3 họa sĩ ‘cây cao bóng cả’ cùng ‘Cảm âm’

11/03/2017 21:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cảm âm là cuộc gặp gỡ của 3 họa sĩ đã có nhiều năm tuổi nghề: họa sĩ Đỗ Đức (sinh 1945), họa sĩ Hoàng Định ( sinh năm 1953) và họa sĩ Bùi Việt Dũng (sinh năm 1957) khai mạc chiều mai (12/3, mở cửa đến 16/3) tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Cảm âm, theo lý giải của các họa sĩ là “sự cảm nhận âm sắc cuộc sống của mỗi người, và mỗi người có cách cảm và cách thể hiện khác nhau trên cùng chất liệu giấy, từ giấy dó thủ công, đến giấy vẽ màu nước các loại trên thị trường hiện nay”.

Tuy nhiên, đặc điểm riêng của triển lãm này là tranh giấy, chỉ một chất liệu giấy. Nhưng  trên chỉ một chất liệu giấy là ba họa sĩ, ba phong cách trên giấy, ba cách nghĩ và ba cách thể hiện trên giấy khác nhau...

Trong đó, họa sĩ Đỗ Đức, được biết đến với bút lực thâm hậu ở mảng tranh giấy dó và đề tài dân tộc  miền núi. Cũng bởi trong thời gian trên 50 năm làm nghề của ông thì đã có tới 30 năm gắn bó với cây bút lông, màu nước và giấy dó. Ông vẽ hiện thực, bởi ông cho rằng hiện thực là nghệ thuật cổ điển, sẽ sống mãi với thời gian. Cổ điển cũng không trói bó cách thể hiện của người vẽ. Cổ điển có thể là tả thực, có thể là biểu hiện, lãng mạn và cũng có thể là trừu tượng trên hình hài cổ điển. Trong triển lãm “Cảm âm” này, có tranh ông mới sáng tác, nhưng cũng có bức đã trên hai, ba mươi năm tuổi. Qua những bức tranh cũ - mới này, người xem sẽ cùng thấy được sự chuyển động của bút pháp theo thời gian, và những cảm nhận cuộc sống được thể hiện như thế nào theo trải nghiệm của người nghệ sĩ, trên cùng một chất liệu giấy dó.


Tác phẩm Lũng Cẩm của họa sĩ Đỗ Đức

Còn họa sĩ Hoàng Định lại có một bút pháp tung tảy của hội họa Ấn tượng biểu hiện. Đó là do chất liệu sở trường của ông là sơn dầu. Triển lãm tranh trên giấy lần này là đề xuất của ông. Hoàng Định đang thử nghiệm thể hiện nhiều loại mực nước trên các loại vật liệu và giấy khác nhau. Ông lưu ý nhiều đến lý thuyết về cảm nhận tín hiệu thị giác, chú ý đến sự xuất hiện phảng phất của thời gian và  không gian cùng tình cảm của sắc màu trên những tác phẩm của mình. Nhiều năm đứng trên giảng đường trường đại học và bôn ba khắp nơi trên thế giới, nắm vững lý thuyết và cũng năng nổ thực hành tìm kiếm cái mới. Với ông, tìm kiếm chính là cái căn cốt của nghệ thuật để chuyển tải cảm xúc của tác giả đến người thưởng thức. Không tìm kiếm thì là nghệ thuật chết. Ông đã vẽ như chơi, thả lỏng cho dòng chảy cảm xúc, cách vẽ mềm dẻo, để thể hiện cảm xúc của mình.


Tác phẩm Thuyền mủng của họa sĩ Hoàng Định

Chưa từng tham gia các triển lãm nhóm và cá nhân nào, họa sĩ Bùi Việt Dũng vẽ màu nước chơi chơi, tài tử. Còn ông dành sự yêu thích của mình cho tranh in, và thể loại sáng tác độc bản. Ông cũng theo đuổi trường phái Trừu tượng Biểu hiện, bút lực mạnh mẽ, cách nhìn táo bạo và dứt khoát giống như tính cách ông ngoài đời.


Tác phẩm Núi giận của họa sĩ Bùi Việt Dũng

Cuộc hội ngộ đầu xuân này của ba họa sĩ vào tuổi cứng cáp tay nghề, đã khẳng định sức xuân trong tâm hồn và công lực của những nghệ sĩ đã vào tuổi “xưa nay hiếm”.

Cùng báo Thể thao & văn hóa thưởng ngoạn thêm vị “gừng cay muối mặn” trong cuộc đời đầy trải nghiệm của các họa sĩ đã vào tuổi “cây cao bóng cả” qua những bức tranh:










Các tác phẩm của họa sĩ Đỗ Đức








Các tác phẩm của họa sĩ Hoàng Định










Các tác phẩm của họa sĩ Bùi Việt Dũng

                                                                                                                                                                                                                                         Hoài Thương



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm