Ca sĩ Hà Linh: Số phận bịt mắt, dắt tay và đẩy tôi vào nghệ thuật

07/06/2014 16:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đến điểm hẹn, trước mặt tôi là cô gái có mái tóc đen dài quyến rũ, một gương mặt khả ái, sơn móng tay lung linh nhưng lại thưởng thức trà mạn như một ông già và hút thuốc như một trai trẻ. Đấy là “diện mạo” sau 7 năm của một Hà Linh bước ra từ Sao Mai 2007.

* Sau 7 năm mới Hồi sinh (tên album vừa ra mắt tháng 4 của Hà Linh). Chắc động lực để “sống lại” của chị phải đặc biệt lắm?

- Cũng không có gì đặc biệt đâu. Nhưng tôi bị áp lực rất nhiều trước tình cảm và sự ủng hộ của khán giá khi tham gia The Voice. Tôi cảm thấy nợ những người yêu mến mình có lẽ không chỉ là vài nghìn một tin nhắn mà họ đã “vote” cho mình. Tôi muốn làm một cái gì đó để nói lời cảm ơn.

* 7 năm qua, chị có nhiều điều để nói về cuộc sống của mình?

- Tôi vẫn chơi nhưng bây giờ là “chơi mà học”. Người ta nói rằng thiên thời chưa tới, việc duy nhất làm là nên án binh bất động, tôi thì nghĩ là cứ ngồi im đấy, nhưng không được quên tích lũy kiến thức cho mình.

Và thời gian qua, như một diễm phúc hay cái duyên trời cho, tôi đã gặp được nhiều người hay, học được nhiều điều bổ ích. Điều đáng giá nhất tôi làm được trong thời gian qua chính là tôi đã được học.

* Vậy là chơi có mục đích đấy chứ?

- Đúng là trước, tôi là loại “vui đâu chầu đấy”. Nhưng giờ tôi thấy mình già lụ khụ rồi, ngoài những mối quan hệ thông thường, cũng phải biết chỗ nào phù hợp với mình mà ở đó, mình phải học hỏi được điều gì. Nếu không, tôi không muốn tiêu tốn thời gian.

* Điều gì “đưa đẩy” chị học ngoại giao nhưng lại theo nghệ thuật?

- Hồi bé hình như tôi bị tự kỷ nhẹ nên khoản diễn đạt của tôi không tốt lắm. Gia đình cũng không có ai theo nghệ thuật nhưng tôi có “ưu điểm” là học ngôn ngữ tốt, cấp 3 từng được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi Anh và văn cấp quốc gia. Tôi theo học thầy Phan Cự Đệ, thầy có khuyên tôi thi ngoại giao hoặc ngoại thương. Và bố mẹ chọn ngoại giao nên tôi thi thôi.

Còn theo nghệ thuật, tôi nghĩ là tôi đã được số phận bịt mắt, dắt tay và đẩy vào.

* Học ngoại giao nhưng tại sao chị ngoại giao về mặt hình ảnh trước công chúng lại… tệ đến vậy?

- Vì sao mọi người cứ nghĩ vào trường này là sẽ được đào tạo để trở thành người khéo ăn khéo nói nhỉ?  (cười)

Thứ nhất, tôi theo học ngành an ninh quốc tế. Thứ hai, tôi nghĩ nếu muốn học về sự ứng xử khéo léo như mọi người thích, hãy học Đắc nhân tâm và học ngoài trường đời, sẽ tốt hơn là môn tâm lý học trong trường.

Phạm Hà Linh (sinh 1986) Giải nhất dòng nhạc nhẹ Sao Mai 2007 và bỏ dở Sao Mai điểm hẹn 2008. Năm 2013, Hà Linh trở lại với cuộc thi truyền hình thực tế Giọng hát Việt và dừng lại ở bán kết. Tháng 4/2014, cô cho ra mắt album đầu tay Hồi sinh nằm trong concept Hồi sinh bao gồm nhạc, họa, sắp đặt và ý niệm về sự sinh tử. Hiện cô đang tiếp tục hoàn thiện album thứ hai cho dự án này.
Sau cả một quá trình học về cái khéo, tôi nhận thấy cái khéo nhất lại là mình thật. Vì khéo quá lại là xảo ngữ hoa ngôn, cái sự khéo khiến con người ta có thể tạo dựng ra một chân dung khác về bản thân dù không cố ý. Tôi cũng không “đánh bóng” kiểu tôi ngoan, tôi hiền, tôi dễ thương vì nhìn cái mặt tôi, nó đã không như thế rồi! Tôi có phát hiện mới, so với mấy gương mặt nữ điển hình vượng phu ích tử hoặc phúc hậu, hình như tôi có một gương mặt đa đoan và mọi người còn bảo là giống con hồ ly thì phải (cười). Nhưng, thật ra tôi lại là người rất lành.

* Có nghĩa là những gì chị thể hiện ra ngoài không phải con người thật của chị?

- Tôi vẫn tự hỏi, mỗi người trong chúng ta đang sống nhưng không biết có phải là chính mình? Có lẽ đấy chỉ là sự kết hợp tạm thời giữa thể xác và linh hồn, dưới bàn tay điều khiển tinh vi của số phận. Hoặc đấy là sự tổng hợp cái tôi bên trong của mình với hành vi mình thể hiện ra bên ngoài, dưới con mắt chủ quan của lề luật, xã hội. Đơn giản như việc rót một cốc nước, người ưa mạnh thì bảo sao rót gì mà rón rén? Người nhẹ nhàng thì bảo “gớm, cô làm gì mà thô như đàn ông thế?”. Cách sống của mình không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, dù mình có khéo đến đâu, vậy cứ sống như là mình, rồi cuối cùng đếm xem, bao nhiêu người còn bên cạnh, sẽ là bấy nhiêu người yêu thương mình thật lòng.

* Vậy thế nào mới là con người thật của Hà Linh?

- Tôi cũng không biết nữa. Đa nhân cách, hâm, điên… Đủ các thứ cộng lại.

* Hâm là vì đọc sách triết nhiều quá đấy à?

- Đọc chứ. Tôi đọc sách khá nhiều, đọc suốt ngày, các thể loại từ tâm lý, tôn giáo, triết học nhưng văn thơ linh tinh là nhiều nhất.

Tôi tâm niệm câu học để quên, học xong phải như tờ giấy trắng vì những gì lĩnh hội được là phải ẩn ở bên trong mình còn cứ “trồi lên” ấy, tôi sợ bị gọi là kẻ cuồng chữ.

Cũng như trong âm nhạc, trước kia, tật xấu luyến láy quá đà của tôi từng bị nhạc sĩ Ngọc Đại mắng, thậm chí tí thì đánh luôn vì ghét. Ngày xưa tôi cứ nghĩ gào lên mọi người mới sợ. Bây giờ già rồi, mệt rồi, nếu cứ gào mãi thế thì kinh lắm, cũng chả có hơi sức, nên tôi phải tinh tế.

* 28 tuổi chưa thể nói là già. Còn tinh tế, để đạt được đâu có dễ?

- Vâng! Thế mới gọi là con đường đi tìm bản thân. Tôi nghĩ chắc phải 50 năm nữa may ra tôi mới đạt đến cái sự tinh tế thực sự. Giờ tôi vẫn như kẻ đang đi học, làm bài kiểm tra cho mọi người xem thử.

 * Kiểu như Hồi sinh và tiếp theo là gì?

- Năm nay tôi dự định thực hiện 3 sản phẩm xong sẽ nghỉ luôn, khỏi hát nữa.

* Chị nói vui đấy à?

- Không. Tôi mệt lắm rồi. Tôi không đủ kiên nhẫn để làm con dã tràng. Tôi biết bản thân mình làm được cái của riêng mình đã khó, lại làm thứ khó nghe nữa chứ. Nhưng nếu khán giả không hiểu hay chưa chấp nhận thì mình sẽ dành thời gian để thuyết phục họ, còn khán giả bây giờ, người yêu cái mới thì ít, người tải nhạc miễn phí về nghe lại còn chửi hoặc chỉ chăm chăm quan tâm đến thông tin bên lề của nghệ sĩ thì nhiều. Tôi cũng không muốn làm thêm nữa.

* Sao chị không nghĩ, đó là “hậu quả” thông tin bên lề của chị “nổi” hơn những gì chị làm?

- Đúng, thật ra đâu ai cần biết 7 năm tôi im lặng để tích lũy mới làm được một sản phẩm có thể coi là tử tế. Họ chỉ cần để ý đến những chuyện rất nhỏ như đi hát tôi mặc gì, vì bây giờ đi hát bằng báo là chính mà!

* Thế là lỗi tại chị!

- Thực ra đúng là mình sai.

* Vậy chị không định sửa sai?

- Mọi người có định kiến rồi thì làm gì cũng không thay đổi được đâu. Mà cố gắng thay đổi chính mình để chiều lòng ai đó trong khi người ta không thích mình, với tôi đó là lụy, làm thế mất tự trọng lắm.

* Nếu kết thúc sớm như vậy, với chị, âm nhạc cũng chỉ là một cuộc chơi?

- Nó là một cuộc chơi nhưng tôi muốn chơi cho đẹp, chơi có ý thức và trách nhiệm.

* Trong tình yêu thì sao? Trẻ đẹp như chị, tại sao lại cứ phải yêu những người có gia đình nhỉ?

- Tôi vẫn nghĩ là do số phận. Có thể vì hồi nhỏ tôi không được ở gần bố mẹ, thiếu thốn tình cảm, nên khi ở bên những người lớn hơn mình, tôi cảm thấy được che chở, bao bọc. Mà tính tôi thì thích nhõng nhẽo, thích dựa dẫm. Tôi thích trú ngụ trong một vòng tay mà tôi cảm thấy an toàn.

* Ồ, vậy ra chị vẫn thuộc tuýp phụ nữ “cổ điển” à?

- Tôi nghĩ, là phụ nữ thì nên được đàn ông che chở. Đàn ông mới là cây tùng cây bách. Mình là phụ nữ, hãy ngoan lành và lúc nào cũng phải thơm như một bông hoa (nếu có thể thì hãy ngọt ngào như một cái kẹo bông nữa). Độc lập quá, mạnh mẽ quá làm gì, đến lúc chẳng ai còn có nhu cầu bảo vệ mình nữa thì muốn yếu đuối cũng không được.

Còn nữa, phụ nữ mà tính đàn ông quá có khi toàn gặp phải những ông đàn bà. Nguy hiểm lắm!

* 28 tuổi - theo chị sống như thế nào là ý nghĩa?

- Sống có ý nghĩa đơn giản là làm việc có ý nghĩa. Tôi nhớ trong một cuốn sách đã từng đọc, có câu đại ý: Nếu như bạn đang trên một con tàu và nó sắp chìm, hãy chọn những thứ không cần thiết để vứt bớt xuống, chỉ giữ lại những thứ cần thiết nhất.

Đọc xong tôi cảm thấy, có thể trong mắt người này, mình đang giữ lại một vật vô nghĩa, hoặc làm một việc vô nghĩa, nhưng mà kệ chứ, chỉ cần mình thấy nó đáng giá là được. Với tôi, sống có ý nghĩa chính là ý nghĩa. Hâm nhỉ??.

Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm