Long Biên một chiều thu

19/09/2010 06:52 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Tôi đến với Long Biên vào một buổi chiều thu nắng vàng rực rỡ, cái nắng của tiết trời thu vẫn đủ làm bừng đỏ mặt người. Bước chân lên cầu tôi đã cảm nhận được một điều gì đó đặc biệt lắm, dường như đó là oai linh của cây cầu đã gắn liền với quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc…

Quay trở lại hơn 100 năm trước, cây cầu Long Biên đã là một hình ảnh quá quen thuộc trong tâm trí người Hà Nội. Cấu trúc của nó được thiết kế bởi kiến trúc sư cha đẻ của tháp Eiffel - biểu tượng nước Pháp. Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800m, toàn thân cầu là 2.500m. Cứ 100-150m là mặt cầu có chỗ phình ra, để xe máy, xe đạp, ba gác có chỗ tránh. Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ hai bên, đường sắt ở giữa lối đi bên trái. Đường cho các loại xe là 2,6m và luồng đi bộ là 0,4m, luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải cầu như cách phân đường đi thông thường phía bên phải ở Việt Nam. Đó là lý do vì sao khi vừa bước chân lên cầu, tôi đã có cảm giác ngờ ngợ, là lạ. Kiến trúc và lối thiết kế bằng sắt thép ấn tượng, đầy sáng tạo đã tạo nên giá trị to lớn cho cầu Long Biên. Hơn thế nữa, cây cầu gắn liền với con người Việt Nam, nó đã trở thành một phần trong tâm thức mỗi người dân sống ở Hà Nội mà không phải cây cầu nào cũng có được.


Cây cầu bắc ngang qua dòng sông thăm thẳm chứng kiến mọi biến cố lịch sử. Từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp và Mỹ hào hùng của lịch sử dân tộc, những đổi mới của đất nước, đến những câu chuyện đời thường, những chuyện tình, những lễ khóa tình trên thành cầu mà dấu tích còn lại là những chiếc khóa vẫn còn đó, có những chiếc khóa đã hoen gỉ sắt vì trải qua bao năm tháng. Và cũng có không ít những câu chuyện tình buồn đã từng diễn ra ở đây. Cây cầu vẫn thướt tha nằm vắt ngang dòng sông đỏ nặng phù sa, êm đềm sao dáng điệu của nó.

Yên bình khi thả hồn xuống bãi bồi giữa lòng sông Hồng. Giờ đây cuộc sống của những người dân làng chài thật giản dị và yên bình bên bãi giữa sông Hồng nơi bát ngát phủ một màu xanh trù phú ngút mắt của ngô khoai…

Đây là nơi mà biết bao nghệ sĩ đã từng sáng tác nghệ thuật nơi đây. Có người đã phát hiện ra cầu Long Biên như một con rồng đang uốn mình kể chuyện, đang mở rộng vòng tay để tiếp nhận những biến cố lịch sử, những vẻ đẹp của cuộc sống hiện tại thường ngày mà không quay lưng lại cuộc sống của con người..



Thoảng giật mình khi đang thả hồn phiêu lãng cùng trời mây bỗng nhiên cây cầu rung lắc khá mạnh, đoàn tàu rầm rập chạy qua trên con đường sắt nằm giữa 2 bên cầu, mang theo nó ánh nhìn của tôi, ngun ngút, xa xăm, nắm bắt khoảnh khắc đó trong một buổi chiều thu... Có lẽ cây cầu đã quá già yếu, mòn mỏi như không đủ sức để cõng trên lưng nó sức nặng của những dòng người đông đúc nữa. Tôi cảm giác cây cầu đang cố oằn mình, rung lắc mạnh và chỉ chực gẫy sập xuống ngay khi có thể vậy. Những khối sắt thép, bê tông gồ ghề nứt nẻ đã hoen màu thời gian nên mỗi chuyến tàu qua lại làm nó rung lên bần bật.

Trước khi tới đây, tôi cũng đã từng được biết Long Biên là cây cầu có bề dày lịch sử hào hùng, nhưng quả thực khi đứng đối diện đối diện với cảnh sông nước mây trời nơi này, một cảm giác mới mẻ rất khác lạ, có cái gì đó rất đỗi thiêng liêng và phấn chấn tinh thần khác với khi đứng trên các cây cầu khác cùng bắc qua sông Hồng. Vẻ cổ kính, già cỗi của nó đã tạo nên một cảm giác đặc biệt lạ lùng. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước một không gian rộng lớn như thế. Cây cầu như một con rồng sắt khổng lồ đang vươn vai uốn mình trên sắc trời vàng thu. Đấy là một không gian hết sức bao la, choáng ngợp đầy mới mẻ với lần trải nghiệm đầu tiên này…

Ngày nay, cầu Long Biên là một biểu tượng hòa bình của Hà Nội và của nước Việt Nam bởi nó mang trong mình hồn vía dân tộc và những giá trị lớn lao. Người viết bài viết này chưa được trải nghiệm cùng lịch sử nhưng khi đứng trên cầu mới cảm nhận hết được tự đáy lòng mình những rung động khó có thể diễn tả thành lời…
.
Có thể coi cầu Long Biên là một tác phẩm nghệ thuật đích thực vì bản thân nó đã chứa đựng những sáng tạo mới mẻ và đầy chất thi vị… Hoàng hôn buông xuống phủ lên một lớp ánh vàng nhẹ nhàng trên từng khuôn mặt người qua đường. Gió thu man mác, thả hồn theo theo những cơn gió nhẹ. Cuộc sống cứ thế chầm chậm trôi từng nhịp bước thong thả. Một ngày đẹp trời mà đứng trên cầu có thể thấy được một đường ngấn phân biệt giữa vệt xanh thăm thẳm của mây trời với dòng nước đỏ phù sa, thử ngâm mình vào ranh giới giữa hai dòng nước ấy, dường như chúng hòa vào nhau như đọng lại, ngưng lại những ký ức.

Đất nước đang trong những ngày tưng bừng náo nức đón chào đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cây cầu có bề dày lịch sử hơn 100 năm này cũng đang hòa chung vào cái không khí  lịch sử đó. Những giá trị của quá khứ như lắng đọng trên từng nhịp cầu, như ghi tạc vào màu hoen gỉ của thành cầu. Cuộc sống ở đây vẫn tiếp tục trôi đi trong yên bình, cầu Long Biên vẫn sẽ mãi là biểu tượng, là niềm tự hào của người dân thủ đô Hà Nội nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Trần Nga

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm