Từ hạt ngọc tâm hồn đến tâm tình tuổi thơ

31/10/2020 08:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng trẻ em không còn yêu thích văn học, văn học thiếu nhi Việt Nam đang rất yếu ớt! Những nhận định ấy phần nào phản ánh thực trạng xã hội hiện nay. Từ thực tế cuộc thi Đóa hoa đồng thoại trong 3 năm qua (2018 - 2020), lại có thể khẳng định rằng: Tiềm năng sáng tạo trong công chúng mọi lứa tuổi nếu được khích lệ sẽ nở rộ thành những bài văn trong sáng.

Nhìn lại Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn: 'Lớn nhanh lên với/ Bé bỏng chiều nay'

Nhìn lại Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn: 'Lớn nhanh lên với/ Bé bỏng chiều nay'

“Dài nhanh lên với/ Tóc xõa ngang mày/ Lớn nhanh lên với/ Bé bỏng chiều nay. Nếu như “chiều nay”, khi trao giải thưởng thì Dế Mèn vẫn còn khá“bé bỏng” với số lượng người tham gia chưa quá đông thì đến năm sau và các năm sau nữa giải thưởng sẽ lớn rất nhanh như mong muốn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh” – TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh đã “chúc phúc” cho Giải thưởng Dế Mèn như thế

Từ những bài văn nhỏ các tác giả đi theo dòng văn học thiếu nhi sẽ cho ra đời những tác phẩm có giá trị mới.

Hạt ngọc tâm hồn

Từ khi tuổi còn thơ người ta bẩm sinh đã có sẵn một hạt ngọc quý đó là trí tưởng tượng. Tuy vậy, không phải hạt ngọc của ai cũng có thể tỏa sáng thành một bức tranh ngôn ngữ. Chắc là cần phải có những duyên may để những viên ngọc quý trong tâm hồn của trẻ nhỏ phát sáng.
Bắt đầu từ năm 2018, một cơ duyên đã đến với trẻ em Việt Nam và những người lớn yêu trẻ em chính là cuộc thi viết truyện ngắn Đóa hoa đồng thoại (do Tập đoàn JXTG đề xướng, Công ty TNHH More Production Việt Nam tổ chức và được sự đồng hành của NXB Kim Đồng).

Được tham gia cuộc thi này, tâm hồn người viết như được mở ra một cửa sổ lớn. Qua cửa sổ ta bỗng nhìn thấy trên những mái nhà có những bông hoa biết nhảy múa và trò chuyện; bắt gặp một cơn mưa rào, ta không chỉ nhìn thấy mưa mà thấy trong mưa có những người bạn tí hon đang nô đùa vui vẻ. Nhìn một chiếc bánh ga-tô, ta bỗng thấy đó là một đám mây màu nâu có thể bay lên trời…Những truyện ngắn hay của các tác giả Lê Nguyễn Hoàng An (Hoa xuyến chi khiêu vũ trên mái nhà), Trần Hoàng Lan (Đám mây màu nâu), Phan Khánh An (Mưa rào)… và nhiều tác giả khác tham gia cuộc thi Đóa hoa đồng thoại chính là những hạt ngọc được phát lộ sáng ngời lên trí tượng tưởng của người viết.

Tuy vậy, tưởng tượng nào cũng xuất phát từ những sự vật hiện tượng mắt thấy tai nghe. Những truyện ngắn hay tham gia cuộc thi Đóa hoa đồng thoại đều là những truyện ngắn bắt nguồn từ những trải nghiệm có thực của người viết. Có thể là từ cuộc gặp gỡ bất ngờ ở cầu thang máy (Hôm nay tôi nghỉ làm- Phạm Duy Hạnh); Có thể là bỗng nhìn thấy một cây đa cổ thụ bên đường (Cụ Đa già-Nguyễn Hồng Yến); Có thể là chợt bắt gặp một cuốn sổ trong lớp học (Viết câu chuyện của bạn vào đây- Đoàn Nhật Linh)…

Chú thích ảnh
Nhà văn Lê Phương Liên (tác giả bài viết) cùng em Phùng Thị Phương Anh, đạt Giải xuất sắc nhất của cuộc thi Đóa hoa đồng thoại 2020

Từ những trải nghiệm được thăng hoa bởi trí tưởng tượng kết đọng thành câu chữ, các tác giả viết truyện đều truyền cảm đến người đọc những thông điệp thiện lành. Có những thông điệp hiển hiện rõ ràng như việc xây dựng đô thị cần bảo vệ cây xanh (Cụ Đa già- Nguyễn Hồng Yến); Hãy cùng chia sẻ vui buồn cùng bạn bè trong lớp (Viết câu chuyện của bạn vào đây - Đoàn Nhật Linh)…Và cũng có những thông điệp được thể hiện tinh tế hơn, sâu sắc hơn khiến người đọc cảm nhận bằng rung động như Mưa rào (Phan Khánh An). Đọc câu chuyện đó ta cảm thấy vẻ mong manh của trí tượng tưởng thơ ngây, nó có thể biến mất, có thể bị khô kiệt, có thể bị tước đoạt…

Nếu biết gìn giữ tôn trọng nâng niu vẻ đẹp tâm hồn thơ ngây ấy là ta đã giữ một hạt ngọc quý trong nội tâm từ tuổi thơ đến tuổi trưởng thành. Dù khi đã lớn ta có thể nhìn sự vật khác đi như bên trong nội tâm ký ức tuổi thơ sẽ giúp ta sống thiện lành biết ứng xử nhân văn trong tất cả mọi nơi mọi lúc.

Vạn vật yêu thương

Từ thuở ấu thơ ta đã biết cảm nhận ngoại cảnh, biết nhận ra màu sắc hình dáng mùi vị tiếng động của muôn vật. Cảm nhận từ ngũ quan còn tinh khôi của tuổi thơ hiện ra thành lời nói, chữ viết biểu hiện ánh “nhìn” từ tâm hồn trẻ. Những tác phẩm dự cuộc thi Đóa hoa đồng thoại lần thứ 2 tổ chức ở Việt Nam (2019) đã có những trang văn đẹp nói lên cảm nhận yêu thương vạn vật của tuổi thơ Việt Nam thế hệ mới.

Truyện ngắn Bướm lá của em Bùi Mai Khuê (học sinh tiểu học) là ánh mắt ngây thơ của cô bé tác giả khi nhìn cảnh vật. Em bé nhìn chiếc lá vàng rơi lại tưởng nhầm là cánh bướm. Không phải chỉ em nhầm mà cả những bông hoa cũng nhầm, những chú bướm cũng nhầm và mấy cậu bé đi cầm vợt bắt bướm cũng nhầm. Cho đến khi gặp một cái cây gầy guộc những chiếc lá vàng mới kết thúc cuộc bay rơi xuống gốc cây.

Những chiếc lá vàng đã hóa mình thành đất để bón cho cây gầy lớn lên, nảy xanh lá mới. Rồi lá xanh thành lá vàng và một vòng tuần hoàn lại bắt đầu. Người viết đã biết diễn đạt câu chuyện “ban đầu chiếc lá đã bị nhìn nhầm”, để rồi cuối cùng lá vàng hiển hiện giá trị thực của nó, giá trị bồi đắp cho trái đất xanh tươi mãi. Đọc xong câu chuyện nhỏ, tình yêu thương vạn vật dường như còn lưu luyến mãi trong lòng ta.

Câu chuyện của hạt đỗ con - tác giả Nguyễn Diệu Linh Chi (học sinh trung học) lại có một “sự nhầm lẫn” khác. Đó là câu chuyện của một cô bé đỗ con ở dưới mặt đất sâu. Đỗ con muốn nảy mầm vươn lên, thế nhưng nó rụt rè sợ hãi mặt đất. Rồi, cả nhà đỗ đều đã nảy mầm vươn lên, ai cũng bảo mặt đất rất thích. Đỗ con cũng không thể cưỡng lại sức vươn lên của lá mầm từ thân nó. Khi đến lúc: “vươn người một cái thật mạnh, chui lên khỏi mặt đất”,đỗ con đã thấy cảnh tượng “ánh sáng màu vàng ấm áp của ông mặt trời và tiếng hót líu lo xen lẫn tiếng cười, mầm cây be bé trên đầu nó vẫy vẫy chiếc lá xanh nhỏ xíu”, đỗ con bỗng thấy mình yêu mặt đất. Vậy thì còn gì vui hơn tình cảm yêu mặt đất của những đứa trẻ mới lớn lên!

Chú thích ảnh
Bài "Ngôi sao và Mặt trời" của em Phùng Thị Phương Anh đạt Giải xuất sắc nhất

Đọc những truyện ngắn xinh xắn này ta thấy rõ rằng trẻ em thường chưa thể biết ngay được chân lý. Giống như một bài toán khó không thể biết ngay đáp số. Người viết truyện thường phải dẫn dắt người đọc qua những trải nghiệm, những thách đố để cuối cùng chính người đọc sẽ tự khám phá ra thông điệp từ tác phẩm. Quả trứng thần kỳ của tác giả Nguyễn Thế Vinh (người viết tự do) đã có cách viết thú vị như vậy.

2 nhân vật Heo Còi và Gà Nhép đi xem xiếc ảo thuật. Hai bạn rất thích tiết mục của phù thủy Tắc Kè biến hóa từ một quả trứng trắng thành rất nhiều những quả trứng xanh, đỏ, tím, vàng. Niềm say mê khiến 2 nhân vật đáng yêu này đi tìm quả trứng thần kỳ. 2 bạn tìm đến nơi ở của đoàn xiếc, tiếc thay họ đã rời đi chỗ khác. Loay hoay rồi Heo Còi và Gà Nhép nhặt được quả trứng tắc kè đem về.

Chúng đinh ninh đó là quả trứng thần kỳ. 2 bạn hí hửng vui chơi, hô “biến” giống như nhà ảo thuật Tắc Kè. Thế mà quả trứng vẫn chỉ là một quả trứng mà thôi. 2 bạn nhỏ đã hoàn toàn chán nản thì bỗng một hôm quả trứng nứt vỡ và chú tắc kè ra đời. Sự biến hóa này khiến các em rất thích thú vui chơi với chú tắc kè con.

Việc “nhầm lẫn” của Heo Còi và Gà Nhép đã đi đến một kết thúc hay, các em đã đem trả chú tắc kè con cho nhà ảo thuật gia Tắc kè (bố đẻ của tắc kè con). Khi đọc xong truyện ngắn ta cảm thấy tin tưởng trẻ em có nhầm lẫn.Rồi, tình yêu thương sẽ khiến các em động lòng trắc ẩn, các em sẽ có những ứng xử đúng và đẹp.

Những truyện ngắn tham gia dự thi Đóa hoa đồng thoại 2019 đều tràn đầy tình yêu thương. Một con chim nói nhiều và một hòn đá lặng lẽ có thể là bạn thân của nhau ư? Truyện ngắn Trật tự nói nhiều của Nguyễn Mai Chi (học sinh tiểu học) đã kể cho chúng ta tình bạn dễ thương đó đấy. Con thằn lằn “đeo ba lô” của tác giả Nguyễn Văn Danh nói lên tình thương với một con thằn lằn (thạch sùng) khác thường. Người viết đã mượn hình ảnh con vật kỳ dị đó để bày tỏ tình yêu thương của mình với những người có thân thể khác thường.

Cá lội lòng vòng của Đinh Thị Thu Hằng là một câu chuyện hấp dẫn về tình cảm của một bạn nhỏ nhà nghèo với một con cá vàng lưu lạc. Tình yêu thương từ câu chuyện như một tia sáng lấp lánh làm tươi vui ấm áp hơn cuộc sống nghèo khổ của những em bé còn thiệt thòi trong xã hội. Bầu trời diệu kỳ của Trần Hoàng Lan có một cách đặc biệt để nói lên nỗi nhớ người cha đi công tác xa. Nỗi nhớ của em bé đã khiến em nhìn lên bầu trời sao tưởng tượng ra nét mặt của người cha, rồi nét mặt của cả gia đình quây quần đầm ấm.

Tâm tình trẻ thơ

Từ khi chưa biết nói, những cảm nhận tri giác thơ ngây cùng trí tượng tưởng nguyên lành sẽ được lưu giữ trong ký ức rất lâu để đến khi thành người lớn mới có dịp kết đọng thành tác phẩm.Cuộc thi Đóa hoa đồng thoại lần thứ 3(2020) chẳng những được các em nhỏ mà còn được nhiều cây bút yêu tuổi thơ hưởng ứng.

Ở lứa tuổi tiểu học mới tiếp xúc với ngoại cảnh, các em thường có những thắc mắc để rồi tự khám phá ra một ý nghĩa. Những hạt mưa đi đâu - truyện của emPhan Ngọc Đại Ngọc (8 tuổi) ở Lâm Đồng kể lại cảnh một em nhỏ giơ tay ra định nắm bắt lấy những hạt mưa. Em không bắt được, những hạt mưa đã trôi qua những kẽ tay lăn đi, biến mất. Câu hỏi nảy ra: Những hạt mưa sẽ đi đâu?

Trí tò mò của các em còn hướng tới những đồ vật trong nhà, truyện Chiếc gối nhỏ của em Vũ Phương Linh (9 tuổi) ở Hà Nội là câu chuyện của một cô bé nâng niu chiếc gối để tìm hiểu cuộc sống quá khứ vất vả của bà, của mẹ...

Sống trong mùa dịch Covid-19, em Nguyễn Diệu Linh (11 tuổi) ở Hà Nội đã viết Câu chuyện hai chiếc khẩu trang. Em đã tưởng tượng cuộc trò chuyện của 2 chiếc khẩu trang trước khi chúng dấn thân vào cuộc chống dịch.

Với lứa tuổi trung học cơ sở, các em đã vươn tới cảm xúc về “tình người”. Truyện ngắn Ngôi sao và Mặt trời của em Phùng Thị Phương Anh (14 tuổi) ở Hà Nội là một truyện ngắn rất đẹp. Tâm hồn em đã vươn tới vũ trụ bao la, tưởng tượng ra cảnh trò chuyện của Ngôi sao với Mặt trời. Ngôi sao tưởng mình là bé nhỏ so với Mặt trời, nhưng rồi Mặt trời lại nói với Ngôi sao bạn cũng vốn là một Mặt trời đó. Em đã tâm sự rằng: Tình bạn khiến ta nhận ra điều tốt đẹp ở người bạn mình và đôi bạn sẽ cùng tự tin hơn.

Truyện ngắn Mưa đi tìm nắng của em Trương Võ Hà Nhi (15 tuổi) ở Nghệ An lại bày tỏ tình bạn giữa những người khác biệt như mưa với nắng, thế mà hóa ra lại luôn gắn kết, cần có nhau. Các tác giả nhỏ tuổi còn viết về những người gần gũi. Truyện ngắn Minh gật gù của em Nguyễn Hoàng Hương Giang (13 tuổi) ở Hà Nội đã kể chuyện người bạn trong giờ học hay ngủ gật do nhà bạn có hoàn cảnh khó khăn. Truyện ngắn Bức ảnh của Pô của em Hoàng Phương Hoa (14 tuổi) ở Hưng Yên ghi lạihình ảnh người cha chải đầu cho con gái đã là một bức ảnh đẹp nhất.

Những bạn viết tự do đều đã lớn tuổi, họ đã “sống lại tuổi thơ” để sáng tác tham dự cuộc thi. Truyện ngắn Cột đèn tổchim của Võ Lê Tú Anh (29 tuổi) ở TP.HCM là chuyện cột đèn có bóng đèn hỏng không sáng nữa bỗng thành một tổ ấm cho chim trú ngụ. Truyện ngắn như gửi gắm tâm sự: Có những đồ vật tưởng đã vô ích sẽ có thể hồi sinh thành vật có ích cho sự sống muôn loài. Truyện ngắn Vuông của Phan Hồng Đức ở TP.HCM có nhân vật chính là một em bé luôn thích hình vuông. Dõi theo từng dòng văn ta bỗng bàng hoàng xúc động bởi biết rằng ý thích đó gắn với tình cảm của em với người mẹ đã khuất.

Thật là khó mà có thể nói cho đủ những sáng tạo phong phú của cuộc thi Đóa hoa đồng thoại lần thứ 3 (2020) với hơn nghìn bài dự thi. Bài nào cùng là những tâm tình trẻ thơ chân thành.

Nhà văn Lê Phương Liên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm