Man City bị Luật công bằng tài chính 'sờ gáy'

29/04/2014 09:33 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin mới nhất từ trang Daily Mail, rất có thể Man City sẽ trở thành một trong số những ông lớn đầu tiên bị Luật công bằng tài chính (FFP) của UEFA hỏi thăm.

Trước đây, đội chủ sân Etihad rất tự tin vào khả năng họ có thể vượt qua được những yêu cầu khắt khe của FFP. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, UEFA bắt đầu nghi ngờ về cách thức mà Man City tăng thêm nguồn thu trong hai năm qua.

Cùng với gã nhà giàu của nước Pháp PSG, đội bóng cũng được cho là gặp rắc rối với FFP, Man City sẽ phải đối diện với một hình thức điều chỉnh hoặc nặng hơn là một hình phạt nào đó từ UEFA. Tất nhiên họ có quyền chấp nhận, hoặc kháng án lên cấp cao hơn. Nhưng nếu kháng án bất thành thì án phạt của Man City sẽ nặng hơn. Dẫu sao thì có vẻ như phía đội chủ sân Etihad sẵn sàng chấp nhận với hình phạt mà UEFA chuẩn bị đưa ra.

Tuần trước, chủ tịch của UEFA Michel Platini nói rằng ông chưa cảm thấy phải đưa ra quyết định cấm thi đấu ở đấu trường Châu Âu mùa giải tới cho bất kì đội bóng nào liên quan tới Luật công bằng tài chính.

Dù thế nào đi chăng nữa, Man City hẳn sẽ lấy làm thất vọng và xấu hổ. Giá trị hình ảnh của các ông chủ Ả Rập và trên tất cả là kế hoạch cải thiện hình ảnh Man City sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Cụ thể, đội chủ sân Etihad đã cố gắng trong suốt 2 năm qua để cắt giảm thua lỗ tài chính do chi tiêu quá nhiều vào việc mua sắm cầu thủ và xây dựng cơ sở vật chất. Man City hy vọng những nỗ lực đó của họ sẽ khiến cho UEFA xem xét kỹ lưỡng trong những quyết định sắp tới.

UEFA đã đề cập rằng họ sẽ nương tay hơn cho những CLB thể hiện nỗ lực đáng kể trong việc giảm thua lỗ trước khi đưa ra bất kì hình thức xử lý nào. Man City hiện đang rơi vào trường hợp như thế, khi họ đã giảm thua lỗ từ 98 triệu bảng xuống còn 52 triệu bảng trong vòng hai năm tài chính trước đó.


Man City sắp phải nhận hình thức xử lý của UEFA do vi phạm FFP.

Điều khiến cho Man City cảm thấy lo lắng nhất là việc UEFA điều tra về quyết định bán hình ảnh cầu thủ của đội bóng này cho một công ty bên ngoài với giá 24,5 triệu bảng. Chưa từng có một đội bóng nào ở nước Anh làm điều này. Mối quan tâm càng tăng lên khi Man City từ chối tiết lộ cụ thể tên của công ty đó.

Ngoài ra, UEFA còn quan tâm tới cách Man City thu về 22,45 triệu bảng từ việc bán bản quyền sở hữu trí tuệ ra bên ngoài. Con số này bao gồm khoản phí thu được từ các đội thể thao khác từ New York City hay Manchester Ladies do sử dụng hệ thống tuyển trạch viên và dịch vụ thương mại của Man City.

Cuối cùng, UEFA xem xét cơ sở hạ tầng và giá trị của bản hợp đồng 350 triệu bảng kéo dài 10 năm của Man City với hãng hàng không Etihad, đơn vị tài trợ cho sân bóng của CLB, cũng như trang phục và khu tập luyện mới vào năm 2011.

Ngoài Man City, Platini cũng rất quan tâm tới hệ thống cấu trúc tài trợ của PSG và ông nói rằng nó khả tương đồng với đội chủ sân Etihad.

Ông cho biết: “Tôi chỉ thấy rằng mô hình tài chính của PSG khá đặc biệt. Hợp đồng hình ảnh với QTA, văn phòng du lịch của Qatar, là một ý tưởng mới mẻ, đó là những gì tôi có thể nói được. Nhưng liệu bản hợp đồng này có bền vững và đúng đắn hay không? Những người có liên quan hẳn sẽ phải trả lời câu hỏi đó”.

Còn với Man City, nếu trong trường hợp họ vi phạm FFP, thì bộ phận liên quan sẽ có 10 ngày để kháng cáo để tìm cách thỏa thuận với UEFA về một mức xử lý nhẹ hơn.

Đội chủ sân Etihad sau đó sẽ phải trình diện ở một tòa án do UEFA chỉ định. Những đội bóng khác ở Anh như Arsenal hay Liverpool đã đưa ra quan điểm rõ ràng họ muốn FFP phải được tiến hành triệt để, và điều này có thể gây khó dễ cho Man City.

H.Đức

Theo Daily Mail


 


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm