Bình luận Nam Khang: Tương phản

21/06/2014 13:27 GMT+7 | Bảng D

(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển Anh lại thua trận thứ hai, với cùng tỷ số, cùng kịch bản và gần như cùng nguyên nhân. Cơ hội lọt vào vòng 1/8 chưa tắt, nhưng sự kỳ vọng mà người hâm mộ gửi gắm vào “Tam sư” hầu như đã nguội lạnh.

Tương phản trong chuẩn bị

Quả là đáng thất vọng bởi trong khi Uruguay trở mình một cách mạnh mẽ sau thất bại ê chề trước Costa Rica thì đội tuyển Anh có vẻ vẫn hài lòng với chính mình. Trong khi HLV Oscar Tabarez thay đến 5 cầu thủ trong đội hình xuất phát và đổi cả sơ đồ chiến thuật (chuyển từ 4-4-2 sang 4-3-1-2) thì ông Roy Hodgson chỉ làm có mỗi một việc là đưa Wayne Rooney vào trung tâm và đẩy Raheem Sterling ra cánh phải mà đã ngốn biết bao giấy mực của báo giới. Trong khi “Celeste” đã phát huy được điểm mạnh và khắc phục rất tốt điểm yếu để hy vọng sẽ giành được chiến thắng thì “Tam sư” vẫn bình chân như vại, cứ như thể chiến thắng sẽ tự nhiên mà đến. Chính sự tương phản trong cách chuẩn bị cho trận đấu đã tạo nên sự khác biệt.

Tất nhiên, nói như vậy cũng có phần hơi quá bởi khoảng trống giữa hàng thủ và hàng công của đội tuyển Anh, khoảng trống phía sau Leighton Baines đã được thu hẹp, Baines và Glen Johnson đã dâng cao nhiều hơn và Steven Gerrard cùng Jordan Henderson cũng hoạt động tích cực hơn hẳn. Nghĩa là những khiếm khuyết rút ra được từ trận thua Italia 1-2 đã được HLV Hodgson sửa chữa ít nhiều. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là hiệu quả cả trong tấn công lẫn phòng ngự đều không được cải thiện, thậm chí còn tệ hơn.

Khi thất bại, người ta thường có khuynh hướng đổ lỗi cho hàng thủ mà đôi khi bỏ qua sự yếu kém của hàng công. Ở đây, đúng là hàng phòng ngự của đội tuyển Anh đã có lỗi trong cả hai bàn thua còn về mặt cá nhân, Baines và Phil Jagielka còn kém khá xa so với những người mà họ kế thừa. Thế mà trên băng ghế dự bị chỉ là hai kẻ khốn khổ trong suốt mùa bóng vừa qua - Chris Smalling, Phil Jones, và một chàng trai trẻ - Luke Shaw. Có vẻ như HLV Hodgson chưa quan tâm đúng mức đến hàng thủ, như thể những quả tên lửa trên hàng công của ông có thừa khả năng để bù đắp cho khiếm khuyết này.               

Tương phản trong hiệu quả

Thế nhưng, khi những quả tên lửa đó bay mà không nổ (như trận gặp Italia) hoặc không thể bay xa (như trận gặp Uruguay) thì sao? Câu trả lời rất đơn giản: Thì thua! Đúng là thua thật khi HLV Tabarez đã triển khai rất tốt hàng tiền vệ để phá vỡ lối chơi của người Anh. Mỗi tiền vệ Uruguay đều có một nhiệm vụ cụ thể: Cristian Rodriguez và Alvaro Gonzalez ngăn chặn Sterling và Dany Welbeck; Nicolas Lodeiro bám theo Gerrard để hạn chế tầm ảnh hưởng của anh lên lối chơi trong khi Egidio Rios di chuyển theo chiều ngang của sân để ngăn cản mọi hướng lên bóng của Rooney.

Bốn tiền vệ của Uruguay đã thực hiện thành công 18 cú tắc bóng (so với chỉ 15 lần của toàn bộ đội tuyển Anh), 6 cú đánh chặn để ngăn cản sự xâm nhập vào khu vực 1/3 cuối sân của họ. Rõ ràng HLV Tabarez đã nghiên cứu rất kỹ lối chơi của đội tuyển Anh trong trận gặp Italia để đề ra những phương án đối phó rất hiệu quả, tạo tiền đề cho chiến thắng của Uruguay.

Sự tương phản cuối cùng về tính hiệu quả là hình ảnh của hai nhân vật chính. Rooney miệt mài cày ải trên sân để tìm kiếm bàn thắng đầu tiên của anh ở World Cup và cuối cùng điều mà anh chờ đợi cũng đến, theo một cách không thể dễ dàng hơn. Trong khi đó, Luis Suarez trải qua phần lớn thời gian của trận đấu trong vai trò… khán giả. Thế nhưng, chỉ cần hai pha bóng mà anh thật sự hiện diện trên sân là Uruguay đã có được hai bàn thắng, phức tạp hơn nhiều so với bàn thắng của Rooney, nhưng lại đơn giản đối với một “sát thủ” đẳng cấp cao như Suarez.      

Cơ hội của đội tuyển Anh vẫn còn, xét đến chuyện họ chỉ phải gặp Costa Rica trong khi Uruguay phải đọ sức với Italia ở lượt trận cuối cùng. Thế nhưng, liệu “Tam sư” có thắng được Costa Rica khi thất bại đang đồng hành với họ ở kỳ World Cup này?  

Nam Khang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm