Sách 'Trần trụi bóng đá Việt': Chỉ có người hâm mộ là bất khuất

13/08/2017 12:18 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 12/8 tại Đường sách TP.HCM, đã diễn ra buổi giao lưu và ra mắt sách Trần trụi bóng đá Việt của 3 nhà báo Đặng Hoàng, Nguyễn Nguyên và Đinh Hiệp.

Buổi giao lưu còn có sự tham dự của nhiều CĐV bóng đá, ông Lê Bửu - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng, cựu trợ lý HLV ngôn ngữ các đội tuyển bóng đá VN Vũ Tiến Thành... Ba tác giả cùng các vị khách mời và người hâm mộ đã cùng nhau trao đổi thẳng thắn và sôi nổi về những sự thật trần trụi của bóng đá Việt, với mong muốn cùng nhau góp tiếng nói để tạo nên nền bóng đá sạch của Việt Nam.

Bóng đá Việt cần chất xám

Trần trụi bóng đá Việt gồm 8 chương, trong 7 chương đầu, các tác giả đã nỗ lực đi tìm những nguyên nhân khiến bóng đá Việt chậm tiến, với những sự thật đầy trần trụi được phơi bày. Ở đó, bạn đọc sẽ thấy đồng tiền đã phủ một cái bóng quá lớn lên bóng đá Việt. Tiền khiến các cầu thủ chấp nhận bán độ. Tiền khiến các trọng tài có thể “đổi trắng thay đen” kết quả của một trận đấu nào đó…

Chú thích ảnh
Sách 'Trần trụi bóng đá Việt' do Saigon Books và NXB Tổng hợp ấn hành

Tuy nhiên, bóng đá Việt cũng từng có những thời kỳ huy hoàng, như U15 với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay sự chuyên nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai. Những điều này so với những sự thật mà ba tác giã đã viết trong cuốn sách này, có gì mâu thuẫn không? Phải chăng, nhờ nỗ lực của VFF để tạo ra những thành quả như vậy?

Trước những thắc mắc này, nhà báo Nguyễn Nguyên, cho biết: “Thực chất, ánh sáng, tương lai giống như chúng ta đã nhìn thấy ở U15, chúng ta đã từng thấy ở những năm 2000, những năm mà chú Lê Bửu còn làm Tổng Cục trưởng. Năm đó, chúng ta thấy thế hệ của Văn Quyến từng đã tung lưới Trung Quốc 3-2 vào Vòng Chung kết giải U16 châu Á ở Đà Nẵng. So với mặt bằng đó, 5 năm sau, 10 năm, 20 năm sau chúng ta lại không qua được Thái Lan”.

Chú thích ảnh
Từ trái qua: 3 nhà báo Nguyễn Nguyên, Đinh Hiệp và Đặng Hoàng tại buổi ra mắt sách

Nhà báo Nguyễn Nguyên, nói thêm: “Đó là điều mà tôi cảm thấy nhiều người ấm ức và họ cảm thấy đau nhói. Là bởi mặt bằng khi các em được trồng xuống thì các em rất tốt, nhưng vì sao khi lên, các em cứ ngã dần, ngã dần? Tôi cho rằng, có thể do họ thiếu được chăm sóc, do môi trường. Nhưng điều đó người lớn cũng phải nhìn thấy được trách nhiệm của mình. Và Trần trụi bóng đá Việt cũng nói lên một phần từ điều ấy”.

Công Vinh và tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt

Công Vinh và tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt

Bóng đá ở ta đã mang danh chuyên nghiệp từ năm 2000. Vậy sau gần 20 năm khái niệm chuyên nghiệp ấy như thế nào, thể hiện ở đâu và ai là người thực hiện nó? Một chủ đề quá rộng mà phải nhiều bài báo mới có thể phân tích hết.

Đồng tình với nhà báo Nguyễn Nguyên, nhà báo Đinh Hiệp, chia sẻ: “Những thành quả chúng ta đạt được, không có những bước phát triển liên tục. Và khi nhìn lại nền bóng đá hiện nay thì chúng ta hầu như vắng bóng chất xám, chính là kho tư liệu của Liên đoàn để tất cả cùng dùng; hay những lần đội tuyển trẻ đi thi đấu về thì không có những đúc rút kinh nghiệm, cái nào sai cái nào đúng để khắc phục”.

Có ý kiến cho rằng, phải chăng do chúng ta không quy tụ được chất xám, hay chất xám của chúng ta không đủ “xám” để đưa bóng đá Việt Nam đi lên? Nhà báo Đặng Hoàng chủ biên Trần trụi bóng đá Việt nói: “Đất nước chúng ta không thể nói là thiếu chất xám được. Cái lý do chính ở đây là chúng ta không biết mời gọi, quy tụ”.

Vì một nền bóng đá sạch

Khi được hỏi về cuốn sách, cũng như về thực trạng của bóng đá Việt hiện nay, ông Dương Mạnh Hùng, người đã từng giành Chiếc còi vàng, cũng là nhân vật được nhắc đến trong sách, thẳng thắn: “Từ lúc làm cầu thủ, rồi trọng tài đến nay thì đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Cuốn sách các anh chỉ lột tả được một phần của bóng đá Việt. Từ cá nhân tôi thấy bóng đá Việt Nam có nhiều góc khuất, chỉ có người hâm mộ là bất khuất”.

Chú thích ảnh
Ông Lê Bửu - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chia sẻ tại buổi ra mắt sách “Trần trụi bóng đá Việt”

 Trần trụi bóng đá Việt được ra mắt trước thời điểm diễn ra SEA Games 29; đặc biệt, vào ngày 15/8 tới đây, đội tuyển nam sẽ đá với Đông Timor. Chính điều này khiến người hâm mộ thắc mắc rằng, đây có phải là một chiêu để đánh bóng tên tuổi hay không? Liệu cuốn sách ra mắt thời điểm này có ảnh hưởng đến tâm thế của đội bóng và tâm lý của cầu thủ hay không?

Chú thích ảnh
Cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng cho rằng, bóng đá Việt Nam có nhiều góc khuất, chỉ có người hâm mộ là bất khuất

Theo nhà báo Đinh Hiệp, cuốn sách này được ra đời, không phải vì chạy theo sự kiện trước hay sau SEA Games để làm cho cuốn sách bán chạy hơn. Sách tích lũy những cái tiêu cực như thế từ các năm trước cho đến năm nay thì chúng tôi nghĩ rằng mình phải làm một điều gì đấy để mọi người cùng góp tiếng nói vào, góp phần chấn hưng nền bóng đá Việt Nam.

Bằng việc mổ xẻ, giải mã những góc khuất của bóng đá Việt - như cách mà ông Dương Mạnh Hùng nói, cũng là cách mà ba tác giả đang nỗ lực muốn góp lên tiếng nói, công sức và tâm huyết của mình vì một nền bóng đá sạch. Không chỉ những người trong cuộc mà người hâm mộ họ cũng đòi hỏi một nền bóng đá sạch. Ai cũng có nhu cầu được sống trong môi trường sạch. Càng sạch thì bóng đá mới càng tiến bộ.

Hòa An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm