Bình luận Nam Khang: Đa năng

05/07/2014 16:02 GMT+7 | Vòng 1/8

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày xửa ngày xưa, có một đội tuyển mặc áo màu da cam trình diễn một kiểu bóng đá tạm dịch là “Bóng đá tổng lực” làm chấn động cả thế giới và suýt chút nữa đã bước lên đỉnh vinh quang tại World Cup 1974. Đó là sự xuất hiện của 10 cầu thủ đa năng trong đội hình của đội tuyển Hà Lan.

Đa năng ngày xưa

Xin đừng hiểu “Bóng đá tổng lực” theo nghĩa tất cả tấn công, tất cả phòng ngự bởi trên thế giới này chẳng có đội bóng nào chơi theo kiểu đó. Một là tất cả tràn sang phần sân của đối phương để tìm kiếm một kết quả có lợi khi thời gian đang cạn dần. Hai là tất cả lùi về phần sân nhà để bảo vệ tỷ số hoặc khi quyết tâm tìm kiếm kết quả hòa trước một đối thủ rất mạnh. Không có chuyện khi có bóng thì cả 10 cầu thủ đều dồn sang phần sân đối phương để tấn công còn khi mất bóng thì lại đúng những còn người ấy rút về phần sân nhà để phòng thủ. Chơi kiểu đó thì ai mà chạy nổi trong suốt 90 phút!   

“Bóng đá tổng lực”, hiểu theo một cách đơn giản nhất là tập hợp của những cầu thủ đa năng, có thể chơi được ở nhiều vị trí khác nhau. Hay như giải thích của Johan Cruyff là “tiền đạo có thể chơi như hậu vệ và hậu vệ như tiền đạo. Mọi người có thể chơi ở khắp mọi nơi”. Nghĩa là ngoại trừ thủ môn, 10 cầu thủ còn lại đều được phép chơi ở bất cứ đâu trên sân, miễn là việc phải thay đổi vị trí cho nhau phải diễn ra một cách hợp lý để không đánh mất thế trận. Trong đó, sự phối hợp, khoảng cách và sự di chuyển của các cầu thủ là những yếu tố quan trọng của “Bóng đá tổng lực”.  

Đa năng ngày nay

Ngày nay, cũng có một đội tuyển mặc áo màu da cam đang gây ấn tượng tại World Cup 2014. Tất nhiên, đội tuyển Hà Lan của HLV Louis van Gaal không có đủ điều kiện và khả năng để chơi “Bóng đá tổng lực”. Thế nhưng, trong đội hình của họ cũng có những cầu thủ đa năng, với mức độ “nặng” hay “nhẹ” khác nhau, nhằm giúp HLV Van Gaal nhanh chóng chuyển từ sơ đồ chiến thuật này sang sơ đồ khác để giành chiến thắng.   

Tại World Cup 2014, Hà Lan thường xuất phát với sơ đồ 3-4-1-2. Thế nhưng, khi cần gia tăng sức ép tấn công để tìm kiếm bàn thắng, HLV Van Gaal sẽ quay trở về với sơ đồ 4-3-3 truyền thống của bóng đá Hà Lan. Sự chuyển đổi này có nghĩa là Arjen Robben sẽ rời vai trò tiền đạo để chơi như một cầu thủ chạy cánh phải. Wesley Sneijder từ vai trò hộ công lùi về đá cặp tiền vệ trung tâm với một tiền vệ có sẵn. Tuy nhiên, việc thay đổi vị trí của cả Robben lẫn Sneijder chẳng thấm vào đâu so với một số cầu thủ ở tuyến dưới.

Trong đó, đáng ngạc nhiên nhất là sự xuất hiện của Dirk Kuyt, một mẫu cầu thủ chạy cánh theo trường phái Hà Lan. Ngạc nhiên vì khi xuất trận tại World Cup 2014, anh lại giữ vai trò tiền vệ cánh trái trong sơ đồ 3-4-1-2 với cả nhiệm vụ hỗ trợ phòng ngự. Càng ngạc nhiên hơn khi Kuyt “biến” thành hậu vệ phải trong sơ đồ 4-3-3 ở cuối trận đấu với Mexico. Thế nhưng, Kuyt vẫn phải chào thua Daley Blind khi cầu thủ này đã chơi đến 4 vị trí tại kỳ World Cup này: Trung vệ, tiền vệ trái trong 3-4-1-2 và hậu vệ trái, tiền vệ trụ trong 4-3-3.

Phải chăng Hà Lan là cái nôi của những cầu thủ đa năng? Chẳng phải ngẫu nhiên khi Hà Lan không phải là nơi khởi nguồn của “Bóng đá tổng lực” nhưng họ lại là những người đã đưa chiến thuật được xem là ấn tượng nhất này đến cảnh giới tối cao. Tuy nhiên, nếu như những cầu thủ đa năng của ngày xửa, ngày xưa là để phục vụ cho “Bóng đá tổng lực” thì ngày nay họ được dùng cho mục đích thay đổi sơ đồ chiến thuật, cùng dưới màu áo da cam.

Nam Khang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm