện  luân phiên, ẩn hiện, và dù Uruguay không sở hữu một nền tảng nhân lực tốt như Brazil hay Argentina, thì họ cũng đã thể hiện được cái đẹp, và còn vượt mặt các ông lớn Nam Mỹ ở khả năng bảo vệ được cái đẹp. Bằng sự rắn rỏi và tinh thần hy sinh.

Những phẩm chất ấy chính là một cái đẹp được hun đúc từ tính cách đặc trưng của dân tộc Uruguay, một trong những dân tộc văn minh nhất ở Nam Mỹ, nơi nền dân chủ đầu tiên ở khu vực này được thiết lập, quốc gia Mỹ Latin đầu tiên mà phụ nữ có quyền bầu cử, và xã hội được tổ chức ngăn nắp, có kỷ luật, không bao giờ ồn ào và quá khích, nhưng ẩn sau vẻ ngoài bình dị ấy là một sự nhẫn nại khó tin. Và trong bóng đá cũng vậy.

Uruguay, cũng như World Cup 2010 (họ đoạt hạng Tư thế giới), luôn đến giải trong sự lặng lẽ, và không bao giờ tự tạo áp lực phải đá đẹp, thứ áp lực đã đè bẹp Brazil và Argentina, những đội đã cố gồng mình lên để đáp ứng kỳ vọng ấy và thất bại. Nhưng đội bóng của Oscar Tabarez sẵn sàng chạy gần 20 cây số trong một trận đấu và chiến đấu đến giọt mồ hôi cuối cùng, và chỉ chơi đẹp khi nào họ cảm thấy mình có thể, và cần thiết phải thế.

Khác biệt nằm ở đó: Nếu như cái đẹp mong manh truyền thống của Nam Mỹ dựa trên nền tảng là cảm xúc chơi bóng, thì với Uruguay, cái đẹp được tạo nên bởi lý trí, thậm chí là ngay cả khi họ chơi rắn, và phạm lỗi (Uruguay chính là đội nhận thẻ ít nhất giải, và đoạt giải Fair-Play). Và nếu bỏ qua những biểu hiện hình thức, thì Uruguay đã vô địch hoàn toàn xứng đáng, chỉ xét riêng trên khía cạnh là họ đã bộc lộ được cái đẹp, và quan trọng hơn, đủ sức mạnh để bảo vệ cái đẹp ấy.

Phạm An

* 10 nhà VĐ gần nhất

Năm  Đội VĐ

2011 Uruguay

2007 Brazil

2004 Brazil

2001 Colombia

1999 Brazil

1997 Brazil

1995 Uruguay

1993 Argentina

1991 Argentina

1989 Brazil

* Các danh hiệu cá nhân Copa America 2011

Cầu thủ xuất sắc nhất: Luis Suarez (Uruguay)

Vua phá lưới: Pao Guerrero (Peru, 5 bàn)

Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Sebastian Coates (Uruguay)

Thủ môn xuất sắc nhất: Justo Villar (Paraguay)

Giải Fair Play: Uruguay

* Thống kê

3 Paraguay đã trở thành đội đứng trong ba vị trí dẫn đầu thứ ba trong lịch sử Copa America có số trận thua nhiều hơn số trận thắng trong cả giải. Trước họ là Uruguay năm 1921 và Brazil năm 1999

9 Uruguay đã trở thành đội ghi bàn tốt nhất giải, với 9 pha lập công, hơn Peru (8 bàn) và Venezuela (7 bàn), chiếm 1/6 tổng số bàn thắng ở Copa America năm nay (54 bàn)

14 Copa America 2011 ít bàn thắng, nhưng lại thừa bạo lực, với tổng cộng 14 cầu thủ bị đuổi, và 139 thẻ vàng đã được rút ra

15 Uruguay chính là đội có tỉ lệ chiến thắng các trận chung kết cao nhất trong lịch sử Copa America, với 15 thắng lợi sau 16 trận, tức gần 100%!


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm