07/02/2021 05:49 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có nhiều cơ hội tham dự World Cup 2023 khi Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) vừa quyết định mở rộng quy mô lên thành 32 đội được góp mặt, 6 trong số này được dành cho khu vực châu Á. Nhưng không có gì là dễ dàng cho giấc mơ World Cup của những cô gái đá bóng Việt Nam.
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam “sáng cửa” dự World Cup hay “tràn trề cơ hội” đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh…, đó là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất sau khi thông tin giải đấu năm 2023 được mở rộng quy mô thành 32 đội, tức là nhiều hơn 8 đội so với kỳ World Cup năm 2019 được xác nhận từ chính FIFA hôm 24/12/2020.
Cơ hội đến từ đâu?
FIFA đã thông báo kế hoạch phân bổ các suất tham dự World Cup nữ 2023 cho các liên đoàn thành viên. Cụ thể, FIFA sẽ tăng thêm cho châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ và Caribe mỗi khu vực 1 suất, riêng châu Âu được thêm 2 suất. 3 suất còn lại sẽ dành cho vòng play-off liên khu vực, với sự cạnh tranh của 10 đội bóng ở các châu lục. Như vậy, khu vực châu Á sẽ có 6 suất trực tiếp tham dự World Cup 2023, bao gồm cả suất của đội chủ nhà Australia và 2 suất tham dự vòng play-off liên khu vực.
Nhìn từ mặt bằng chung từ bóng đá nữ khu vực châu Á thời điểm hiện nay, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có tới 99,99% sẽ sở hữu những tấm vé dự World Cup 2023. Không tính tấm vé chắc chắn đã thuộc về đồng chủ nhà Australia, hai vé còn lại là cuộc cạnh tranh giữa đội tuyển Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Uzbekistan, Jordan…Ngoài ra, khu vực châu Á còn có thêm hai vé dự vòng play-off với 8 đội bóng của các khu vực khác (2 châu Phi, 2 Bắc Trung Mỹ và Caribe, 2 Nam Mỹ, 1 châu Đại Dương, 1 châu Âu) để tranh ba tấm vé cuối cùng tham dự World Cup 2023.
Theo bảng xếp hạng FIFA tháng 12 năm 2020, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đứng ở vị trí 34 thế giới và thứ 5 châu Á, tức là đứng đầu Đông Nam Á và chỉ đứng sau 5 “chị đại” của bóng đá nữ châu lục. Nói cơ hội dự World Cup 2023 đến gần với bóng đá nữ Việt Nam chính là vì lý do này.
Đối thủ không chỉ là Thái Lan
Suốt cả thập kỷ qua, cứ mỗi khi đến các kỳ SEA Games, AFF Cup hay thậm chí là cả ASIAN Cup, tức vòng loại World Cup, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam luôn được đặt lên bàn cân để so sánh với Thái Lan, hệt như bóng đá nam.
Truyền thông cũng như người hâm mộ đã quá quen và dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc đối đầu Việt Nam - Thái Lan, coi Thái Lan là đối thủ số 1, kỳ phùng địch thủ của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Nhưng chúng ta quên mất một điều rằng, chính Thái Lan đang phải xếp sau đội tuyển Việt Nam trên bảng xếp hạng FIFA. Mặc dù bóng đá nữ Thái Lan đã có hai lần liên tiếp được tham dự World Cup vào các năm 2015 và 2019, nhưng trớ trêu là nhiều năm qua, họ đang ở giai đoạn trẻ hóa, chuyển giao thế hệ, vì thế, liên tiếp thất bại trước đội tuyển Việt Nam mỗi khi hai đội có dịp đối đầu nhau trong trận chung kết giải vô địch Đông Nam Á hay SEA Games.
Tất nhiên, người Thái chưa hề chán World Cup, thậm chí, họ coi đó là minh chứng cho việc khẳng định đẳng cấp, trình độ cao hơn bóng đá nữ Việt Nam. Đó là lý do khiến sự ganh đua giữa bóng đá nữ Thái Lan và Việt Nam không hề giảm mà còn tiếp tục gia tăng theo từng năm, ở từng cấp độ và những giải đấu khác nhau.
Trở lại với câu chuyện tấm vé dự World Cup với bóng đá nữ Việt Nam, HLV Mai Đức Chung khẳng định: “World Cup nữ tăng số đội tham dự là cơ hội cho tất cả các đội chứ không chỉ riêng Việt Nam. Các nước khác họ cũng quan tâm, đầu tư rất lớn. Thái Lan đã từng đi World Cup rồi nhưng họ vẫn tiếp tục đầu tư. Rồi còn Đài Loan, Uzbekistan, Iran, Jordan… tất cả những đội đó đều đang cố gắng phấn đấu để có lần đầu tiên tham dự World Cup.
Đừng nghĩ đội tuyển Việt Nam chỉ cần vượt qua Thái Lan là đi được World Cup. Ví dụ như Uzbekistan, chúng ta cũng gặp họ và thắng 2-1 ở vòng loại Olympic Tokyo 2020 nhưng thực sự phải nói đó là một đối thủ có năng lực rất tốt, tầm vóc của họ cao lớn, to cao như một đội tuyển của châu Âu, thể lực và sức mạnh đều tốt cả. Các đối thủ Tây Á như Iran, Jordan cũng đều có tầm vóc tốt, có sức mạnh trong khi chúng ta có phần thấp bé nhưng nhanh nhẹn. Hay Đài Loan hiện cũng đang nhận được sự đầu tư, quan tâm khá lớn. Đối thủ này hoàn toàn có thể đá ngang ngửa với đội tuyển nữ Việt Nam.
So sánh thế để thấy tương quan các đội với nhau, dĩ nhiên kết quả ra sao thì cứ phải gặp nhau mới biết được, quan trọng nhất vẫn là sự chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam để chúng ta luôn sẵn sàng trước mọi đối thủ".
Với tâm thế ấy, HLV Mai Đức Chung cũng như lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã lên kế hoạch chi tiết cho sự chuẩn bị của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cho lộ trình dự World Cup, từ việc đầu tư chất xám, nhân lực cũng như yếu tố quan trọng nhất là tài chính. Các kế hoạch chi tiết cho năm 2021 của đội tuyển bóng đá Việt Nam, bước tiền đề cho ASIAN Cup 2022, đồng thời cũng là vòng loại World Cup đã có cả rồi nhưng do tác động từ dịch bệnh COVID-19 nên tất cả đều còn ở chế độ chờ chứ chưa chính thức được chốt lại, trừ mục tiêu bảo vệ tấm HCV SEA Games vào tháng 11 năm 2021.
Thực tế khách quan là thế, còn về chủ quan, chính bản thân các cầu thủ, những người trực tiếp thi đấu cũng như HLV ở các CLB phải tự nhận thức được việc cơ hội là một chuyện còn giành được tấm vé dự World Cup hay không phụ thuộc vào chính họ.
Trong bối cảnh số lượng đội bóng tham dự giải bóng đá nữ VĐQG vẫn quanh quẩn 8 đội, trong đó Hà Nội và TPHCM mỗi địa phương chia hai đội hình thì việc tuyển chọn nhân tài cho đội tuyển bóng đá nữ quốc gia không hề dễ dàng. Đó còn chưa kể đến trình độ chuyên môn, nhận thức của một bộ phận những người làm bóng đá nữ Việt Nam còn chưa chuyên nghiệp mà câu chuyện Phong Phú Hà Nam bỏ cuộc để phản đối trọng tài tại giải VĐQG 2020 chính là bài học lớn cho tất cả.
Tấm vé dự World Cup với bóng đá nữ Việt Nam gần hay xa tầm với phụ thuộc vào chính những người trong cuộc.
* VCK World Cup nữ 2023 dự kiến diễn ra từ 10/7 đến 20/8/2023 tại 2 nước đồng chủ nhà Australia và New Zealand. * Phân bổ cụ thể số suất dự World Cup nữ 2023: 32 suất dự World Cup bóng đá nữ 2023: châu Á (6 chính thức + 2 play-off), châu Phi (4 suất + 2 play-off), Bắc Trung Mỹ và Caribê (4 suất + 2 play-off), Nam Mỹ (3 suất + 2 play-off), châu Âu (11 suất + 1 play-off), châu Đại Dương (1 suất chủ nhà + 1 play-off). + Các suất dự World Cup bóng đá nữ 2023 dành cho khu vực châu Á sẽ được xác định dựa vào thành tích tại giải bóng đá nữ vô địch châu Á 2022, dự kiến tổ chức vào tháng 10 và 11 năm 2022 tại Ấn Độ. Giải bóng đá nữ vô địch châu Á 2022 sẽ có sự tham dự của 12 đội thay vì 8 như trước đây. 6 đội có thành tích tốt nhất giải sẽ giành vé dự World Cup bóng đá nữ 2023. 2 đội đứng thứ 7 và 8 giành vé vớt của khu vực châu Á để đá play-off tranh vé chính thức. |
Lâm Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất