Biến thể phụ BA.5 có nguy cơ xâm nhập; Tiêm vaccine Ccovid-19 mũi 3 cho trẻ 12-17 tuổi cách mũi 2 bao lâu?

19/06/2022 07:41 GMT+7 | Tin tức 24h

Bộ Y tế cho biết, biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 thời gian tới, do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường...; Tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi thế nào?

TP. HCM phát động đợt cao điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại

TP. HCM phát động đợt cao điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi nhắc lại

Sáng 14/6, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát động đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại tại nhiều điểm trên địa bàn dân cư, trường học, nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp.

Ca COVID-19 nặng tăng lên 55 trường hợp

Ngày 18/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 699 ca nhiễm mới đều ở trong nước (giảm 24 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 509 ca trong cộng đồng). Hà Nội vẫn tiếp tục nhiều nhất với 148 F0/ ngày; 35 tỉnh, thành khác chỉ ghi nhận từ 1- 48 ca/ ngày, trong đó có 12 địa phương ghi nhận dưới 10 ca/ ngày.

Chú thích ảnh
Bộ Y tế cho biết, biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 thời gian tới, do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường. Ảnh: Trần Minh

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 729 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.737.107 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.426 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.729.341 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.603.801), TP. Hồ Chí Minh (609.814), Nghệ An (485.265), Bắc Giang (387.675), Bình Dương (383.794).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh là: 9.597.375 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.096.649 trường hợp, trong đó có 55 trường hợp nặng đang điều trị, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 47; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3; Không xâm lấn: 2; Xâm lấn: 3. Như vậy ca COVID-19 nặng tăng thêm 13 trường hợp so với ngày trước đó. Tuy nhiên, so với giai đoạn cao điểm của dịch thì số F0 nặng này chỉ bằng 1/100.

Biến thể phụ BA.5 có nguy cơ xâm nhập vào nước ta

Ngày 13/6/2022, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, trong đó tại Bồ Đào Nha biến thể phụ BA.5 đã chiếm ưu thế trong số các ca mắc; 

ECDC cảnh báo 2 dòng biến thể phụ này có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm (ILI/ARI, SARI), nhất là những chỉ số nhập viện, nặng, tử vong, đặc biệt là đối với người từ 65 tuổi trở lên. 

Chú thích ảnh
Tại Việt Nam, số mắc COVID-19 trong thời gian qua có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay, số mắc mới mỗi ngày hiện còn khoảng 600 - 700 ca mỗi ngày (thấp nhất gần 12 tháng qua), nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố. 

Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. 

Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới, do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi ít nhất sau 5 tháng kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản

Theo văn bản của Bộ Y tế gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả và hoàn thành việc tiêm cho trẻ đủ điều kiện tiêm chủng trong quý II/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Tiêm liều nhắc lại (mũi 3) vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, với đối tượng tiêm là trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản.

Tại văn bản này Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 18/6, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm trên cả nước là 225.255.875 liều, trong đó, số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.514.225 liều: Mũi 1 là 8.953.920 liều; Mũi 2 là 8.560.305 liều.

Thái Bình (suckhoedoisong.vn)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm