Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: 'Mang áo dài đến Mỹ vì hai chữ: Việt Nam'

30/07/2015 13:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa trở về từ chuyến lưu diễn nhân dịp phái đoàn ngoại giao do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ những suy nghĩ của mình.

“Chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sau 15 ngày lưu diễn với sự dịch chuyển liên tục từ bờ Đông đến bờ Tây nước Mỹ, rồi Canada. Tại mỗi nơi diễn, tất cả nghệ sĩ và những vị đại diện của Sở VH&TT TP.HCM đều nhiệt tình hòa nhịp vào ê-kíp sân khấu để bốc xếp, trang trí, điều chỉnh âm thanh ánh sáng, lắp ráp đạo cụ cho kịp chạy lại chương trình. Thăng hoa biểu diễn dưới ánh đèn rực rỡ, rồi lại cùng nhau dọn dẹp để di chuyển sang địa điểm mới. Chúng tôi đã có những kỷ niệm đẹp với nhau, thật hạnh phúc vì điều đó”, Sĩ Hoàng nói.


Nhà thiết kế Sĩ Hoàng

* Thưa anh Sĩ Hoàng, với kinh nghiệm đi quốc tế trình diễn nhiều lần, nhưng lần này là đi lưu diễn phục vụ chuyến công tác của đoàn cấp cao, cảm xúc của anh thế nào?

- Trước ngày lên đường chúng tôi đã có rất nhiều buổi tập luyện cho các chương trình với thời lượng khác nhau từ 30 đến 90 phút, do Tổng Đạo diễn - GĐ Nhà hát Ca múa nhạc Bông sen là NSND Đặng Hùng dàn dựng, cùng với sự phúc khảo từ các vị lãnh đạo ngành văn hóa từ Hà Nội vào.

Nhận thức tầm quan trọng của chuyến công tác, tất cả nghệ sĩ diễn gần như “xuất thần” trong từng tiết mục để phục vụ đối ngoại của phái đoàn lãnh đạo cao cấp Việt Nam với phía Mỹ và Canada, cùng kiều bào từ thành phố New York, San Francisco (Mỹ) đến Vancouver (Canada). Chúng tôi đã biểu diễn với cảm xúc thăng hoa, chỉ với một cái tên chung: Việt Nam.


Hình ảnh từ bộ sưu tập “Quốc hoa”. Ảnh: Quốc Huy. Sáng tạo: Vô Thường

* Là nhà thiết kế duy nhất tham gia chuyến lưu diễn, anh có chịu áp lực không?

- Khi đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt thì áp lực sẽ giảm nhiều, thay vào đó là một tinh thần thật phấn khởi, đầy năng lượng để buổi diễn được trọn vẹn. Tôi và các nghệ sĩ trong đoàn đã rất cảm động khi đón nhận biết bao tình cảm trân trọng qua những tràng pháo tay liên tục của quan chức và kiều bào.

Chương trình thường kết thúc bằng bài hát Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn, người xem đều hát theo và lên sân khấu chụp hình lưu niệm.

* Một ý bên lề, gần đây một số nhà thiết kế mang áo dài đi trình diễn quốc tế, nhưng chưa thể hiện được tinh thần văn hóa của trang phục, đặc biệt là không được lòng dư luận, anh suy nghĩ thế nào và có góp ý gì với các đồng nghiệp ấy?

- Một điều nhận thấy rõ là áo dài ngày càng trở thành hình ảnh quen thuộc với quốc tế. Hơn thế, áo dài còn được ví như một biểu tượng đẹp khi nhắc đến phụ nữ Việt Nam. Vì thế, sự cách điệu áo dài hơi quá đà cũng khó lòng được sự đón nhận, ngay cả với người nước ngoài.

Cho nên, không nhất thiết phải áp đặt sự chủ quan của nhà thiết kế lên áo dài, bởi vì việc nương vào truyền thống quan trọng hơn.

Hai bộ sưu tập áo dài Vương triều và Quốc hoa của Sĩ Hoàng được chọn vì có thể hòa quyện vào tổng thể chung của chương trình nghệ thuật nhằm tôn vinh nét tinh hoa văn hóa Việt, với thông điệp bản sắc - văn minh - hội nhập.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm