'Tiền đạo' truyền thông cần được coi trọng

21/06/2022 06:38 GMT+7 | Bóng đá Việt

FIFA, AFC cùng nhiều nền bóng đá khác đều xếp truyền thông, báo chí ở vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của mình. Với bóng đá Việt Nam, trong những năm gần đây, tiêu chí này mới bắt đầu được quan tâm đúng mức.

Phóng viên thể thao: Nếu làm tốt, bạn sẽ sống tốt!

Phóng viên thể thao: Nếu làm tốt, bạn sẽ sống tốt!

Việt Nam là đất nước cuồng say thể thao cùng bóng đá nên hoạt động báo chí và phóng viên thể thao rất sôi nổi. Vì thế, hy vọng những chia sẻ dưới đây giữa nhà văn Lý Thu Thủy; nhà báo thể thao gạo cội Quang Tuyến (báo Thanh Niên) và Hữu Quý (báo Thể thao và Văn hóa) sẽ là “lát cắt” về cái nghề rất thú vị này.

1. Truyền thông được ví như "tiền đạo" trong sơ đồ 5-3-2 quen thuộc của bóng đá. Mô hình này đã được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đưa ra áp dụng, đồng thời phổ biến cho hầu hết các liên đoàn thành viên. Theo đó, thủ môn là Liên đoàn Bóng đá quốc gia. Các hậu vệ là tiếp thị thể thao, đào tạo bóng đá trẻ, HLV, trọng tài, y học thể thao. Các tiền vệ là bóng đá nữ, bóng đá nam, bóng đá trong nhà. Cặp tiền đạo là CĐV và truyền thông.

Trong lịch sử hình thành và phát triển, bóng đá thế giới nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng đều có sự đồng hành của truyền thông báo chí. Vì vậy, có thể khẳng định, truyền thông là một phần không thể tách rời đối với các hoạt động bóng đá và ngày càng nắm giữ vai trò quan trọng trong bóng đá hiện đại.

Từ đó, có thể thấy rằng AFC đặc biệt quan tâm yếu tố truyền thông, lực lượng mà AFC đánh giá cực kỳ quan trọng nên mới xếp vào vị trí “tiền đạo”. Bởi không có truyền thông làm cầu nối thì tiếp thị, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho bóng đá không thể kiếm tiền. Dễ hiểu, không kiếm được tiền thì bóng đá cũng khó phát triển.

Những năm gần đây, công tác truyền thông của VFF, VPF cùng các CLB trong nước đã được quan tâm đúng mức, cải thiện rất nhiều. Sự xuất hiện trên các phương tiện truyền thông là một cơ hội tuyệt vời xây dựng hình ảnh của ĐTQG, CLB, cầu thủ trước công chúng, người hâm mộ trong và ngoài nước. Đó sẽ là nền tảng, là “linh hồn” để xây dựng hình ảnh, khẳng định vị thế và thúc đẩy nền bóng đá nước nhà đứng vững bằng đôi chân của chính mình và phát triển, đáp ứng được lòng mong mỏi của người hâm mộ và toàn xã hội.

Chú thích ảnh
Báo chí, truyền thông giữ vai trò “tiền đạo” trong phát triển bóng đá. Ảnh: Trần Hữu Đồng

2. Gần đây, trong buổi gặp gỡ các nhà báo phóng viên thể thao nhân dịp 21/6, Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định báo chí với vai trò là tiền đạo trong sơ đồ bóng đá và có những đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của thể thao nói chung, bóng đá nói riêng. “Nhà báo, phóng viên thể thao giống như những tiền đạo trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Những thông tin, hình ảnh của truyền thông, báo chí đã chia sẻ kịp thời để người hâm mộ Việt Nam có điều kiện cổ vũ, ủng hộ các đội tuyển bóng đá Việt Nam. Cũng vì vậy, trong thời gian qua, VFF đã nỗ lực, tạo điều kiện từ trong nước lẫn ngoài quốc tế để các phóng viên, nhà báo thuận lợi trong việc tác nghiệp, đồng hành cùng đội tuyển”.

Không chỉ tăng cường sự hợp tác với các cơ quan báo chí trong nước, VFF còn mở rộng sự phối hợp đối với các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế, các tổ chức bóng đá quốc tế, đặc biệt là FIFA và AFC. VFF cũng thay đổi phương thức tương tác để có sự chủ động hơn trong công tác truyền thông, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan báo chí để hướng tới sự phục vụ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

Vậy nên, VFF, VPF cùng các đội bóng trong nước cần xây dựng bộ phận chăm sóc truyền thông riêng để kết nối với các nhà báo, phóng viên. Làm thế nào để các bên cùng có lợi trong sự hợp tác hài hòa. Đừng để xảy ra những “xung đột” giữa nhà tổ chức và cơ quan báo chí với nhau. Những động thái gần đây nhất của nhiều CLB bóng đá trong nước đã cho thấy sự thay đổi về tư duy cũng như đường lối để phát triển hình ảnh của đội mình.

Bóng đá Việt Nam cần đầu tư để xây dựng được những CLB mạnh. Từ những CLB như thế sẽ tạo ra nền tảng cho một ĐTQG mạnh. Giá trị về hình ảnh sẽ có sức mạnh, sức lan tỏa và thu hút lớn đối với khán giả cũng như những nhà đầu tư. Công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh, tạo ra thương hiệu phải quan tâm từ những điều nhỏ nhất. Ví như cách ứng xử với truyền thông của HLV, cầu thủ; tham gia các hoạt động quảng cáo hay sự đồng bộ, tính kỷ luật cao.

Tựu trung lại, vị trí “tiền đạo” của truyền thông mà VFF nhắc đến hôm nay có thể hơi muộn nhưng cũng đã ghi nhận được đóng góp quan trọng của báo chí cho sự phát triển của bóng đá nước nhà. Hơn lúc nào hết, bóng đá nước nhà phải tiếp tục có những thay đổi tích cực hơn để đặt tầm ảnh hưởng của truyền thông ở một vị trí trọng yếu. Tất cả đều hướng đến mục đích thay đổi diện mạo, nâng tầm phát triển của bóng đá Việt Nam.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm