Thư gửi robot Citizen: Thành phố sáng tạo - nhìn từ 'Gác Lưu xá'

13/11/2020 09:13 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong nhịp điệu sôi động của Liên hoan, tôi bỗng nhớ tới một “không gian văn hóa sáng tạo” cũ - đó chính là “Gác Lưu xá” ở 11 Hàng Bông, Hà Nội.

Hà Nội - Thành phố sáng tạo: Nguồn lực nội sinh

Hà Nội - Thành phố sáng tạo: Nguồn lực nội sinh

Có một trùng hợp khá thú vị: Hình tượng con rồng được nhắc tới khá nhiều trong những tham luận tại hội thảo “Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố sáng tạo của Thủ đô Hà Nội” vào sáng qua 28/9.

Sophia thân mến!

Hà Nội của chúng tôi đã gia nhập mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO từ năm 2019, còn giờ đây, trong suốt 3 tuần lễ này (từ 6 đến 22/11), có một lễ hội đặc biệt được tổ chức. Đó là Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam - một liên hoan tôn vinh những hoạt động thiết kế, những không gian văn hóa sáng tạo đang nở rộ trên cả nước, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM.

Khách tham dự liên hoan có thể tham gia vào hàng loạt triển lãm, lớp học, hội thảo, tọa đàm và các cuộc thi tài khác nhau, mà phần lớn trong số đó đều có thể tham dự trực tuyến. 

Trong nhịp điệu sôi động của Liên hoan, tôi bỗng nhớ tới một “không gian văn hóa sáng tạo” cũ - đó chính là “Gác Lưu xá” ở 11 Hàng Bông, Hà Nội. Cách đây hơn 50 năm, nó được biết đến như một địa chỉ văn hóa của giới văn nhân nghệ sĩ Hà thành xưa, mà ngay cái tên của nó (Gác Lưu xá) cũng làdo “ông đồ” Vũ Đình Liên ưu ái đặt cho nơi ở của bạn mình - nghệ sĩ nhiếp ảnh văn nghệ kháng chiến Trần Văn Lưu.

Chú thích ảnh
Gác “Lưu Xá” - 11 Hàng Bông - trở thành nơi diễn xướng những làn điệu của một thời đang có nguy cơ mai một. Từ phải sang: Đào nương ngâm thơ nức tiếng Nguyễn Thị Phúc; Nghệ nhân ca trù, NSND Quách Thị Hồ; nghệ sĩ đàn đáy Hà Văn Du; họa sĩ Bùi Xuân Phái; nhà thơ, nhà viết kịch, dịch giả Đoàn Phú Tứ; ông Lê Chính - Trưởng phòng Mỹ thuật báo Văn nghệ; cây bút Trúc Lâm; nhà nghiên cứu ca trù Ngô Linh Ngọc… Ảnh Trần Chính Nghĩa (chụp khoảng 1983-1984)

Sophia thân mến!

Nhìn lại sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ ở Gác Lưu xá qua những bức ảnh do nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa (con trai gia chủ hào hiệp Trần Văn Lưu) chụp từ những năm 1960 đến 1980 có thể thấy đây chính là không gian sáng tạo văn hóa“đời đầu” của Hà Nội . 

Ở Gác Lưu xá có sự tụ hội, kết nối, giao lưu giữa nhiều văn nghệ sĩ tiếng tăm ở nhiều lĩnh vực như: Văn chương, thơ phú, hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, nghiên cứu - phê bình; có sự nảy nở của tình nghệ sĩ tri kỷ “đồng thanh tương ứng”, có những sáng tạo để đời của nhiều nghệ sĩ… 

Những văn nghệ sĩ thường xuyên “góp vui” tại Gác Lưu xá phải kể đến: Họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Tử Phác, nghệ nhân ca trù - NSND Quách Thị Hồ, đào nương ngâm thơ nức tiếng Nguyễn Thị Phúc, nghệ sĩ đàn đáy Hà Văn Du, ông Lê Chính - trưởng phòng Mỹ thuật báo Văn nghệ… Cả một “đội hình” thường xuyên biến Gác Lưu xá trở thành những cuộc tụ hội, giao lưu văn hóa - văn nghệ “đốt trái tim trầm gửi gió hương” (thơ Vũ Đình Liên).

Thời bấy giờ nghèo khó, có gì dùng nấy, một chai rượu cũng đủ thêm thăng hoa cho các cuộc mạn đàm văn nghệ.

Đối với nhiều văn nghệ sĩ, Gác Lưu xá giống như không gian tạo cảm hứng để sáng tác. Riêng với họa sĩ Bùi Xuân Phái, việc đến Gác Lưu xá hằng ngày như đi thực tế sáng tác, đã cho ra đời hàng trăm bức ký họa tại đây.

Sophia thân mến!

Từ ký ức về Gác Lưu xá trong quá khứ và hàng chục những địa chỉ nghệ thuật “đình đám” hiện nay, có thể thấy Hà Nội có thế mạnh và bề dày trong việc xây dựng và phát triển những không gian văn hóa sáng tạo. Nếu như trước đây, Gác Lưu xá chủ yếu làphục vụ nghệ sĩ thì hiện nay, những không gian văn hóa sáng tạo đãhướng đến công chúng nhiều hơn. 

Những địa chỉ điển hình có thể kể đến: Ơ kìa Hà Nội, Hanoi Rock City, 60s Thổ Quan, Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm, Hợp tác xã Vụn Art… Ở những không gian này, công chúng có cơ hội tương tác nhiều hơn với đa dạng các hình thức sáng tạo nghệ thuật đương đại như: Nhiếp ảnh, hội họa, phim ảnh, kiến trúc, thời trang,… thông qua việc kết nối với những chủ thể sáng tạo là các nghệ sĩ. 

Và vì thế rất cần những hoạt động “liên kết” các không gian này với nhau, tạo thành một "mạng lưới" sáng tạo, để tổ chứcnhững ngày hội sáng tạo tưng bừng. Đó là điều mà Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam đang làm.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm