02/05/2018 07:20 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên, di cảo của nhà văn Nguyễn Quang Thân trình làng, cho thấy những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống.
1. Phần di cảo thực sự và thú vị nhất trong đầu sách này là những trang thơ dịch Akhmatova: Tình yêu (tập Buổi chiều), Cuộc chúc rượu cuối cùng (Tập Cây sậy), Vườn mùa hè (Tập Lẻ chiếc), Bông hoa hồng cuối cùng, Thơ trong cuốn vở bị đốt cháy...
Như nhà văn Dạ Ngân - vợ của ông kể lại thì có đến gần 30 năm nay những trang thơ này cục cựa trong hộc bàn của ông như tiếng thở dài của số phận nhà thơ mà ông chọn dịch. Vì sao là thơ Akhmatova mà không phải nhà thơ khác? Rất dễ hiểu, tài năng, nhân cách và bi kịch của nhà thơ nữ nổi tiếng (có thể nói là nổi tiếng nhất này) đã khiến ông đồng cảm tột bậc, và kính trọng sâu sắc. Tâm hồn nhiều chất thơ của ông, tính cách ít thỏa hiệp của ông, sự lãng mạn một phần nhờ văn chương Pháp… đã giúp ông rất nhiều trong việc chuyển ngữ khó khăn này.
“Một lần, cách khoảng 15 năm trước, một tạp chí văn chương ở Hà Nội in một chùm thơ nhỏ Akhmatova do ông ấy dịch - Dù sao thế giới cũng tắt dần, họ biên tập thành Dù sao thế giới cũng bắt đầu. Nguyễn Quang Thân giận tím tái, khôn nguôi, có lẽ mang cả nỗi giận vào cõi chết. Akhmatova không làm một câu thơ dễ dãi, lạc quan, định hướng như thế…” - nhà văn Dạ Ngân chia sẻ.
Nguyễn Quang Thân gọi Akhmatova là “Con thiên nga bay qua một thế kỷ dữ dằn”, ông viết: “Đó là một người đàn bà phi thường. Cô gái được nuông chiều và hay cười nhạo, làm thơ từ năm 11 tuổi và nổi danh ngay từ tập thơ đầu tiên giữa thi đàn Péterbourg đầu thế kỷ 20 đang từ giã chủ nghĩa tượng trưng để bước vào những tìm tòi của đủ thứ trường phái. Người đàn bà Nga mang trong mình dòng máu của các hãn tácta (Khan Genhgis) ấy từng nổi tiếng trước Cách mạng Tháng Mười, đã phải trải qua một số phận tột cùng cay đắng, và đột ngột sáng lên như một Vệ nữ trên bầu trời thơ Nga, sau hàng chục năm thể phách đã về cát bụi…”.
2. Phần tiếp theo là thơ của chính nhà văn: Cái cúc áo của em, Bài thơ xuyên trái đất, Đi tàu với em, Mắc mưa, Chiều nay em đi gặp biển, Tôi nhớ, Một mình tôi lang thang, Xa cảng miền Tây… Những bài thơ rất tình, khiến ai từng đọc sẽ không thể nào quên:
“Em nằm trên cát/Dưới cát là đất nâu/ Là những vương quốc bị chôn vùi từ rất lâu/ Dưới nữa là một mặt trời nham thạch đỏ rực/ Dưới mặt trời ấy lại là đất/ Là cát bỏng Sahara/ Là rừng thông/ Dưới rừng thông là bầu trời Đại Tây Dương/ Dưới bầu trời có lẽ là Thượng Đế/ Em nằm yên em nhé/ Trên cát, trên các vương quốc, trên bầu trời, và trên Thượng Đế/ Anh nằm trên em” (Bài thơ xuyên trái đất).
Phần khác, khi nhà văn nhớ lại và bạn bè viết hoặc phỏng vấn nhà văn cho thấy thêm những chấm phá về ông mà chừng như khi đã mất, dư luận, truyền thông và bạn đọc mới ngớ ra, rằng ông tầm vóc hơn những gì ông đã nhận được bấy lâu nay.
“Dù viết bất cứ đề tài gì, ta vẫn luôn thấy một Nguyễn Quang Thân ở bên trong, hoặc thấp thoáng đâu đó đằng sau tác phẩm: một Nguyễn Quang Thân giản dị đời thường mà thâm thúy, sắc bén; hài hước, dí dỏm, tai quái… một cách thông minh, bộc trực, quyết liệt, dữ dội, nhiều khi tàn nhẫn, cực đoan mà vẫn giữ được cân bằng; đôi khi suồng sã, trần tục mà vẫn sang trọng, thanh nhã… Tóm lại, một phong cách khá đa dạng, nhưng thống nhất, hài hòa giữa những mặt tưởng như đối lập” - (Tản mạn đôi dòng, chia sẻ cùng Dạ Ngân - Dư Khánh).
“Nguyễn Quang Thân đã đến với văn đàn trong tư thế của một người viết cương trực, không bao giờ luồn cúi, người tạc nên tên mình bằng những tác phẩm chuyên chở những ý tưởng mạnh mẽ như những nhát rìu cắm trên thân gỗ. Và ông đã từ biệt văn đàn trong tư thế ngẩng cao đầu. Cho đến lúc ra đi, trong khối óc mẫn tiệp ấy vẫn còn tràn trề bao nhiêu sinh lực, vẫn một tinh thần và ý chí quật cường, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác” - (Lời tạm biệt từ bầu trời - Ngọc Anh).
“Hy vọng bạn đọc sẽ không thấy phí hoài khi lưu tâm đến đầu sách thứ 8 trong loạt sách như thể chiêu tuyết này” - người bạn đời của ông, nhà văn Dạ Ngân viết.
Nguyễn Quang Thân - nhà văn đa tài Nguyễn Quang Thân (1936 - 2017) là một nhà văn hiện đại Việt Nam, chuyên về truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông còn là một nhà viết kịch bản. Ông được xem là nhà văn đa tài khi đoạt giải thưởng ở nhiều thể loại khác nhau: - Giải chính thức văn học cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985 cho tác phẩm Chú bé có tài mở khóa. - Giải nhì truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1992 cho tác phẩm Vũ điệu cái bô. - Giải A cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long nhằm tìm ra kịch bản cho dự án phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với tác phẩm Hội thề. - Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2006 - 2009 với cuốn tiểu thuyết Hội thề. |
Hòa Bình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất