Nghệ sĩ dương cầm Vũ Đặng Quốc Việt: Cốt yếu của âm nhạc vẫn là cảm xúc từ tâm

15/09/2021 18:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài Lê Cát Trọng Lý, nghệ sĩ dương cầm Vũ Đặng Quốc Việt (sinh 1988 tại Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) từng cộng tác với Thanh Hà, Thu Minh, Bằng Kiều, Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Linh, Mew Amazing, Châu Đăng Khoa (1990)… trong nhiều ca khúc. Các nhạc sĩ, ca sĩ thích lối chơi đàn thanh thoát, giàu cảm xúc của Việt.

Concert của Lê Cát Trọng Lý cháy vé trước một tháng

Concert của Lê Cát Trọng Lý cháy vé trước một tháng

Sau hơn một năm du học tại Đan Mạch và Thụy Điển, mới đâytrên trang Facebook cá nhân của mình, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý thông báo chính thức về việc tổ chức 2 đêm diễn mang tên Con chim già ngất ngư của mình tại phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) vào ngày 2 và 3 tháng 2/2018.

Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ là học trò dương cầm của Việt, sau đó thành bạn bè, thành tâm giao trong âm nhạc như Ái Phương, Trịnh Thăng Bình, Đông Nhi, Tăng Phúc, Hamlet Trương, Song Luân, Quốc Thiên, Thái Ngân...

“Mỗi ca sĩ mà tôi được cộng tác, tôi đều thích, vì mỗi người có tư duy âm nhạc riêng” - Vũ Đặng Quốc Việt chia sẻ - “Như khi làm việc với Lê Cát Trọng Lý, tôi học được tính tự sự trong các ca khúc, hoặc khi nói chuyện với Châu Đăng Khoa và Mew Amazing, lại học được sự tinh nghịch trong cách viết. Khi làm việc với anh Chí Tài, anh Bằng Kiều, chị Thanh Hà, chị Thu Minh, chị Hồ Quỳnh Hương, chị Ngọc Linh, anh Lê Minh trong nhóm MTV… thì học được sự trân trọng, sự trải nghiệm về đời sống”.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ dương cầm Vũ Đặng Quốc Việt

Từ tập đàn trên nền đất

Nhiều năm gần đây, Việt sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Điều may mắn nhất có lẽ là Việt được sinh ra trong một gia đình rất yêu âm nhạc. Mỗi lần ngồi lại với nhau, các cậu thì chơi đàn, ca hát, các dì thì nhảy đầm, hòa vào âm điệu đó, cả nhà vui vẻ.

Việt kể rằng từ năm 9 tuổi, khi đi nhà thờ cùng ba má, được dắt lên gác đàn để xem các cô chú hát thánh ca, cậu đã chú ý đến đàn dương cầm. Cô ruột của Việt khi đó cũng trong ca đoàn, rất tinh ý, biết Việt thích đàn, nên mua cho một cuốn sách tự học dương cầm căn bản.

Thời điểm đó, ở Long Khánh, một vùng quê với nông nghiệp là chủ yếu, gia cảnh còn rất khó khăn, việc học dương cầm vẫn còn rất xa xỉ. Nhưng rồi được cậu và anh hai trợ giúp, với học phí học đàn là 50 ngàn đồng/ tháng, học kín cả tuần. Nhưng học được chừng 1 năm thì lại tạm ngưng, do kinh tế quá khó khăn, không đủ trả học phí. Việt ở nhà xem sách nhạc và tự luyện tập đàn trên nền đất, với hình phím đàn vẽ bằng phấn.

Chú thích ảnh

Tới năm 12 tuổi, trong một lần đi lễ, Việt nghe giai điệu một bài thánh ca vang lên, lập tức ghi nhớ luôn. Khi mới lễ xong, Việt chạy ùa vào nhà các xơ (souer) để mượn đàn diễn tấu lại bài nhạc vừa nghe ấy, vì sợ quên. Sau khi nghe xong, các xơ rất ngạc nhiên vì Việt chưa được học gì về hợp âm, mà lại có thể đánh đệm được như vậy rồi. Và một phép màu đã đến, các xơ cho Việt được học đàn, học nhạc, mà không lấy bất kỳ khoản chi phí nào. Chỉ 1 năm sau, Việt đã được đánh đàn trong nhà thờ, đến năm 2000 thì chính thức trở thành người đệm đàn thánh nhạc trong nhà thờ chính tòa. Và đây cũng là sân khấu đầu tiên của Việt.

“Sau này, khi đi dạy dương cầm, tôi thường nói với các học viên rằng đừng để những rào cản về thể lý và tâm lý làm ta nhụt chí, cứ yên tâm và tin tưởng tập chầm chậm, vì âm nhạc là hơi thở của cuộc sống, nó sẽ đến và xoa dịu tâm hồn, rồi thành người bạn đồng hành lúc nào không hay. Âm nhạc chỉ đòi hỏi ở ta có một điều là hãy yêu một cách trọn vẹn nhất” - Vũ Đặng Quốc Việt nói.

Chú thích ảnh
Vũ Đặng Quốc Việt chơi trong live show của Lê Cát Trọng Lý ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam

Việt kể rằng bản thân hay đi lễ nhiều thứ tiếng, mặc dầu người ta nói tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hoa, hoặc tiếng Hàn thì bản thân không hiểu gì hết, nhưng khi âm nhạc vang lên, thì có thể cảm nhận được bản sắc của vùng miền, của đất nước đó. Hoặc khi đi lễ tại các vùng Tây Nguyên, nghe được âm nhạc dân tộc của buôn làng vang lên, qua các thanh âm của đàn đá, đàn t'rưng, cồng chiêng. Đi xa ra vùng Tây Bắc, vào mỗi dịp lễ lớn, lại nghe được âm hưởng của đại ngàn Tây Bắc vang lên trong ngôi thánh đường nhỏ phủ đầy sương, tiếng sáo mèo, tiếng pí pặp, pí pặp kép...

Đến chuyển soạn các bài cổ nhạc

Gần đây, Việt muốn chuyển soạn và chơi lại các bài cổ nhạc, nhạc kinh điển của Việt Nam, dự kiến làm một album riêng trong 1 hoặc 2 năm tới. Bài Dạ cổ hoài lang vừa xuất hiện mới đây là một ví dụ, được vài đồng nghiệp khen vì sự sáng sủa, trẻ trung, nhưng vẫn giữ được hồn cốt. Việt đang chuyển soạn các bài Cò lả, Bèo dạt mây trôi… của miền Bắc, tiếp đến là miền Trung, miền núi và miền Nam, chừng 15-20 bài.

Chú thích ảnh
Đêm nhạc Quốc Việt chơi ở rừng Nam Cát Tiên năm 2018

Việt chia sẻ: “Khi chuyển soạn, khó nhất vẫn là giữ được tính dân tộc, tính địa phương. Nếu mình được sinh ra, lớn lên ở vùng đất nào thì sẽ dễ cảm được “mùi âm nhạc” ở vùng đất đó hơn. Nếu không, phải có đủ tình yêu hoặc sự thấu cảm thì mới chuyển soạn, mới lột tả được bản sắc và tinh thần dân tộc. Nên tôi cứ làm từ từ bằng tình yêu và trách nhiệm một người trẻ Nam Bộ với cổ nhạc của cha ông, khi thẩm thấu được mới viết, mới chơi”.

Việt đã có vài album dương cầm phát hành trực tuyến, nổi bật có Sound Of Silence, diễn tả các âm thanh của ngũ hành; có Three Minutes, diễn tả các trạng thái tĩnh thức của tâm hồn. Nghĩa là Việt cũng đã bắt đầu quan tâm tới chiều sâu của âm nhạc. Điểm nổi trội của Việt trong cách chơi đàn không nằm ở học thuật, mà là sự tươi trẻ, thanh thoát. Như Việt chia sẻ từ đầu, vì xuất phát điểm là trong môi trường thánh ca nhà thờ, cái chính yếu của âm nhạc vẫn là cảm xúc từ tâm.

Việt nói: “Nếu để ý, có thể thấy các ca khúc thánh ca luôn thể hiện được sắc thái to nhỏ rất rõ rệt, chỉ cần đánh hơi biểu diễn, hơi điệu đà là sẽ làm mất đi sự thánh thiêng đó. Nên khi cất tiếng đàn, tôi thường bắt đầu bằng những thanh âm rất nhỏ. Một bài nhạc chơi ưng ý là khi được chơi với tất cả tình cảm của mình, dù là trên sân khấu lớn hay ở những nơi có quy mô nhỏ. Khi gieo một nốt nhạc, phải có trách nhiệm với nốt nhạc đó, nên chỉ đánh bài nào mà bản thân đã thật thấu cảm. Các xơ dạy rằng khi ra ngoài mà thấy cây đàn thì đừng vội leo lên, rồi đánh những bài nhạc vô hồn, tức là vừa đánh vừa dò bài. Như vậy chỉ thể hiện sự yêu thích một cách mù quáng và không có trách nhiệm”.

Tính đến nay, Vũ Đặng Quốc Việt đã viết gần 50 ca khúc, 50 bản nhạc không lời, chuyển soạn cho dương cầm hơn 20 bài, gồm cả tân nhạc và cổ nhạc. Thỉnh thoảng Vũ Đặng Quốc Việt tổ chức các đêm nhạc ở trong rừng, trên núi, hoặc dưới thung lũng để biểu diễn các sáng tác của mình.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm