Hà Nội quyết tâm khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội

31/10/2016 07:20 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ trích nộp bảo hiểm xã hội.

Song, từ thực tế thanh kiểm tra cho thấy, việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hiện, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai công tác khởi kiện tranh chấp về bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự và Luật Bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Khó khăn nhưng phải quyết tâm

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, khởi kiện là nhiệm vụ mới và quan trọng của tổ chức công đoàn hiện nay. Tuy gặp nhiều khó khăn ban đầu nhưng với phương châm bằng mọi cách phải bảo vệ người lao động, các cấp công đoàn Thủ đô vẫn nỗ lực triển khai bằng nhiều biện pháp để quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.


Ông Lê Đình Hùng. Ảnh: TL

Trước mắt, Liên đoàn Lao động thành phố giao cho 6 đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiến hành hoàn thiện các thủ tục khởi kiện 7 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội; đồng thời yêu cầu Liên đoàn lao động các quận được lựa chọn thí điểm thực hiện khởi kiện và tham gia tố tụng (gồm Hoàn Kiếm, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Ba Đình, Đống Đa) cần khẩn trương báo cáo cấp ủy, chính quyền đồng cấp để triển khai thực hiện khởi kiện.

Theo chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố, các đơn vị thực hiện khởi kiện thí điểm phải chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân, Bảo hiểm xã hội quận, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội để được hỗ trợ về chuyên môn, cung cấp thông tin; chuẩn bị hoàn thiện các hồ sơ khởi kiện trong tháng 11/2016, thực hiện nộp đơn ra Tòa án trong tháng 12/2016.

“Vạn sự khởi đầu nan, nhưng không phải vì khó mà chúng ta không làm. Việc khởi kiện vừa là thực hiện chức năng của công đoàn, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị để bảo vệ giai cấp công nhân, bảo vệ người lao động”, Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm với lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Vũ Đức Thuật cũng khẳng định, việc trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội cho tổ chức công đoàn là phù hợp với tình hình mới, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, giúp tổ chức công đoàn có thêm cơ sở để đảm bảo thực hiện tốt vai trò đại diện cho tiếng nói, quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ mới nên quá trình thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng.

Các đơn vị chức năng cho rằng, việc khởi kiện sẽ gặp khó khăn về quy trình khởi kiện, trong khi đó, đội ngũ cán bộ công đoàn còn thiếu về số lượng, hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng tham gia tố tụng. Đặc biệt, trong quá trình khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự, công đoàn sẽ khó khăn trong việc thu nhập tài liệu, chứng cứ. Vấn đề kinh phí cho hoạt động khởi kiện và tham gia tố tụng cũng là những thách thức không nhỏ đối với tổ chức công đoàn trong hoạt động khởi kiện.

Hơn 31 nghìn doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 195.000 doanh nghiệp (trong đó có 26 doanh nghiệp nhà nước, 5.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 189.478 doanh nghiệp khác), 1.796 đơn vị hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân; 2.623 đơn vị hành chính sự nghiệp.


Nhiều doanh nghiệp trốn bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa

Điều đáng chú ý, trong tổng số 195.000 doanh nghiệp trên thì số doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn ở mức cao và có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống công nhân viên chức lao động. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 31.428 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội với số tiền nợ trên 2.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, mặc dù tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đang xảy ra nghiêm trọng tại các doanh nghiệp, gây bức xúc cho người lao động, nhưng trong Luật Bảo hiểm xã hội và các quy định pháp luật có liên quan chưa có quy định nào hướng dẫn giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người sử dụng lao động còn nợ bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt, việc thanh tra xử lý vi phạm hay quy trình, thủ tục cưỡng chế khi doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (thậm chí khi có quyết định thi hành bản án rất khó khăn), nên dẫn đến tình trạng nhờn luật.

Từ những khó khăn, tồn tại trên, Liên đoàn Lao động Hà Nội kiến nghị UBND thành phố đưa các giải pháp nâng cao hơn nữa tỉ lệ doanh nghiệp và số người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đồng thời, Nhà nước cần có quy định, hướng dẫn giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động khi doanh nghiệp nợ đọng. Cùng với đó, c ác cơ quan chức năng cần kiên quyết xử phạt những doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xử lý hình sự điểm một số doanh nghiệp cố tình nợ đọng bảo hiểm xã hội nhiều năm với số tiền lớn, để tạo sức răn đe, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.

TTXVN/Minh Nghĩa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm