Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Với bảo tàng, 'xong' nghĩa là 'chết'!

21/02/2014 09:32 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khánh thành và hoạt động sau 12 năm xây dựng, chuẩn bị, bảo tàng Áo dài đầu tiên vẫn còn quá nhiều việc để chủ nhân của nó - họa sĩ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng phải làm. Anh cũng không ngần ngại thừa nhận, để đưa được bảo tàng có vốn đầu tư ít nhất Việt Nam (100 tỷ đồng) vào hoạt động, anh đã hết sạch tiền!

Gia nhập ngành kinh tế nhân văn

* Từ khi khánh thành đến nay, bảo tàng áo dài đón được bao nhiêu khách rồi thưa anh?

- Hiện bảo tàng đón được khoảng 40 khách/ngày và chủ yếu là khách Việt. Chỉ tiêu của tôi đặt ra là mỗi ngày đón được tối thiểu 200 khách. Nhưng bảo tàng mới khánh thành được hơn 2 tuần, mà nơi này thì xa trung tâm thành phố, đường đi lối lại chưa thật sự thuận lợi, phải dần dần mọi thứ mới được như mình mong muốn.

* Đặt bảo tàng trong một khu nhà vườn được thiết kế để sử dụng thêm nhiều chức năng khác, như sân khấu biểu diễn, cửa hàng sách, cửa hàng lưu niệm, khu ẩm thực… và bán vé vào cửa với giá cao nhất trong các loại vé vào bảo tàng ở Việt Nam hiện nay, anh đang làm một việc hiếm thấy, đó là kinh doanh từ bảo tàng.

- Phải nói ngay rằng, khái niệm bảo tàng ở Việt Nam trước đây vốn chỉ được hiểu là nơi mang tính nghiên cứu, học thuật rất cao và chỉ tồn tại được với sự bảo trợ của Nhà nước nên khó mà đi vào đời sống. Điều này không sai và cũng giống như nước ngoài, bởi bảo tàng vốn thuộc về giá trị thượng tầng kiến trúc nên nó phải được Nhà nước bảo trợ. Tuy nhiên, tùy vào quan niệm và cách điều hành của những người đứng đầu mà bảo tàng có thêm chức năng giải trí, có nhiều hoạt động đi kèm để tạo ra nguồn thu cho bảo tàng. Thực tế là các bảo tàng trên thế giới đều đang đi theo hướng đó. Khi xã hội phát triển, sự giao thoa văn hóa ngày càng cao thì nguy cơ mất bản sắc càng lớn. Bởi vậy vai trò của bảo tàng rất quan trọng. Nhưng nếu cứ giữ cách thức cũ thì bảo tàng sẽ không thể đi vào đời sống. Và muốn có sự thay đổi, phát triển, vận động thì buộc phải có hoạt động kinh doanh để tái tạo nguồn kinh phí nhằm duy trì tốt hoạt động của bảo tàng. Kinh doanh trong bảo tàng được gọi là ngành kinh tế nhân văn, tôi đang tham gia vào ngành kinh tế nhân văn đó.

* Nhưng 100.000 đồng/ khách là giá vé không dễ để những người có thu nhập thấp nghĩ đến việc vào bảo tàng, phải chăng đối tượng chính anh hướng đến là khách du lịch nước ngoài?

- Nếu so với bảo tàng kimono ở Nhật hay hanbook ở Hàn Quốc thì sẽ thấy giá vé này chẳng thấm tháp gì. Mua vé vào xem bảo tàng áo dài, khách không chỉ được chiêm ngắm những chiếc áo dài mang tính lịch sử mà còn có thể vẽ, chọn chiếc áo dài mình thích để mặc và chụp ảnh, xem các thợ may tạo ra chiếc áo dài… Ở các nước phát triển, ngày lễ, ngày nghỉ người ta xếp hàng vào bảo tàng. Họ coi bảo tàng là nơi giải trí cao cấp cho từ người già đến trẻ nhỏ. Nếu đã đến các bảo tàng ở nước ngoài, bạn sẽ không thấy lạ với hình ảnh trẻ con còn nằm trong nôi đã được cha mẹ cho vào bảo tàng. Đó là việc tạo thói quen từ nhỏ. Tôi nghĩ, những hoạt động mang tính giải trí đi kèm tại đây đủ sức để người ta không ngại vào xem bảo tàng, dần hình thành thói quen này và cũng phù hợp để tạo nguồn thu cho việc vận hành bảo tàng.

Mặt khác, trong các chuyến đi giao lưu văn hóa, tôi thấy người nước ngoài rất coi trọng áo dài. Tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể góp phần đưa tiếng nói của Việt Nam ra thế giới bằng chính văn hóa chứ không phải bằng thứ gì khác để họ nhìn mình bằng sự nể trọng. Tâm huyết của tôi khi lập ra bảo tàng này chính là để làm việc đó.

* Được biết bảo tàng áo dài nằm dưới sự quản lý của Sở VH,TT&DL TP.HCM, xin hỏi bảo tàng có được sự hỗ trợ về mặt tài chính từ Sở?

- Sở hỗ trợ về chủ trương, chính sách và thủ tục pháp lý để bảo tàng được nhanh chóng đưa vào hoạt động. Tôi chỉ mất 9 tháng để hoàn thành các thủ tục, như vậy là rất nhanh chóng với việc xin phép vận hành một bảo tàng.


Một góc Bảo tàng Áo dài. Ảnh: Việt Cường

Đứng trước nhiều câu hỏi khó

* Theo như thông tin từ báo chí thì bảo tàng áo dài hiện có khoảng 500 hiện vật, tuy nhiên nhìn những gì đang được trưng bày thì số lượng còn quá ít và chủ yếu là áo dài hiện đại. Tại sao những hiện vật mang tính lịch sử còn được trưng bày quá ít ở đây?

- Các hiện vật được trưng bày theo chủ đề, 3 tháng sẽ thay đổi một chủ đề. Hiện tại tôi có khoảng 500 hiện vật nhưng trong những chiếc áo quý mới chỉ dám trưng bày một chiếc áo Le Mur và chiếc áo gia bảo của gia đình bà Tôn Nữ Thị Ninh thôi. Có rất nhiều hiện vật quý tôi chưa thể đem ra trưng bày trong giai đoạn này vì vấn đề bảo quản. Những chiếc áo có từ lâu đời và trải qua nhiều thăng trầm cần được bảo quản bằng tủ chuyên biệt với giá mua không rẻ. Tôi cần thêm 10 tỷ đồng nữa mới có thể đầu tư tương đối hoàn thiện cho bảo tàng nhưng hiện giờ tôi đã hết sức rồi. Tôi cũng sẽ lập một thư viện mà tư liệu là những ghi chép của những người liên quan đến lịch sử của chiếc áo dài, đó là những câu chuyện có thật được kể đầy đủ để sao cho khách đến đây có được sự mường tượng đầy đủ nhất về lịch sử áo dài.

* Khó khăn của bảo tàng ngoài vấn đề kinh phí ra còn là gì?

- Là hiện vật, đó là khó khăn lớn nhất. Áo dài là trang phục có một lịch sử rất đặc biệt, trải qua rất nhiều thăng trầm theo biến cố của lịch sử đất nước. Có rất nhiều chiếc áo đẹp, mang giá trị lịch sử lớn nếu không bị chôn theo người đã khuất thì người sở hữu chúng cũng khó lòng chia sẻ bởi đó còn là những kỷ vật quý giá trong gia đình, dòng tộc. Tuy thế, thông tin lập bảo tàng áo dài lan rộng cũng giúp tôi liên lạc được với một số người có vai trò rất quan trọng với lịch sử áo dài, chẳng hạn như ông Nguyễn Trọng Hiến - con trai của ông Nguyễn Cát Tường, chủ tiệm áo dài Cát Tường - Le Mur ngày trước để xác tín lại những tư liệu lịch sử chân thực mà trước giờ còn chưa rõ ràng; hay con gái của ông Dung Đa Kao - người đầu tiên làm ra chiếc áo dài có tay raglant…

* Anh nghĩ sao về ý kiến cho rằng, bảo tàng áo dài có nhiều sự tiến bộ trong việc tổ chức, vận hành nhưng vấn đề căn bản, cốt lõi nhất của việc trưng bày áo dài thì còn thiếu sót. Thiếu sót đó nằm ở chỗ chưa chạm đến bản chất vẻ đẹp của áo dài. Nếu kimono của Nhật Bản hay hanbook của Hàn Quốc có vẻ đẹp tự thân như những tác phẩm nghệ thuật độc lập thì vẻ đẹp của áo dài Việt Nam là vẻ đẹp tổng hòa với cơ thể của người phụ nữ. Vì vậy, áo dài chỉ có giá trị khi nó được mặc trên người chứ nếu đem nó treo lên thanh gỗ ngang như bảo tàng áo dài đang làm là chưa tôn vinh được áo dài.

- Phải nói ngay rằng trưng bày áo dài trong bảo tàng khác hẳn với trưng bày áo dài trong boutique, showroom. Ở bảo tàng là trưng bày vẻ đẹp của bản thân chiếc áo dài. Mặt khác, khi tiến hành thực hiện việc trưng bày, cũng như làm mọi công đoạn khác cho bảo tàng, tôi làm việc với cả một hội đồng khoa học gồm lãnh đạo của các bảo tàng khác đang hoạt động chứ không phải một mình tôi làm theo sự chủ quan. Đương nhiên, sau này, tôi cũng sẽ làm những cái khuôn treo để những chiếc áo trưng bày có thể phô diễn hết vẻ đẹp. Làm bảo tàng thì không có khái niệm “xong”, nếu “xong” cũng có nghĩa là “chết”. Vì thế sẽ có những chỉnh sửa phù hợp.

Tôi còn nhận được những câu hỏi khó hơn thế, chẳng hạn nhìn chiếc áo Le Mur - chiếc áo quý nhất trong số những chiếc áo đang được trưng bày, có người còn hỏi tôi: “Bộ hết áo rồi hay sao mà đi treo áo rách ở đây”; hay có người còn bảo tôi “treo cổ áo dài”… Nói chung tôi cũng nghe được nhiều góp ý và đều tiếp nhận, nhưng đây là tâm huyết hơn 20 năm nên với mọi ý kiến khen chê tôi đều phải chọn lọc vì cái chung chứ không thể đẽo cày giữa đường. Vả lại, như đã nói, tuy là bảo tàng tư nhân nhưng đã là bảo tàng thì mọi hoạt động đều phải thông qua Hội đồng khoa học tư vấn chứ không thể tùy tiện.

Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm