(TT&VH Cuối tuần) - Mặc dù bị xem là một “nghề nguy hiểm” nhưng nếu là nghệ sĩ, diễn viên, thì việc mua bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp không phải cứ muốn là được.
TP.HCM hiện có chưa đầy 10 CLB cascadeur, là nguồn cung ứng diễn viên đóng thế cho nhiều lĩnh vực, từ phim ảnh, ca nhạc, quảng cáo đến các sự kiện lễ hội. Phổ biến mức lương của cascadeur khi tham gia đóng phim thường là 300 - 500 ngàn đồng cho việc đánh đấm, 1 - 1,5 triệu với một cảnh té xe…, thu nhập trung bình của một cacadeur chuyên nghiệp hiện nay vào khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Tự bảo hiểm điều kiện làm việc
Bước chân vào nghề này, cascadeur phải biết một điều: họ phải tự bảo vệ mình bằng việc tự bảo hiểm điều kiện làm việc. Từ đồ nghề đến các trang bị đảm bảo an toàn lao động các cascadeur đều phải mua bằng tiền túi. Hai món đồ “bảo hộ lao động” được sử dụng phổ biến nhất cho dân cascadeur là đồ bảo hiểm cá nhân (băng đeo khuỷu tay, đầu gối…) và nệm, thùng giấy. Những chiếc dây bay phục vụ cho việc đu, bay, lượn cũng được tự chế. Dây cáp thì mua ở chợ chân cầu Chà Và (quận 8, TP.HCM), sau đó về tự quấn cột bằng ốc và bện cáp rồi mang đi thuê kiểm định tại một cơ sở trên đường Pasteur. Chi phí kiểm định khoảng 500 ngàn đồng/thiết bị, có cấp giấy chứng nhận, lưu hồ sơ hẳn hoi để làm căn cứ cho sự an toàn! Để đảm bảo an toàn, mỗi dây bay chỉ dùng một lần.
Cascadeur phải tự lo cho sự an toàn của mình vì không phải ban tổ chức, đoàn làm phim nào cũng quan tâm tới việc này. Anh Nguyễn Quốc Thịnh Chủ nhiệm CLB cascadeur Quốc Thịnh, cho biết, khi làm việc cùng một đoàn làm phim Đức, phó đạo diễn phim này luôn là người kiểm định độ an toàn một cách gắt gao và cảnh báo kịp thời mức độ nguy hiểm cho diễn viên hay bất cứ ai trong đoàn phim trước khi vào một cảnh quay. Đến con dao đạo cụ, ông này cũng cầm tận tay, thử tới vài lần mới cho diễn viên sử dụng. Ở các đoàn phim trong nước, việc này gần như không có. Chưa kể, để tiết kiệm chi phí, có đoàn phim còn thuê… diễn viên quần chúng đóng những cảnh nguy hiểm.
Không ai bán bảo hiểm cho cascadeur!
Diễn viên đóng thế trong một cảnh quay nguy hiểm
|
“Không có công ty bảo hiểm nào bán bảo hiểm tai nạn cho cascadeur cả!”- cascadeur Quốc Thịnh cho hay. Quốc Thịnh cho biết thêm, anh cũng như hầu hết những người theo đuổi nghề cascadeur đều ý thức được những rủi ro mà họ luôn luôn phải đương đầu khi làm việc nhưng khi đặt vấn đề mua bảo hiểm tai nạn với các nhà cung cấp bảo hiểm, thì bị từ chối. Với gần 20 năm theo nghề, nhiều lần vào bệnh viện cấp cứu với vài “thành tích” như khâu hơn hai chục mũi trên đầu khi thực hiện một cảnh nhảy từ trên cao xuống và phải phẫu thuật sau khi đóng cảnh nổ xe hơi, Quốc Thịnh ngậm ngùi: “Tôi phải mua bảo hiểm nhân thọ, đã mua từ lâu vì đó là cách duy nhất để tôi tự lo cho mình và cho cuộc sống của vợ con tôi, nếu có chuyện không may xảy ra”.Xin được kể thêm điều này: từ năm 2004 đến nay, nhóm cascadeur Quốc Thịnh đang có một hợp đồng làm cung cấp diễn viên đóng thế cho một nhà làm phim Ấn Độ. Khoảng 10 diễn viên thường xuyên duy trì công việc này và họ rất yên tâm vì tại đó, họ được bảo hiểm toàn bộ từ điều kiện làm việc đến những rủi ro có thể gặp phải. Khi làm việc ở Ấn Độ, họ phải tham gia hiệp hội cascadeur ở đây và đóng phần trăm thu nhập để được bảo hộ như diễn viên đóng thế Ấn Độ.
Vân Anh