Bài 2: Điêu khắc phải “bắt tay” ngành xây dựng

20/12/2008 14:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ở ta, gần như năm nào cũng có trại sáng tác điêu khắc trong nước hoặc quốc tế. Thế nhưng, trại bế mạc thì tác phẩm “trùm chăn” để đó. Trong khi, như ở Hàn Quốc, kết thúc trại cũng đồng nghĩa với việc tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn.
 
 
Bế mạc, tác phẩm “đắp chiếu”

Tỉnh An Giang đã hai lần tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế vào năm 2003 và 2005, thế nhưng đến nay các tác phẩm có được từ vẫn chưa dùng vào việc gì. Đó là khẳng định của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn khi anh đều tham dự cả 2 trại tại An Giang. Theo tìm hiểu của TT&VH, cả hai trại điêu khắc quốc tế ở An Giang đều nhằm mục đích phục vụ cho công viên dưới chân núi khu di tích văn hóa Miếu Bà Chúa Xứ. Bản thiết kế công viên này đã có, nhưng không hiểu vì sao từ rất lâu rồi mà công viên này chưa được xây dựng. Và tất nhiên, các tác phẩm điêu khắc từ hai trại quốc tế được tổ chức khá tốn kém kia vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” mà không thực hiện được “nhiệm vụ” của mình: mang lại cái đẹp cho mọi người.
 
Một tác phẩm trong Trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Huế
(ảnh VTC)

Các trại ở An Giang còn ít nhiều có mục đích để hướng đến là xây dựng công viên. Rất nhiều trại khác ở một số tỉnh thành, bế mạc trại cũng đồng nghĩa là các tác phẩm… “đắp chiếu”. Vì ngay từ ban đầu, các trại này hình thành mà không có một mục đích rõ ràng trong việc sử dụng tác phẩm. Hoặc có ý muốn dùng tác phẩm vào việc này việc nọ nhưng lại vướng nhiều thứ, trong đó có việc ê-kip tổ chức trại không “thông nhau” với ê-kip sử dụng tác phẩm và đặc biệt là do… kinh phí lúc nào cũng “khó khăn”.

Hiện nay, gần như chỉ có trại điêu khắc quốc tế ở Huế nhân dịp các festival là được đưa vào sử dụng trang điểm cho công viên. Ấy nhưng, tác phẩm được “ra mắt” người dân rồi lại không được bảo quản chu đáo. Như công luận thời gian qua ít nhiều đã lên tiếng về việc viết vẽ bậy hay cưa lấy tượng đồng bán ve chai… khiến cho các tác phẩm ở Huế không còn đẹp như ban đầu.
 
“Gần như năm nào chúng ta cũng tổ chức các trại điêu khắc trong nước và quốc tế, nhưng đến nay các tác phẩm sáng tác từ các trại vẫn chưa được dùng vào việc gì, hoặc có dùng nhưng cách bảo quản rất kém” - Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn bức xúc.

Ở trên chỉ mới nói đến các trại do các đơn vị nhà nước đứng ra tổ chức. Còn các trại điêu khắc của các nhóm cá nhân cùng các triển lãm thì sao? Anh Phạm Minh Chiến, Trưởng nhóm điêu khắc trẻ Không gian mới, sau hơn một tháng triển lãm của nhóm này diễn ra tại khu du lịch Văn Thánh (TP.HCM), cho biết: Các tác phẩm vẫn còn nguyên, chưa bán được và cũng không biết sử dụng vào việc gì. Năm ngoái, triển lãm của nhóm này cũng diễn ra tình trạng như vậy… Có chăng là, các nhà điêu khắc quá yêu nghề nên mới tiếp tục sáng tác dù biết “cá nhân” hay “các trại” cũng “chẳng để làm gì”.
 
Xứ người, xong tác phẩm là dùng ngay

Nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh đã hai lần dự trại ở Hàn Quốc, anh nói: Tác phẩm mình làm xong là được đặt ngay vào vị trí triển lãm mà cũng là vị trí vĩnh viễn của bức tượng. “Sau khi hoàn thành tác phẩm trong một trại điêu khắc ở Hàn Quốc, các tác giả được mời đến một sân vận động mới xây dựng xong. Bên ngoài sân vận động đã đánh dấu các vị trí để đặt tượng, các tác giả tự thỏa thuận để chọn chỗ cho tác phẩm của mình. Hôm sau, BTC mang tác phẩm đến, trước sự chứng khiến của nhiều người, người ta đào vị trí để đặt tượng. Tôi rất ngạc nhiên, vì nhìn vào nơi đặt tượng của mình là một thảm cỏ xanh rì, nhưng khi gạt lớp cỏ đi là đã lòi ra ngay chân tượng bằng bê-tông. Thì ra, khi xây xựng sân vận động, người ta đã thiết kế cả các vị trí để đặt tượng nằm trong quy hoạch tổng thể rồi” - Hoàng Tường Minh kể.
 
Nhà điêu khắc Đặng Thị Khuê (Ảnh: Internet)

Ở một số nước phát triển, trong quy hoạch xây dựng các tòa nhà lớn hay các khu vực công cộng, người ta luôn bắt buộc chủ đầu tư phải dành một khoảng kinh phí nhất định cho mỹ thuật, trong đó có điêu khắc. Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, cho biết: “Ở Hàn Quốc, hầu hết các tòa cao ốc đều có một tác phẩm điêu khắc lớn đặt ở lối vào trung tâm tòa nhà. Tác phẩm ấy không chỉ làm cho tòa nhà đẹp hơn, mà nó còn trở thành biểu tượng của tòa nhà đó. Biểu tượng còn được in thành logo trên các giấy tờ, bao bì… trong các giao dịch. Nghĩa là người ta đã tính đến điêu khắc như một phần không thể thiếu trong xây dựng. Theo tôi biết, luật xây dựng Hàn Quốc cũng quy định cụ thể về việc này”.

Tuy nhiên, Bùi Hải Sơn cũng cho biết thêm, theo tìm hiểu của anh, nếu luật không quy định thì các nhà xây dựng Hàn vẫn mời điêu khắc vào công trình của mình.“Tôi nghĩ, với môi trường Hàn Quốc như hiện nay, điêu khắc luôn có đất sống. Luật quy định chẳng qua để khống chế một vài thành phần cá biệt mà thôi. Tôi mong rằng điêu khắc và xây dựng ở ta phải “bắt tay” nhau như thế” - anh Sơn đinh ninh như vậy.

Nếu so sánh cách làm của người với cách làm của ta, thì ra điêu khắc của ta thường “đi trước” và “nằm chờ” các công trình xây dựng hoặc nằm ngoài quy hoạch tổng thể các công trình. Thế nhưng, buồn thay, điêu khắc của ta “đi trước” nhưng luôn “về sau” hoặc đã “về rồi” nhưng vẫn nằm đâu đó bên ngoài, lạc nhịp với cảnh quan xung quanh mình.
 
Hoàng Nhân

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm