Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn: Kiếm tìm thêm một sự bù đắp cho 'Tết thiếu nhi'?

31/05/2022 11:59 GMT+7

“Tết thiếu nhi” vào ngày mai 1/6 là một sự kiện được nhiều phụ huynh chờ đợi. Nó trước hết đến từ sự bù đắp mà chúng ta muốn dành cho con em mình, sau ngày 1/6 của năm ngoái. Thời điểm ấy, làn sóng Covid-19 thứ 4 đang bùng phát, và gần như mọi hoạt động nghệ thuật, vui chơi đều lùi xuống cho công tác phòng chống dịch.

Góc nhìn 365: 'Món nợ' của Tết Thiếu nhi

Góc nhìn 365: 'Món nợ' của Tết Thiếu nhi

Ngày 1/6 năm nay là một ngày Quốc tế thiếu nhi khá đặc biệt. Đây là lần thứ hai, chúng ta cùng các em nhỏ đón “Tết thiếu nhi” giữa muôn nỗi khó nhọc, bộn bề mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Còn năm nay thì khác. Giống như xu thế chung của nhiều năm gần đây, thị trường sẽ cung ứng khá đầy đủ những chương trình biểu diễn, dịch vụ giải trí hay các quà tặng đa dạng cho các em trong dịp này.

Nhưng, cũng phải nhắc lại một câu hỏi mà chuyên gia giáo dục vẫn chia sẻ vào dịp này: Chừng ấy, đã là đủ cho một ngày Quốc tế thiếu nhi?

Hơn 60 năm kể từ ngày du nhập vào Việt Nam, ngày 1/6 chủ yếu vẫn được coi như một ngày hội để trẻ em được vui chơi, chăm sóc và được xã hội yêu thương. Không chỉ trong mỗi gia đình, tại trường học, tại từng tổ dân phố và cả ở… cơ quan của các bậc phụ huynh, tinh thần ấy vẫn luôn được thấm nhuần.

Chú thích ảnh
“Tết thiếu nhi” vào ngày mai 1/6. Nguồn: Internet

Đặc thù đó tất nhiên không sai, nhưng nó cũng cho thấy xuất phát điểm từ hoàn cảnh của một xã hội gặp nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống trong quá khứ. Còn bây giờ, rõ ràng thực tế đã cho phép chúng ta nghĩ tới những vấn đề toàn diện và có tính bền vững hơn về quyền trẻ em, như ý nghĩa đích thực để ngày 1/6 ra đời năm 1949 trên thế giới.

Trẻ em cần được chăm sóc và yêu thương, nhưng trong mỗi giai đoạn phát triển của xã hội, nhu cầu ấy cũng có sự thay đổi. Không cần chứng minh nhiều, nhìn vào con em mình, hẳn các bậc phụ huynh đều thừa nhận: trẻ em bây giờ cũng đã khác nhiều so với ngày xưa. Nhạy bén, thông minh và năng động hơn, nhưng cũng có thể dễ tổn thương hoặc lạc bước hơn, trước những vấn đề mới nảy sinh từ thực tế.

Và việc lựa chọn những hướng tiếp cận mới để chăm sóc, vun đắp cho sự phát triển của các em - cũng như giúp các em biết tự bảo vệ mình trong xã hội hiện đại, rõ ràng vẫn phải là do người lớn tìm hiểu, nghiên cứu rồi dẫn dắt, khơi nguồn. Ít nhất, trước mắt, những sản phẩm văn hóa dành cho các em phải có sự đổi mới, và tất nhiên không thể mang tính mùa vụ.

Đó cũng là một trong những cái đích mà giải thưởng Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) hướng tới, khi muốn tìm kiếm, vinh danh và cùng phụ huynh lựa chọn những sản phẩm văn hóa thật sự phù hợp với thế giới quan và sự tri nhận của các em trong bối cảnh xã hội hiện giờ. Nhưng, dù được dư luận bước đầu ghi nhận trong 2 mùa giải, rõ ràng những nỗ lực từ giải thưởng chỉ có thể được nhân rộng với sự hưởng ứng từ đội ngũ tác giả - và rộng hơn là của toàn xã hội.

Chúng ta đã rất cố gắng để yêu thương, chiều chuộng trẻ em trong những ngày 1/6 hàng năm. Điều ấy đúng, nhưng chưa đủ. Và, điều ấy cần sự bù đắp từ rất nhiều người lớn, bên cạnh sự bù đắp về mỗi món quà hay chuyến đi chơi mà nhiều phụ huynh đang muốn mang lại cho các em trong ngày 1/6 này.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm