Bùi Xuân Phái qua nét cọ trẻ thơ

06/10/2020 12:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khuôn khổ Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020 (diễn ra từ 14h, thứ Tư, 7/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) còn có triển lãm tranh của Bùi Xuân Phái cùng tranh vẽ "bác Phái", "ông Phái" của một học trò của ông - nữ họa sĩ Văn Dương Thành, và của cả các "học trò" của nữ họa sĩ nữa. 2 thế hệ vẽ Phái và 3 thế hệ vẽ phố.

Triển lãm ảnh 'Bùi Xuân Phái – Trăm năm một tình yêu Hà Nội' của Trần Chính Nghĩa

Triển lãm ảnh 'Bùi Xuân Phái – Trăm năm một tình yêu Hà Nội' của Trần Chính Nghĩa

Trong khuôn khổ của Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 13 – 2020 diễn ra từ 14h ngày 7/10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) sẽ có một triển lãm ảnh đặc biệt: Triển lãm ảnh “Bùi Xuân Phái – Trăm năm một tình yêu Hà Nội” của Trần Chính Nghĩa.

Để tiếp nối và lan tỏa những giá trị bất hủ về con người và sự nghiệp của danh họa Bùi Xuân Phái, trong những năm gần đây, họa sĩ Văn Dương Thành - người được xem là “nàng thơ” trong tranh Bùi Xuân Phái - đã tận tâm, tận lực dạy vẽ cho thế hệ học trò từ 10 - 15 tuổi. Một lớp trẻ thơ vẽ Bùi Xuân Phái như cách để ghi nhớ một bậc thầy của hội họa Việt Nam trải dài qua các thế hệ.

Nữ họa sĩ cho biết “những đứa trẻ chưa từng biết đến Bùi Xuân Phái mà có thể vẽ danh họa rất giống, rất đẹp và có hồn”. Hãy nghe tâm sự của các em:

Trần Khánh Linh (15 tuổi): Vẽ khiến tâm hồn trở nên bay bổng

Lần đầu con học với họa sĩ Văn Dương Thành vào năm 2015. Đối với con, vẽ là một thứ gì đó vô cùng khó và nghệ thuật vẫn vốn không phải là điểm mạnh của con. Tuy nhiên chỉ sau buổi học đầu tiên, con thấy tự tin hơn rất nhiều và đã có thể tự vẽ một bức tranh.

Không chỉ vẽ đẹp mà quan trọng hơn, tâm hồn của con trở nên bay bổng, nhạy cảm với thiên nhiên và các đồ vật xung quanh hơn, khả năng quan sát mọi vật của con tốt hơn vượt bậc so với trước. Con cũng hiểu biết, cảm nhận về hội họa và nghệ thuật tốt hơn nhiều.

Chú thích ảnh
Từ trái qua phải Nguyễn Quang Minh, Trần Khánh Linh, Nguyễn Linh Chi, Lê Châu Anh

Nguyễn Linh Chi (12 tuổi): Cầm cọ mỗi khi có thể

Con bắt đầu học vẽ từ năm 8 tuổi với họa sĩ Văn Dương Thành, họa sĩ là người thầy đầu tiên và duy nhất của con. Với con, màu sắc là một phương tiện để con thỏa sức sáng tạo và thể hiện cá tính của mình. Với phong cách hội họa theo trường phái ấn tượng, dù còn nhỏ nhưng con đã có được hơn 30 tác phẩm và tham gia 2 cuộc triển lãm tranh.

Nguyễn Quang Minh (15 tuổi): Vẽ như một mảng màu tươi sáng của cuộc sống

Con học vẽ từ khi còn nhỏ nhưng đến năm 2017 con mới bắt đầu được theo học họa sĩ Văn Dương Thành. Với con, vẽ như một mảng màu thú vị và tươi sáng của cuộc sống, con cầm cọ mỗi khi cảm thấy hứng thú và muốn thể hiện một niềm yêu thích qua bức tranh của mình. Điều đó được thể hiện rất rõ qua mỗi bức tranh, người xem luôn cảm thấy một nguồn năng lượng tích cực với màu sắc tươi sáng, bút pháp nhẹ nhàng.

Châu Anh (13 tuổi): Say sưa hàng giờ chỉ để vẽ tỉa một chi tiết nhỏ

Con hiện là du học sinh lớp 10 tại một trường ở Vương quốc Anh. Con làm quen với cây cọ từ khi còn 4-5 tuổi. Nhưng đến khi con được học vẽ cùng họa sĩ Văn Dương Thành năm 2015 lúc con 8 tuổi, con mới thực sự biết đến hội họa và con đã cố gắng học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ họa sĩ. Thành quả sau gần 1 năm học, con dành được giải thưởng đầu tiên: Giải đặc biệt của cuộc thi “Vẽ tranh theo cảm nhận của em”.

Phong cách vẽ của con thiên về nội tâm khác với vẻ ngoài nhí nhảnh hay nói của con, con có thể say sưa hàng giờ chỉ để tỉa chi tiết nhỏ nhất như chiếc lá, hay cái bình, cái ấm làm sao cho thực sự sống động nhất, chân thật nhất.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm