Trương Nghệ Mưu được trao giải Thành tựu trọn đời LHP Venice 2018: Đạo diễn 'lắm tài, nhiều tật'

24/08/2018 17:42 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tại LHP Quốc tế Venice lần thứ 75 năm 2018, đạo diễn Trung Quốc lừng danh Trương Nghệ Mưu sẽ được tôn vinh với giải Thành tựu trọn đời, giải Jaeger-LeCoultre Glory.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã 2 lần đoạt giải Sư tử Vàng Phim hay nhất tại LHP Venice, gồm Thu Cúc đi kiện (The Story of Qiu Ju – 1992) và Một người cũng không thể thiếu (Not One Less – 1999).

Đạo diễn Trung Quốc hoài bão nhất

Là một trong những đạo diễn nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong "thế hệ làm phim thứ 5" của Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu tung ra tác phẩm điện ảnh đầu tay Cao lương đỏ hồi năm 1988. Bộ phim này đã đoạt giải Gấu Vàng tại LHP Berlin và trở thành phim Trung Quốc đầu tiên đoạt giải hàng đầu tại một LHP quốc tế danh tiếng.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Bộ phim Cúc Đậu (Ju Dou – 1990) của Trương Nghệ Mưu là phim tiếng Hoa đầu tiên được đề cử giải Oscar Phim tiếng nước ngoài hay nhất.

Tiếp đó, phim Đèn lồng đỏ treo cao (Raise the Red Lantern) của ông đã đoạt giải Sư tử bạc tại LHP Venice và được đề cử Oscar.

Trương Nghệ Mưu được xem là một bậc thầy về thể hiện tính nhân văn và thẩm mỹ trong điện ảnh. Để đạt được mức độ thành công như ông bạn không chỉ học những kỹ năng làm phim nhất định mà còn phải học một số "mẹo" làm phim của Trương Nghệ Mưu đúc kết được trong nhiều thập kỷ làm phim.

Tại LHP Mumbai 2012, Trương Nghệ Mưu đã nhấn mạnh trong bài phát biểu khi ông lên nhận giải Thành tựu trọn đời, rằng:

"Bất cứ ai cũng có thể làm phim nhưng nhất thiết phải có niềm tin vào bản thân. Có thể bạn không có đủ tiền để làm phim, mọi người có thể không tin tưởng bạn, nhưng nếu bạn có tài và có ý chí thì cuối cùng bạn sẽ tỏa sáng".

Giống như nhiều nhà làm phim đã thâm nhập vào thị trường quốc tế trong bối cảnh chưa nhận được nhiều sự ngưỡng mộ ở quê nhà, Trương Nghệ Mưu ban đầu cho ra đời những bộ phim bị người Trung Quốc chê là quá "Tây".

Chú thích ảnh
Cảnh trong "Đèn lồng đỏ treo cao", phim điện ảnh đầu tay của Trương Nghệ Mưu

Nhưng mục đích của ông không chỉ là thu hút khán giả quốc tế, đặc biệt là khán giả da trắng, mà ông muốn làm phim dành cho tất cả mọi người.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1994 của tờ Independent trong quá trình quảng bá phim Phải sống (To Live), Trương Nghệ Mưu nói:

"Trong suốt 10 năm nhiều người chỉ trích tôi "nối giáo" cho phương Tây. Nhưng cách đây 10 năm tôi không hề xuất ngoại. Nếu bạn muốn làm hài lòng khán giả phương Tây bạn phải hiểu họ, nhưng tôi chẳng hề biết thị hiếu của khán giả phương Tây như thế nào. Tôi chỉ coi mình là một con người, người phương Tây cũng vậy, họ là con người chứ không phải động vật".

Hơn 20 năm sau, Trương Nghệ Mưu đã trở thành một nhà làm phim Trung Quốc hiếm hoi có thể làm những bộ phim lôi cuốn được khán giả phương Tây trong khi vẫn mang đậm văn hóa Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Áp phích phim "Ánh", tác phẩm điện ảnh mới nhất của Trương Nghệ Mưu

Trong cuộc phỏng vấn của China.org.cn hồi năm 2016, Trương Nghệ Mưu nói: "Để xuất khẩu văn hóa Trung Quốc, bạn phải nắm bắt được thị hiếu của khán giả quốc tế. Cụ thể, phim của bạn vừa phải chau chuốt nhưng cũng phải mang tính giải trí, đừng quá hàn lâm, nếu không sẽ không hiệu quả và không được khán giả quốc tế đón nhận. Nếu phim không thành công thì sứ mệnh xuất khẩu văn hóa của bạn cũng sẽ thất bại".

Nổi tiếng cả ở Trung Quốc lẫn nước ngoài, Trương Nghệ Mưu có nhiều cơ hội làm phim ở hải ngoại nhưng ông đều từ chối, không thích xa quê hương quá lâu.

Trong thời gian đó, Trương Nghệ Mưu tiếp tục tung ra nhiều bộ phim như sử thi võ thuật như Thập diện mai phục (House of Flying Daggers - 2004) và Đồng hành vạn dặm (Riding Alone for Thousands of Miles – 2005), trong đó nam diễn viên Nhật Bản Ken Takakura thủ vai cha của một nhà làm phim tài liệu ốm đau.

Năm 2006, Trương Nghệ Mưu trở lại với quả bom tấn Hoàng Kim Giáp (Curse of the Golden Flower) mà cây bút Steven Rea của tờ Philadelphia Inquirer đánh giá là "bữa tiệc hoành tráng về thị giác".

Bộ phim này đánh dấu sự tái hợp đầu tiên của Trương Nghệ Mưu và nữ diễn viên Củng Lợi sau hơn 1 thập kỷ "chia cắt" và càng khẳng định danh tiếng của Trương Nghệ Mưu, là nhà làm phim hoài bão nhất Trung Quốc.

"Dính" bê bối

Lừng lẫy trong sự nghiệp là thế, nhưng trong cuộc sống riêng Trương Nghệ Mưu đã vấp phải nhiều lời đàm tiếu khi dính vào scandal tình ái với Củng Lợi và sau đó là chuyện sinh con ngoài kế hoạch.

Chú thích ảnh
Trương Nghệ Mưu & Củng Lợi

Cuối những năm 1980, Trương Nghệ Mưu phát hiện ra Củng Lợi, lúc đó là một sinh viên kịch 21 tuổi, và sau đó đã đưa cô trở thành một gương mặt nổi tiếng quốc tế qua những bộ phim của ông.

Sự hợp tác kéo dài hơn 3 thập kỷ của cặp "trai tài gái sắc này" đã tạo ra nhiều bộ phim đáng nhớ nhưng năm 1990 mối quan hệ của họ đã gây tranh cãi. Trương Nghệ Mưu bị chỉ trích là người đã có vợ nhưng chẳng hề giấu giếm mối quan hệ "ngoài luồng" với Củng Lợi.

Trương Nghệ Mưu còn từng nói với vợ (Trương Nghệ Mưu ly hôn vợ năm 1990) rằng: "Tôi muốn được ở bên Củng Lợi. Mọi người cứ việc nói bất cứ gì họ muốn. Họ có thể gọi tôi là tên khốn".

Năm 1993, lúc đó Củng Lợi 28 tuổi và cô muốn chuyện tình cảm của mình với Trương Nghệ Mưu phải rõ ràng. Củng Lợi muốn kết hôn và có con với đạo diễn trước năm 35 tuổi, nhưng đạo diễn Trương tuyên bố ông không bao giờ nghĩ đến chuyện đó.

Chú thích ảnh
Củng Lợi trong "Hoàng Kim Giáp", phim đánh dấu sự tái hợp tác lần đầu tiên với Trương Nghệ Mưu sau hơn 1 thập kỷ 

Tiêu tan hy vọng được sống cuộc đời vợ chồng với Trương Nghệ Mưu, nhưng Củng Lợi vẫn tiếp tục hợp tác làm phim với ông. Nhưng năm 1995, sau khi quay xong phim Hội Tam Hoàng Thượng Hải, Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu chính thức chấm dứt cuộc tình lãng mạn và "đường ai nấy đi".

Trong những năm 2000, Trương Nghệ Mưu tiếp tục vang danh với nhiều bộ phim thương mại ăn khách, với vai trò là Tổng đạo diễn lễ khai mạc, bế back Olympic Bắc Kinh 2008, mọi chuyện với ông tưởng như yên ả. Rồi đến năm 2014, vị đạo diễn tài ba này đã bị chỉ trích dữ dội sau khi bị phát hiện sinh con ngoài kế hoạch.

Một số nguồn tin đưa rằng Trương Nghệ Mưu có 3 con với người vợ sau, phá vỡ chính sách sinh một con của Trung Quốc. Sau một thời gian cuối cùng Trương Nghệ Mưu thừa nhận ông đã sinh thêm 2 con trai và 1 con gái cùng vợ Chen Ting vào các năm 2001, 2004 và 2006 và phải nộp phạt 1,23 triệu USD. 

LHP Venice 2018 chiếu giới thiệu phim mới nhất của Trương Nghệ Mưu

Tại LHP Venice năm nay, sau khi trao giải Thành tựu trọn đời cho đạo diễn Trương, ban tổ chức LHP sẽ chiếu giới thiệu tác phẩm điện ảnh mới nhất của ông, phim cổ trang võ thuật mang tựa đề Ánh (Shadow).

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim "Ánh"

Phim có bối cảnh trong thời Tam Quốc của lịch sử Trung Quốc, vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Phim kể câu chuyện về một người "tầm thường", người bị cầm tù từ năm 8 tuổi và không chấp nhận số phận của mình là một con rối nên đã tìm cách để dành lại tự do cho mình. Phim có sự thủ diễn chính của Đặng Siêu, Tôn Lệ.

Chú thích ảnh

Hồi tháng 12/2017, tạp chí Variety đã đưa phim vào danh sách 20 tac phẩm được mong đợi nhất năm 2018. Đạo diễn Trương cho biết, ông lấy cảm hứng từ khung cảnh đẹp và nên thơ của Trung Quốc qua lịch sử và ông tin rằng cách tiếp cận tiềm ẩn trong phim sẽ mang đến cho khán giả một trải nghiệm thị giác đặc biệt.

Xem trailer phim Ánh (Shadow) của Trương Nghệ Mưu: 

LHP Venice lần thứ 75 năm 2018: Đạo diễn Trương Nghệ Mưu được trao giải Thành tựu trọn đời

LHP Venice lần thứ 75 năm 2018: Đạo diễn Trương Nghệ Mưu được trao giải Thành tựu trọn đời

LHP Quốc tế Venice lần thứ 75 năm 2018 sẽ tôn vinh đạo diễn Trung Quốc lừng danh Trương Nghệ Mưu với giải Thành tựu trọn đời, giải Jaeger-LeCoultre Glory.

Việt Lâm
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm