Đoản khúc World Cup: Mưa đã rơi ở Sao Paulo, nhưng nỗi buồn sẽ qua…

11/07/2014 07:06 GMT+7 | Bán kết

1. Sau “Hoa diên vĩ” Vincent van Gogh vẽ “Đêm đầy sao,” tác phẩm được nhìn nhận là cột mốc đánh dấu bước ngoặt lớn trong sáng tạo nghệ thuật của van Gogh. Bầu trời đêm phía bên ngoài cửa sổ của nhà thương điên trên khung cảnh của cuộc sống bên ngoài được vẽ theo trường phái ấn tượng qua sự dung tưởng của họa sĩ. Mà ở đó, chòm Đại Hùng đã được ông dịch chuyển từ Bắc sang Nam… Một sự hoán đổi thiên nhiên - vũ trụ đến “ngỗ ngược… Nhưng, ông không thoát khỏi sự u uất và tù túng của bốn bức tường bệnh viện, và đã tự tìm đến cái chết bằng việc lấy súng và tự bắn vào ngực mình. Hai ngày sau đó, van Gogh qua đời sau khi vẫn hoàn thành bức “Chân dung Adeline Ravoux” vẽ người bác sĩ chữa bệnh cho mình. Câu cuối cùng của danh họa Hà Lan, nói với em trai mình đó là “Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi” - "La tristesse durera toujours", hôm đó là 27/7/1889.

Còn tại Sao Paulo, cũng một tối tháng Bảy, mưa tầm tã và chẳng có ngôi sao nào có thể đến cùng các chàng trai đồng hương với danh họa. Chỉ mưa, mưa... và nước mắt ướt đầm trên khuôn mặt màu da cam – màu gần như không bao giờ có trong tranh của van Gogh.

2. Khi tôi ví việc thay thủ môn của HLV van Gaal như là sự dị biệt của bức tranh Hoa diên vĩ, tôi đã có ý của mình. Tôi nhìn thấy ở đó một sự điên rồ, bế tắc y như khi van Gogh đổi vị trí của chòm Đại Hùng trong bức tranh sau “Đêm đầy sao.” Hai tác phẩm đều được danh họa vẽ tại nhà thương Saint-Paul-de-Mausole, cũng là hai tác phẩm có màu tương đối giống nhau, sự pha trộn của xanh và tím, của những vệt màu như khắc gỗ…

Van Gaal đã tự bắn vào ngực mình, khi chọn lối chơi dè dặt, cẩn thận như trận đấu tối qua. Ông cho người khóa chặt Messi, và sắp đặt một thế trận của một đêm lặng gió, hy vọng sẽ có một ngôi như sự đột phá của chòm Đại Hùng từ phương Bắc sang phương Nam và tỏa sáng. Không còn là cơn lốc màu da cam, không có cả gió phiêu dạt… Sự cẩn trọng đó đã khiến Hà Lan sụp đổ trong một đêm mưa như trút nước, mưa đuổi tất cả các vì sao đi tìm chỗ nấp… Trong màn mưa đó, van Gaal đã bị Albiceleste dẫn dắt theo cách của họ, như một người điên với bước chân vô định, vô hồn. Bài thay thủ môn không còn hữu hiệu. Sự sắp xếp các cầu thủ ở loạt luân lưu không còn sáng suốt và sự tự tin thái quá ở sự “vượt qua định mệnh trên chấm phạt đền” đã khiến ông phải trả giá.

Không có gì cay đắng hơn, lại chết đúng như cái cách từng chết nhiều lần. Cay đắng hơn nữa, van Gaal đã được đánh giá cao hơn nhiều HLV Alejandro Sabella - người mà trước đó chẳng ai biết đến và thành tích thì là một con số 0 tròn trĩnh so với bộ sưu tập danh hiệu của van Gaal. Nhưng ông lại bị chính người “vô danh” đó dẫn dắt theo nhịp tango hết sức lạt lẽo của mình, để đến khu vườn của định mệnh - nơi mà chính ông sẽ nâng khẩu súng để tự mình kết liễu cơn lốc da cam trong đau đớn tột cùng của người hâm mộ.

3. Hai đêm bán kết, tôi đều khóc cùng hai cậu bé, đêm trước là chú bé fan Selecao trên khán đài. Chú bé gầy gò có cặp kính cận dầy cộp, cứ gạt mãi mà không ngăn được nước mắt ngừng tuôn. Đêm sau là khi Robben vội vã đến khán đài, cố gắng dỗ đứa con trai đang khóc nức nở trong lòng mẹ. Hai mẹ con, trong chiếc áo mưa mỏng mảnh vẫn ướt nhẹp không rõ vì mưa, vì nước mắt hay vì cả  hai… Rồi anh bất lực, quay lại sân, để lại sau lưng đứa con vẫn vùi đầu khóc. Ống kính không lia vào khuôn mặt Robben, nhưng tôi cảm được sự tan chảy của anh… Nỗi buồn chất ngất như lời trối trăng của van Gogh: La tristesse durera toujours…

Không phải vậy đâu, các chàng trai Hà Lan, sắc da cam không bao giờ có ở trong màu tranh của van Gogh, vì ông có số phận đầy trắc ẩn. Đừng bao giờ tin một người điên tuyệt vọng đến tự vẫn ở tuổi 37 dù ông ta có là danh họa thiên tài. Không có nỗi buồn nào kéo dài mãi mãi. Mưa sẽ thôi rơi, bầu trời sẽ lại đầy sao, các ngôi sao sẽ tỏa sáng, và nụ cười sẽ lại đến tươi tắn trong sắc màu rực rỡ. Nhất định là thế!

Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm