Sáp nhập hai “người khổng lồ” xuất bản: “Ngày tàn” của xuất bản sách giấy?

04/11/2012 06:16 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Kỷ nguyên của Amazon và sách điện tử khiến việc sáp nhập giữa hai nhà xuất bản sách giấy lừng danh thế giới, Penguin của Anh và Random House của Đức, là không thể tránh khỏi.

Nhà xuất bản mới, kết quả của “cuộc hôn nhân” này, có tên Penguin Random House và sẽ là nhà xuất bản lớn nhất thế giới, trị giá 2,4 tỷ bảng Anh.

Tranh vui về cuộc sáp nhập Penguin - Random House. Chim cánh cụt và ngôi nhà là logo của hai nhà xuất bản lừng danh này

Vụ sáp nhập lịch sử đầu tiên

Thông tin sáp nhập được công bố ngày 30/10, đây là sự kiện quan trọng nhất của ngành xuất bản sách giấy thế giới trong năm nay. Quá trình sáp nhập sẽ diễn ra từ nay cho đến nửa sau năm 2013.

Penguin Random House được Dame Gail Rebuck quảng bá sẽ là “trung tâm của đế chế văn học mới”, nơi sẽ quy tụ nhiều tên tuổi ăn khách hiện nay như EL James (tác giả tiểu thuyết khiêu dâm bán chạy nhất thế giới Fifty Shades Of Grey), Salman Rushdie, John le Carré, Dan Brown, Pippa Middleton hay Jamie Oliver.

Đây là nỗ lực phối hợp giữa các nhà xuất bản sách giấy nhằm giành lại quyền kiểm soát thị trường xuất bản từ Amazon và Apple, các nhà phân phối sách điện tử lớn nhất hiện nay. Các tập đoàn kỹ thuật số ngày càng chi phối thói quen đọc sách của độc giả và có quyền quyết định mức giá mà độc giả phải trả.

Tham vọng của Penguin Random House là góp phần làm chủ “luật chơi”, hạn chế bớt quyền lực của các “người khổng lồ” công nghệ.

Người Anh không vui

Trong hoàn cảnh đó, bản thân việc đàm phán sáp nhập không gây nhạc nhiên cho giới truyền thông. Thứ gây bất ngờ ở đây là tên của hai nhà xuất bản vừa sáp nhập.

Random House đang là nhà xuất bản lớn nhất ở Mỹ và Anh, xét về doanh thu thương mại, nhờ vào thành công của bộ tiểu thuyết người lớn Fifty Shades.

Penguin nhỏ hơn Random House ở cả hai thị trường nói trên, nhưng danh tiếng của thương hiệu lại lớn (biểu tượng con chim cánh cụt ngoài bìa sách luôn là một lời giới thiệu đầy uy tín). Cả hai đều được những tập đoàn truyền thông khổng lồ hậu thuẫn, với Random House là tập đoàn Bertelsmann (Đức), với Penguin là tập đoàn Pearson và tờ báo lớn Financial Times.

Trong trường hợp này, nhà báo Ian Jack nhận định trên Guardian: “Việc tập đoàn khổng lồ Bertelsmann của Đức lựa chọn Penguin trong số các nhà xuất bản lớn khác để sáp nhập với Random House chứng tỏ tình trạng nghèo nàn của nền xuất bản Anh”.

Sau khi sáp nhập, người Đức sẽ chiếm phần lớn quyền kiểm soát với nhà xuất bản mới. Penguin Random House sẽ trở thành một mối quan tâm chung của châu Âu hơn là tài sản riêng của nước Anh. Không cần nói cũng biết người Anh chẳng vui vẻ gì trước viễn cảnh chẳng còn xa mấy này.

Theo dự đoán, Penguin Random House sẽ chiếm 1/4 thị phần xuất bản sách giấy trên thế giới khi đi vào hoạt động.

Ian Jack viết, như một tiếng thở dài, trong bài báo trên Guardian: “Chủ nghĩa tư bản Anh luôn là một thứ gì đó đáng tiếc. Nếu trong Thế chiến II, chúng ta đã chiến đấu để bảo vệ nó, thì hình như đó là sự hy sinh vô nghĩa”. Ý của Jack là, những gì người Anh giành được qua chiến tranh, họ lại đánh mất vào thời bình. Rất nhiều nhà xuất bản lâu đời của Anh hiện nay rơi vào tay chủ sở hữu Đức, Pháp hoặc Mỹ.

Các NXB bị sáp nhập - xu thế tất yếu

Sự thất bại của Penguin, nhà xuất bản thành lập từ năm 1935, trong việc kinh doanh độc lập là không thể tránh khỏi, theo lời ông Jonny Geller, giám đốc điều hành của Công ty Văn học và nghệ thuật Curtis Brown, do “sự lớn mạnh của Amazon và việc suy giảm doanh số bán hàng sách giấy. Các nhà xuất bản phải tự tạo ra đòn bẩy cho việc kinh doanh bằng hình thức bán lẻ điện tử”.

Nhìn nhận kiểu gì thì sự kiện “thành lập” nhà xuất bản lớn nhất thế giới đều có vẻ là một tín hiệu đáng lo ngại hơn đáng mừng. Cây bút Philip Jones của tờ Guardian nhận định, nếu như cuộc sáp nhập này là do nhu cầu của bản thân nền văn chương và giới sáng tác thì rất đáng mừng. Nhưng ở đây lại không phải vậy, rõ ràng chủ thể tác động là những Amazon, Apple. Sự phát triển như vũ bão của sách điện tử khiến người làm sách giấy không thể ngồi yên. Và mặc dù có giá trị lớn như vậy (2,5 tỷ bảng) thì Penguin Random House vẫn là “người tí hon” nếu so với các công ty lớn như Amazon, Google hay Apple.

Và Penguin Random House sẽ không phải là trường hợp cá biệt. Có lời đồn trong vòng một thập kỷ tới, nhóm “Bộ 6” nhà xuất bản lớn của thế giới gồm: Penguin, Random House (đã sáp nhập), Hachette (Pháp), Macmillan (Anh), Simon & Schuster (Mỹ) và HarperCollins (Mỹ) đều sẽ sáp nhập xong xuôi. Từ 6 (mà hiện nay đã là 5), sẽ chỉ còn 2 hoặc 3 nhà xuất bản. Chưa diễn ra, nhưng những vụ sáp nhập tương lai này chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong ngành xuất bản sách giấy.

Hạ Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm