Bài 2: Nghệ sĩ phải tự bảo vệ mình?

07/05/2010 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Có thông tin ca sĩ Hồng Nhung từng mua bảo hiểm giọng hát nhưng người quản lý của cô cho biết "chưa từng nghe tới bảo hiểm này". Còn rất nhiều lý do khiến nghệ sĩ ở Việt Nam chưa được bảo hiểm. Trong các chương trình biểu diễn, chính các đạo diễn là người đi kiểm tra từng chiếc đinh vít trên sân khấu để bảo đảm an toàn cho diễn viên. Nhưng đó cũng chỉ là một phần, còn khi có chuyện gì xảy ra, chỉ có nghệ sĩ thiệt.

CA SĨ HỒNG NHUNG: Mua bảo hiểm giọng hát?

Hạ Vy - người mẫu đầu tiên mua bảo hiểm đôi chân trị giá khoảng 1 tỷ đồng?
Ca sĩ, diễn viên Jenifer Lopez mua bảo hiểm cho cặp mông với giá 27 triệu USD. Cầu thủ điển trai David Beckham bỏ 70 triệu USD mua bảo hiểm cho chân và bàn chân. Đôi mắt của Elizabeth Taylor được bảo hiểm tới 1 triệu USD. Vòng 3 được bảo hiểm đắt giá nhất thuộc về nữ ca sĩ Kylie Minogue: 3 triệu bảng Anh. Còn ngôi sao ca nhạc Maria Carey có đôi chân được mua bảo hiểm tới 555 triệu bảng Anh (gần 1 tỉ đô la) vào năm 2006... Những chuyện tương tự lại rất khó "kiếm" trong làng sao Việt Nam.

Có thông tin ca sĩ Hồng Nhung từng mua bảo hiểm giọng hát, tuy nhiên, bà Mai, mẹ kế đồng thời là người quản lý của cô cho hay "chưa từng nghe thấy bảo hiểm này". Bà Mai cũng khẳng định, Hồng Nhung không mua bảo hiểm gì hết, kể cả bảo hiểm sức khỏe, ngoài việc mua bảo hiểm cho... chiếc xe hơi Mercedes màu trắng của cô! Cựu quản lý của ca sĩ Hồ Ngọc Hà, và hiện nay là quản lý cho ca sĩ Anh Khoa, anh Hà Quang Minh (công ty Music Faces) cho rằng dù rất quan tâm tới gói bảo hiểm kiểu này song các công ty bảo hiểm lại không có dịch vụ bảo hiểm như vậy, nên có lẽ tại Việt Nam hiện nay chưa có ca sĩ nào mua bảo hiểm giọng hát.

Vậy nhưng, tuy chưa thuộc hàng sao như những cái tên kể trên, người mẫu Hạ Vy (công ty Venus) có thể xem là người tiên phong trong làng showbiz Việt mua bảo hiểm cho đôi chân dài 1,1m của mình. Giá trị bảo hiểm không được tiết lộ, tuy nhiên "thông tin vỉa hè" cho hay có thể lên tới cả tỷ đồng.
P.T

ĐẠO DIỄN PHẠM HOÀNG NAM: Nghệ sĩ chưa có ý thức tự bảo vệ mình

Cách đây 10 năm, đã xảy ra tai nạn chết người trong một chương trình nghệ thuật, nay lại có vụ diễn viên tử vong trên sàn diễn. Với dư luận, điều đó sẽ qua nhanh thôi, những người “sốc” nhất, theo tôi, chính là người trong cuộc. Sự đảm bảo an toàn cho những sân khấu biểu diễn ở ta hiện nay tùy vào cái tâm của người thực hiện chứ không theo bất kỳ văn bản, hay quy định gì. Nhưng cũng có một thực tế là ngay các diễn viên và tất nhiên cả các nhà tổ chức rất kém trong việc có ý thức tự bảo vệ bản thân. Từng học ở nước ngoài, tôi rất thấm thía điều đó. Nghệ sĩ phải tự ý thức mình là một giá trị, phải biết quý trọng chính cơ thể mình... Nếu pháp luật chưa có quy định, khi ký hợp đồng, mỗi cá nhân cần yêu cầu bảo hiểm cho mình. Tôi vẫn gây ra sự khó chịu cho không ít người bởi khi đi quay, hay làm bất kỳ việc gì tôi đều yêu cầu đưa các điều khoản về bảo hiểm vào hợp đồng. Nhưng cũng có một thực tế là những người chấp nhận sự kĩ tính đó của tôi lại sẵn sàng ẩu với những người dễ tính khác. Người ngoài cuộc chắc sẽ không thể hình dung hết công việc của một đạo diễn sân khấu. Tôi luôn là người kiểm tra tới cái đinh ốc cuối cùng trên sân khấu. Một đạo diễn chương trình thậm chí còn phải quan tâm tới chiếu sáng phía sau hậu trường để nghệ sĩ khỏi vấp ngã.

Thực tế là ở các sân khấu trong nhà ít khi có sự cố. Trong khi những sân khấu dựng ngoài trời, nhất là ở các lễ hội, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Bởi vì sân khấu lễ hội là ẩu nhất. Họ dựng những sân khấu này với tâm lí dùng vài ngày rồi bỏ. Đó cũng là lí do, tôi không làm lễ hội bao giờ.

Quang Đức (ghi)

ĐẠO DIỄN PHẠM QUÝ DƯƠNG: Phải có người giám sát hiện trường

Với kinh nghiệm tổ chức khoảng 30 chương trình lớn nhỏ (chưa kể những chương trình ở nước ngoài), tôi thấy vấn đề an toàn trong công tác tổ chức lễ hội ở Việt Nam chưa có một chuẩn nào, mạnh ai nấy làm theo cách của mình. Sân khấu chỉ là những tấm ván MDF, tấm nhựa composite…ghép lại chứ cũng không phải là sân khấu theo quy chuẩn. Vì vậy, sự an toàn gần như phụ thuộc vào trách nhiệm của những người thực hiện. Với tôi, khi làm việc phải đảm bảo luôn có một giám sát hiện trường, có nhiệm vụ bao quát hiện trường, kiểm tra các thông số kĩ thuật, các yếu tố về nhân sự, an toàn lao động, an ninh, vệ sinh, phòng ngừa cháy nổ và cả dự báo thời tiết, sau đó báo cáo với giám đốc, đạo diễn để có những phương án phù hợp. Ngoài ra, bản thân tôi là đạo diễn chương trình cũng phải đích thân kiểm tra, cơ bản nhất là phải kiểm tra lại dàn sân khấu trước khi cho diễn viên lên, phải đảm bảo có dây bảo hiểm cho bộ phận trèo cao mắc dây điện…

Mua bảo hiểm cho diễn viên là một ý hay tuy nhiên với những lễ hội có cả trăm nghìn diễn viên (cả trong và ngoài nước) tham gia thì chắc không có BTC nào đủ tiền để mua bảo hiểm đâu. Theo tôi, đó chỉ là cách đề phòng cho trường hợp xấu nhất, còn quan trọng nhất vẫn là ý thức của người thực hiện phải tuân thủ mọi quy tắc an toàn, kiểm tra cẩn thận mọi chi tiết hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro. Đặc biệt, phải có bộ phận giám sát hiện trường (rất nhiều công ty sự kiện đã bỏ qua khâu này).
Ngọc Tuyết (ghi)

BIÊN ĐẠO MÚA TUYẾT MINH: Vì lễ hội đang vì lợi nhuận

Khán giả xem múa có thể thấy những chuyển động cơ thể nhẹ nhàng. Nhưng đó là do sự khổ luyện để đến độ tinh xảo. Chứ với nghề múa - một nghề phô diễn trực tiếp bằng chính cơ thể mình, giống như xiếc, đó là một loại lao động nặng nhọc. Nghệ sĩ luôn phải chấp nhận sống chung với những tai nạn, nhất là trong ballet và múa đương đại. Bản thân tôi, năm 1998, khi chuẩn bị tiết mục tốt nghiệp cũng đã bị tai nạn... Tuy nhiên, loại trừ những yếu tố đặc thù nghề nghiệp, nghệ sĩ hoàn toàn có thể tự phòng tránh các tai nạn. Ở trường, khi dạy sinh viên, tôi luôn dặn các em một khi lên sân khấu phải tập trung cao độ và đã là diễn viên chuyên nghiệp phải kiểm tra đạo cụ, trang phục trước khi biểu diễn. Một bộ váy chẳng may rơi mất khuy có thể khiến diễn viên lúng túng và ngã trên sân khấu...

Với những lễ hội ở ta hiện nay, tôi cảm thấy rằng, ở nhiều nơi, người ta chỉ quan tới kinh tế, lợi nhuận, làm sao đấu thầu được lễ hội mà chẳng cần biết văn hóa là gì. Các sân khấu thì dựng lên tạm bợ. Cơ quan chức năng tới tổng duyệt nội dung chứ chẳng mấy ai quan tâm xem cái sân khấu sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm người chạy nhảy trên đó đã đủ độ an toàn chưa... Những nghệ sĩ chúng tôi vì cuộc sống, cũng phải đi diễn thuê ở các lễ hội. Cát-sê cho diễn viên múa ở đó rất thấp, mà cái giá phải trả bằng cả tính mạng là quá đắt.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm