03/07/2008 21:00 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH Online) - Chính phủ sẽ không để thiếu xăng dầu và tiếp tục kiềm chế giá của một số mặt hàng thiết yếu. Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, tại cuộc họp báo của Chính phủ ngày 2/7.
Sẽ cung đủ ngoại tệ mua xăng
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trong thời gian 6 tháng còn lại của năm nay.
Cụ thể, giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu như: điện, nước, vận tải hành khách… sẽ không tăng giá từ nay đến cuối năm. Còn lại, các mặt hàng khác doanh nghiệp được điều chỉnh giá ở mức hợp lí.
Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ lộ trình tăng giá bán của một số mặt hàng theo mục tiêu kiềm chế lạm phát và khả năng bù lỗ, hỗ trợ của Chính phủ.
Riêng với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương trình Chính phủ trình Chính phủ lộ trình điều chỉnh giá bán theo mục tiêu bảo đảm chống lạm phát, phù hợp với khả năng bù lỗ, đồng thời thực hiện hỗ trợ các đối tượng chính sách.
Cũng theo ông Hà, các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối trong những tháng qua vẫn lỗ và hiện đã được tạm ứng 95% số lỗ này. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã bù lỗ 11.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp kinh doanh của lĩnh vực xăng dầu.
Trả lời câu hỏi, liệu trong thời gian tới, chúng ta có thiếu xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, cho dù giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ vẫn chỉ đạo cung cấp đủ ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo nhu cầu sản xuất trong nước và nhu cầu sử dụng của người dân.
Bên cạnh đó, để minh chứng cho việc không có chuyện nhập khẩu xăng dầu giảm, Thứ trưởng Biên cho biết, 6 tháng đầu năm nay chúng ta đã nhập về 6.813 nghìn tấn xăng dầu, trong khi 6 tháng đầu năm 2007 chỉ nhập có 6.529 nghìn tấn.
Thứ trưởng Biên cũng giải thích những băn khoăn xung quanh việc nhập, xuất khẩu một số mặt hàng khác.
Về xuất, nhập khẩu than, ông Biên cho biết, năm 2008, nước ta xuất khẩu khoảng 20 - 22 triệu tấn than, giảm hơn khá nhiều so với năm 2007 (32 triệu tấn). Giải thích vì sao lại nhập khẩu than, ông Biên cho rằng, chúng ta chỉ nhập khẩu các một số loại than đặc chủng, than cốc nhằm phục vụ cho các ngành công nghiệp chứ không phải cho tiêu dùng.
Về mặt hàng thép, Thứ trưởng Biên cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu phôi thép về nhiều gấp đôi năm ngoái, với giá 750 - 800 USD/tấn. Tuy nhiên, phôi thép nhập về không bán được, vẫn nằm ở cảng, trong khi giá mặt hàng này đã tăng gần 200 USD/tấn nên các doanh nghiệp đã xuất ra bên ngoài.
Trước tình hình thép tăng giá, Bộ Công thương sẽ có biện pháp hạn chế xuất khẩu phôi thép nhằm bình ổn thị trường trong nước.
Giải thích vì sao lại phải nhập khẩu muối, Thứ trưởng Biên cho biết, nguyên nhân do thời tiết bất lợi, chi phí đầu vào tăng nên giá muối bị đẩy lên hơn so với năm 2007. Vì vậy, để tránh thiếu muối, Chính phủ đã cho xuất 30.000 tấn từ trong kho dự trữ quốc gia để cung cấp cho thị trường.
Tuy nhiên, theo tính toán, năm nay nhu cầu trong nước khoảng 1,3 triệu tấn, trong khi lượng muối thu hoạch được cộng với lượng muối trong kho chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn. Chính vì vậy, 6 tháng cuối năm sẽ phải nhập khẩu thêm khoảng 100 - 150.000 tấn.
Cần sự cảm thông của nhân dân
Liên quan đến kiểm soát giá cả, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng qua, các cơ quan thuế và hải quan khi kiểm tra chống buôn lậu và gian lận thương mại đã xử lý 6.012 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 221 tỷ đồng.
Về tỉ giá hối đoái và việc gửi tiền không có lãi suất thực dương, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Đồng Tiến cho biết, sau một tuần ngân hàng thực hiện điều chỉnh biên độ, tỉ giá hối tại thị trường tự do đã giảm dần.
Còn đối với vấn đề lãi suất thực dương, ông Tiến cho biết, về nguyên tắc thì phải là lâu dài nên tại một thời điểm nhất định sẽ không kết luận được điều gì nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành một cách linh hoạt theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn và đảm bảo nguyên tắc lãi suất thực dương.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng lưu ý, các ngân hàng cần phải cân nhắc đến lãi suất đầu ra để đảm bảo lợi nhuận của mình, của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất