Nguyễn Khoa Đăng mải mê lao động nhà văn

10/03/2021 20:29 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong 3 cuốn giáo khoa Tiếng Việt 2 được dùng cho năm học 2021 - 2022 mà Bộ GD&ĐT đã phê duyệt, thì Tiếng Việt 2 - bộ Cánh diềuTiếng Việt 2 bộ Chân trời sáng tạo cùng chọn bài Mùa lúa chín của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 33): Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ và con cò đồng dao

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 33): Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ và con cò đồng dao

Vào những năm 90 cuối thế kỷ trước, khi làm bộ giáo khoa tiếng Việt (bộ hiện hành, phát hành từ năm 2000) các nhà biên soạn đã đưa ca từ bài hát Mẹ có yêu không nào của Lê Xuân Thọ vào trang 131 sách Tiếng Việt 1 (tập 1) làm bài đọc, khi các cháu chưa học hết vần tiếng Việt, mới học tới các vần “um” và “im” có trong ca từ này: Khi đi em hỏi/ Khi về em chào/ Miệng em chúm chím/ Mẹ có yêu không nào.

Vây quanh làng/ Một biển vàng/ Như tơ kén…/ Hương lúa chín/ Thoang thoảng bay/ Làm say/ Đàn ri đá/ Lúa biết đi/ Chuyện rầm rì/ Rung rinh sóng/ Làm xáo động/ Cả rặng cây/ Làm lung lay/ Hàng cột điện.../ Bông lúa quyện/ Trĩu bàn tay/ Như đựng đầy/ Mưa, gió, nắng/ Như đeo nặng/ Giọt mồ hôi/ Của bao người/ Nuôi lớn lúa…// Em đi giữa/ Biển vàng/ Nghe mênh mang/ Đồng lúa hát…

Từ hình tượng nhìn thấy sang hình tượng nghe được…

Mùa lúa chín là bài thơ hay đã thành ca từ của ca khúc Em đi giữa biển vàng (nhạc: Bùi Đình Thảo) được bình chọn là 1 trong 50 bài hát hay cho trẻ em thế kỷ 20 của nhạc Việt và bài ấy từng được trình diễn trong chương trình Giai điệu tự hào của Đài Truyền hình Việt Nam

Bài thơ mở đầu với một toàn cảnh rộng và động, 3 dòng thơ có xuống hàng nhưng vẫn nối liền nhau vì người làm thơ tả mà như người quay phim chỉ lia tròn một đường máy. Nhịp thơ đồng dao chuyển rất nhanh từ hình tượng nhìn thấy, sang hình tượng nghe được lúa “rầm rì”, hít hà được hương lúa “thoang thoảng bay”. Đã có toàn cảnh đa giác quan mở ra, lại có cận cảnh chắt lại từng chữ “mưa, gió, nắng”, chắt lại chỉ một dấu chấm tròn như “giọt mồ hôi” của người làm ra “mùa lúa chín” này.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng

Đếm kỹ thì thấy, Mùa lúa chín của sách Cánh diều chỉ có 99 âm tiết, trong khi ở sách Chân trời sáng tạo, số âm tiết là 100 (vì ở dòng thơ thứ 6 của Cánh diều là “Làm say”; còn của Chân trời sáng tạo lại là “Làm say say”). Nên chăng cần thống nhất văn bản những tác phẩm đưa vào giáo khoa ở các sách cho cùng một cấp lớp, một trình độ, để thầy cô giáo và cha mẹ học sinh khỏi mất công giải thích chuyện dị bản, phiên bản với các cháu lớp 2?

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng kể: “Bài thơ in báo Thiếu niên Tiền phong từ 1966 và ký bút danh lấy trong khai sinh - Nguyễn Đăng Khoa. Tới 1970 tôi bất ngờ được nghe thơ mình thành ca từ của Bùi Đình Thảo (1931-1997) trên sóng phát thanh khi chưa từng gặp nhạc sĩ. Mãi tới Hè 1971 đang đạp xe từ thị xã Thái Bình về huyện Tiền Hải, bỗng 2 người đạp xe ngược chiều dừng lại gọi tôi. Người gọi là nhà văn Chu Văn đang là Giám đốc Sở Văn hóa Nam Hà, người quen cũ. Chu Văn giới thiệu, người cùng đi là Bùi Đình Thảo. Gặp nhau giữa đường, nhạc sĩ chẳng ngại kê dép lốp, ngồi xuống gốc cây phi lao bên đường, rút từ chiếc túi đeo vai một tập giấy đã kẻ sẵn khuông nhạc rồi dùng bút mực đỏ chép tặng tôi bài hát Em đi giữa biển vàng. Tên ông và tên tôi - Nguyễn Đăng Khoa bên nhau. Tôi rất cảm kích.

Sau 1975 tôi vào Nam, việc đi lại thời ấy còn khó khăn, không gặp lại ông. Nhưng tôi nghĩ ông vẫn nhớ đến tôi, đã hiểu tôi hơn cho nên những ấn bản Em đi giữa biển vàng sau này tự ông đã sửa tên người đồng tác giả với mình từ Nguyễn Đăng Khoa thành Nguyễn Khoa Đăng”.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Mùa lúa chín” của Nguyễn Khoa Đăng trong sách “Tiếng Việt 2”

Sự nhún nhường có văn hóa

Vì sao có chuyện Nguyễn Đăng Khoa thành Nguyễn Khoa Đăng? Bà giáo Tường Vy, người bạn đời của ông giáo Nguyễn Đăng Khoa kể: “Ông Nguyễn Đăng Khoa chồng tôi có thơ đăng báo, vào sách từ khi chưa có thần đồng thơ ca Trần Đăng Khoa. Vậy mà mùa Hè 1968, trong một lớp bồi dưỡng chuyên môn dành cho giáo viên, người hướng dẫn đưa thơ chồng tôi ra phân tích, khen ngợi rồi nói với cả lớp - trong tài liệu, tên tác giả bị in sai, chỉ có nhà thơ Trần Đăng Khoa, chứ không có nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa khiến tôi phải đứng lên ý kiến, giữ uy tín cho chồng mình”.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng tâm sự: “Tên khai sinh của tôi là Nguyễn Đăng Khoa. Sau khi sinh tôi, bố mẹ tôi có nhờ ông giáo Rĩnh (người có học vấn cao nhất làng tôi ngày ấy) đặt cho cái tên ấy, những mong tôi đỗ đạt trên đường đời. Từ năm1962 một số bài thơ, bài văn của tôi được đăng trên các báo Thiếu niên Tiền phong, Tiền phong, Người Giáo viên Nhân dân… tôi đều ký bút danh bằng tên khai sinh này.

Nhưng từ năm 1968, tự tôi thấy không nên sử dụng bút danh này nữa. Lúc này trên văn đàn xuất hiện thần đồng Trần Đăng Khoa cả nước náo nức. Mặc dù họ Trần và họ Nguyễn khác nhau, Khoa Nguyễn xuất hiện trước Khoa Trần, nhưng tôi thấy cũng chẳng nên dính chùm vào làm gì, vinh đâu chả thấy, chỉ thấy mắc cỡ.

Chú thích ảnh
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Khoa Đăng

Như có lần, tôi cùng nhiều người rồng rắn xếp hàng ở Nhà sách Nhân dân Hà Nội mua sách mới của NXB Kim Đồng, tuyển tập Chú ngựa bay, có in thơ tôi. Cô bán hàng cứ oang oang trong loa: “Trong cuốn này có thơ của Nguyễn Đăng Khoa chứ không phải Trần Đăng Khoa” cứ như cảnh báo thực khách, món này là “giả cầy” chứ không phải thịt chó thật.

Lại thêm chuyên vợ tôi “liên lụy” vì văn chương của tôi, thế là tôi đổi ngược tên của mình, để người đọc những ai biết tôi vẫn nhận ra tôi nhờ Khoa ấy, Đăng ấy, mà không phải đắn đo, cân nhắc. Đã cải cách tên tuổi quyết liệt như làm “thổ cải” vậy mà sau này vẫn có những người bị “vạ lây” vì sự giằng díu giữa 2 cái tên này. Nhà thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn cho biết, hồi nhỏ anh từng bị cô giáo bắt phạt quỳ vì đã dám cãi lời, dám bảo cô “không biết gì” khi cô bảo bài thơ đó của Nguyễn Khoa Đăng chứ không phải của Trần Đăng Khoa. Nhiều người thấy tôi thay bút danh, cho là tự trọng. Tôi cũng thấy thế. Theo tôi khi người khác đã nổi tiếng nếu mình không may bị trùng tên với họ thì cứ nhún nhường đổi tên”.

Nhún nhương một cách có văn hóa, cho nên trong tự trọng đã có cả hào sảng tự trào. Chính người viết bài này, được nghe Khoa Trần nói với Khoa Nguyễn: “Thôi từ nay, chính khoa thì em xin gửi lại bác, phần mình, em chỉ dám… phụ khoa thôi!”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cùng vợ và con gái

Ngòi bút sắc, hoạt như con dao pha

Nguyễn Khoa Đăng là cháu nội của cụ Hàn - Nguyễn Đức Ngỗi. Cụ Hàn Ngỗi có công giúp dân làng Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình lúa giống cùng trâu bò và những lực điền giỏi nghề nông để phục hồi việc đồng áng sau một cơn bão lớn nên được triều Nguyễn sắc phong là Thành hoàng làng này. Ngày giỗ cụ Hàn Ngỗi 6/10 Âm lịch hằng năm cũng là ngày hội làng. Noi gương dấn thân cống hiến của ông nội mình, anh thanh niên Nguyễn Đăng Khoa vượt qua những cản trở về lý lịch vì dính líu với phong kiến, phấn đấu lấy được bằng sư phạm để thành anh giáo làng. Rồi thành nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, tác giả của 22 tác phẩm văn học trong đó có 5 tiểu thuyết.

Tiếu thuyết Nước mắt một thời viết về cải cách ruộng đất, được TS Lê Thanh Hải (Khoa Triết và Xã hội học - Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan) đánh giá cao: “… tác giả đã thành công trong việc xây dựng tác phẩm văn học dựa trên những tư liệu có thật, chứ không phải loại văn chương “ám chỉ” mà ông từng giải thích khi được phỏng vấn, tức là loại văn bê nguyên hình mẫu vào nhân vật. Nước mắt một thời được NXB Hội Nhà văn phát hành từ năm 2009, xứng đáng được đưa vào danh sách các tác phẩm cần đọc thêm trong chương trình bình giảng văn học để học sinh tiếp nhận kỹ năng sáng tác. Với tôi, quyển truyện được nhà văn tặng chắc chắn sẽ là bài tập đọc bắt buộc cho sinh viên ngành Việt Nam học, đặc biệt là sinh viên nước ngoài hay gốc Việt muốn tìm hiểu Việt Nam”.

Theo TS Lê Thanh Hải, văn học là liều thuốc chữa chấn thương tâm hồn cho một dân tộc, mà tác phẩm của Nguyễn Khoa Đăng đã làm tròn vai trò tháo xả bớt sự dằn vặt uất ức và nỗi ám ảnh triền miên về một giai đoạn trong quá khứ mà lớp người như ông đã phải trải qua.

Nhưng không chỉ làm thơ, viết truyện ngắn và tiểu thuyết, Nguyễn Khoa Đăng con bước sớm vào lãnh vực điện ảnh. Ông là tác giả kịch bản phim Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc. Diễn viên - danh ca Thanh Lan vào vai Diệu Hương trong phim này. Khi trình chiếu vào Tết Nguyên đán 1987 phim có lượng khán giả đông đảo, chỉ đứng sau tập 7 phim hình sự Ván bài lật ngửa cũng chiếu Tết ấy. Và không chỉ viết kịch bản Nguyễn Khoa Đăng còn vào vai người cha tóc bạc, trong phim truyền hình 33 tập Lấy chồng Hàn của Hãng phim Thanh Niên, sản xuất 2014.

Từng là một thầy giáo, một “thầy cãi” (thẩm phán nhân dân) lại là một nhà văn có tài kể chuyện, ngay khi Nguyễn Khoa Đăng viết loại sách ứng xử sư phạm - cuốn Cài hoa vào quá khứ (được tái bản tới 13 lần) với 88 tình huống sư phạm, thì chất truyện trong các tình huống cũng khiến các nhà làm phim chú ý và 2 bộ phim đã ra đời từ 2 tình huống trong sách này - Gã hành khất và hai người thầy giáo, Đi Tết thầy. Và là phim giàu ẩn ước, thông điệp, có thể xem đi xem lại. Mải mê lao động nhà văn, ngòi bút Nguyễn Khoa Đăng, sắc và hoạt như con dao pha trong tay người thợ lành nghề.

Nguyễn Khoa Đăng sinh 1941 quê Thái Bình, đang sống tại TP.HCM. Ông đã xuất bản 22 tác phẩm văn học thuộc nhiều thể loại. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1985.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm