'Hồi ức - Những năm tháng không quên' của nguyên biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam

04/08/2018 15:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/8, tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi giao lưu, ra mắt tập sách Hồi ức – Những năm tháng không quên của tác giả Mai Thị Trình, nguyên phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam những năm 1956 – 1976, một nhà trí thức, chiến sĩ cộng sản và nhà hoạt động xã hội tích cực.

Đây là tập sách được bà Mai Thị Trình hoàn thành từ năm 2004. Năm 2017, bà Mai Thị Trình qua đời và tập sách đã được các con của bà là Trần Thanh Lan Phương và ông Trần Thanh Nguyên gửi đến Nhà xuất bản Thông tấn ấn bản và phát hành đến với bạn đọc.

Tập sách dày hơn 250 trang, là những trang viết của bà Mai Thị Trình kể về cuộc đời của bà từ khi được sinh ra vào năm 1926 tại thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đến lúc trải qua thời niên thiếu và theo học tại thủ đô Paris (Pháp). Tại Pháp, năm 1952, bà Trình kết thân, lập gia đình cùng người kỹ sư trẻ là Trần Thanh Xuân, sau này là Phó Tổng Giám đốc, kiêm Phó Tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam.

Trong những năm tháng sống tại nước Pháp, bà Mai Thị Trình và ông Trần Thanh Xuân đã hoạt động khôn khéo dưới sự đùm bọc vô giá của Đảng Cộng sản Pháp (trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp sau đó trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam). Những người thanh niên, trí thức trẻ ngày ấy luôn ý thức vận mệnh của đất nước, dù ở xa vẫn đau đáu về nước nhà. Những năm tháng sau đó (từ 1973), đứng trước khoảnh khắc định mệnh của đất nước, bà Trình và ông Xuân quyết định trở về phục vụ dân tộc, tham gia trực tiếp vào cuộc chiến, đấu tranh giải phóng quê hương.

Chú thích ảnh

Cũng trong tập Hồi ức này, độc giả còn được hiểu hơn về con người và cuộc sống của bà Mai Thị Trình qua những lời chia sẻ rất bộc trực, thẳng thắn của bà từ câu chuyện xoay quanh cuộc sống gia đình mình, tình cảm vợ chồng, cách đối xử, dạy bảo và giáo dục con cái.

Giao lưu với độc giả, bà Trần Thanh Lan Phương và ông Trần Thanh Nguyên đã rất xúc động, bồi hồi nhớ lại những ký ức tuổi thơ của mình với chứa chan tình yêu thương của ba và mẹ.

Ông Thanh Nguyên kể lại: “Ba mẹ dù rất bận rộn với công việc nhưng mỗi khi có thời gian rảnh đều dành tất cả cho con cái. Có khi ba cùng tôi đi bộ, đạp xe, hay kể cho chúng tôi nghe những mẫu chuyện, bài ca dao, hoặc mối quan hệ gia đình, cách xưng hô, gọi tên họ hàng thân thuộc ở từng vùng, miền khác nhau của đất nước”.

Là cô con gái đầu lòng và được bà Trình và ông Xuân rất mực yêu thương, nhưng bà Lan Phương vẫn nhớ nhất là những bài học khắt khe của ba và mẹ về cách sống, làm người ngay thẳng, chân thật, tiết kiệm.

Bà Lan Phương cho biết: “Mẹ tôi rất thích đọc sách và khi đọc được những cuốn sách tâm đắc bà đều tự tay pho-to, mang chia sẻ cho mọi người. Những lời dạy bảo của mẹ tôi đến nay luôn là những bài học rất giá trị mà tôi vẫn còn phải học hỏi rất nhiều”.

Chia sẻ về tác phẩm này, bà Lan Phương cho biết nội dung tập sách không giới hạn độc giả, do vậy, bà Phương hy vọng các bạn trẻ sau khi đọc tập sách này sẽ có thêm được những kinh nghiệm và bài học trong cuộc sống, công việc và gia đình mình.

Ra sách 'Vinh quang Việt Nam'

Ra sách 'Vinh quang Việt Nam'

Hôm qua 28/8 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, cuốn sách 'Vinh Quang Việt Nam' (NXB Thông tin và Truyền thông) của tác giả Tạ Văn Quân đã được giới thiệu đến đông đảo báo chí.

TTXVN/Gia Thuận

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm