Khai mạc trọng thể Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX

07/12/2015 18:30 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 7/12, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Tới dự và chung vui với Đại hội có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương.

1.800 đại biểu là đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, ngành, nghề, dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang, các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao, đại diện người Việt Nam ở nước ngoài đã dự Đại hội.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát động thi đua tại Đại hội. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đại hội là nơi hội tụ, biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến, những nhân tố tiêu biểu xuất sắc nhất trong các phong trào thi đua yêu nước của toàn quốc. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được phát động và trở thành cao trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân.

Trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng. Bộ Chính trị đã thông qua Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và ban hành Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Chính sách pháp luật về thi đua khen thưởng ngày càng được hoàn thiện, ban hành kịp thời Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua khen thưởng và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng.

Thủ tướng nêu rõ: C ác phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá cao, các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được hiệu quả bước đầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Nguồn nhân lực và khoa học công nghệ có bước phát triển. Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đạt kết quả quan trọng. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được cải thiện. Sức cạnh tranh tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng lên. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện. Cải cách hành chính có bước tiến bộ. Quốc phòng an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Chính trị xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên. Tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.


Các đồng chí lãnh đạo Đảng , Nhà nước với các đại biểu tỉnh Lâm Đồng. Ảnh – TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong suốt 67 năm qua, với trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015 và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Đại hội lần này cũng là dịp để chúng ta biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, các anh hùng chiến sỹ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc. Đồng thời, Đại hội còn có ý nghĩa quan trọng động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo kết quả phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011 -2015), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nêu rõ: Từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện.

Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động và phối hợp để tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên được người dân đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 - 2015, huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, tạo bước chuyển biển trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét.

Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác... Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể để phát hiện, đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho người lao động, cá nhân, tập thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và khen thưởng kháng chiến được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tốt.

Trong 5 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng 17 Huân chương Sao vàng, 85 Huân chương Hồ Chí Minh, 3.080 Huân chương Độc lập, 377 Huân chương Quân công, 31.119 Huân chương Lao động, 169 Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, 2.187 Huân, Huy chương hữu nghị, 124 Anh hùng Lao động, 81 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (thành tích trong thời kỳ đổi mới), 194 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 215 Giải thưởng Nhà nước, 4.888 danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sỹ, Nghệ nhân (nhân dân, ưu tú) cùng nhiều Huân, Huy chương tặng thưởng cho các cá nhân đạt được thành tích tiêu biểu, xuất sắc.

Tuy nhiên, phong trào thi đua thời gian qua còn có những hạn chế, đó là phong trào chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức. Chất lượng công tác khen thưởng chưa đạt yêu cầu, cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu, chưa nêu gương và lan tỏa. Việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác…, khen thưởng thông qua việc phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm tới cần phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào thi đua phải trở thành động lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới

Các chỉ tiêu chủ yếu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 – 2020 được đặt ra là hàng năm 100% bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phát động và ký giao ước thi đua; 100% các phong trào thi đua xây dựng được tiêu chí cụ thể, thiết thực. Đến năm 2020, có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới./.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm