Gần nửa thế kỷ bền bỉ sưu tầm tư liệu vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh

02/09/2016 10:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, có dịp đi qua quảng trường Ba Đình lịch sử, mỗi người dân có lẽ ai cũng có cảm giác bâng khuâng nhớ về mùa Thu xưa - mùa Thu độc lập đầu tiên của dân tộc với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chớm Thu nay, chúng tôi được gặp ông Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán Công sứ Việt Nam tại Đức, người dành gần nửa cuộc đời để sưu tầm, lưu giữ những hình ảnh, tư liệu về vị cha già kính yêu của cả dân tộc.


Ông Trần Ngọc Quyên trao tặng các tư liệu, hiện vật quý về Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh

47 năm bền bỉ sưu tầm

Trong căn phòng nhỏ ngập tràn những hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà riêng ở ngõ 463 phố Đội Cấn, ông Quyên tự hào giới thiệu những tấm ảnh được lồng kính trang trọng, những tuyển tập lưu trữ các bài báo viết về Người được sắp xếp, nâng niu như bảo vật.

Ông Quyên chia sẻ: Ngay từ năm 1969 khi Người qua đời, ông đã bắt đầu sưu tầm các bức ảnh và báo chí về Bác. Khi đó, lưu học sinh tại trường Đại học TU Dresden đã lập bàn thờ Bác để sinh viên và nhân dân địa phương đến viếng. Đảng ủy và Ban giám hiệu trường Đại học TU Dresden cũng tổ chức lễ tưởng niệm Bác.

Ảnh chụp 2 sự kiện này chính là những tư liệu đầu tiên của lưu học sinh Trần Ngọc Quyên về Bác. Cùng với việc chụp ảnh, ông cũng đã mua tất cả những tờ báo của Đức ngày đó chỉ với ý niệm lưu giữ làm kỷ niệm cho riêng mình. "Đó là cơ duyên đưa tôi đến với việc sưu tầm, lưu trữ các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách có hệ thống sau này”- ông Quyên tâm sự.

Kể từ đó, ông Quyên dành nhiều thời gian sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cả 4 mảng gồm tư liệu viết; tư liệu ảnh, phim tài liệu, phát thanh; tư liệu hiện vật và các hình thức vinh danh. Một mảng tư liệu khác đáng chú ý được ông Quyên thu thập là toàn bộ các văn thư trao đổi (điện, công hàm, thư từ…) giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam với Cộng hòa Dân chủ Đức từ năm 1950-1969.

Các tư liệu được sưu tầm trải dài từ năm 1927 đến nay, đặc biệt tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bút tích của Hồ Chí Minh tại nơi Người đến thăm.

Để có được những tư liệu phong phú về Bác, mấy chục năm qua, ông Quyên không ngại đi đến nhiều nơi trên khắp nước Đức như: Cục Lưu trữ chính trị và thư viện của Bộ ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức; Cục Lưu trữ các bang Berlin, Sachsen va thành phố Dresden; Quỹ Rosa - Luxemburg của Đảng Cánh tả, Trung tâm Thông tin - Báo chí của Quốc hội Cộng hòa liên bang Đức, Trung tâm Tư liệu ảnh của Thông tấn xã AND của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây…

Ông cũng gặp gỡ nhiều bạn bè, nhà báo lão thành, nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Đức hay lang thang trên các quảng trường, có mặt ở những khu chợ trời khi có thông tin về huy hiệu hoặc con tem có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong hành trình của mình, ông Quyên tìm ra nhiều điều thú vị về dấu ấn Bác Hồ tại Đức như: Có ít nhất 3 thành phố của Đức trước đây có đường Hồ Chí Minh, 6 trường học mang tên Hồ Chí Minh hay Trung đoàn huấn luyện của Bộ đội biên phòng ở Berlin cũng từng mang tên Hồ Chí Minh...

Khi đến tham quan Bảo tàng quốc gia Đức ở thành phố Nuernberg, ông Quyên rất xúc động khi phát hiện ra tên đường Hồ Chí Minh xuất hiện trong bức tranh dạng phù điêu cực lớn trên bức tường chính diện ở sảnh bảo tàng này.


Nhiều tư liệu quý về Bác đang được ông Trần Ngọc Quyên lưu giữ

Đôi mắt ẩn sau cặp kính trắng của ông Quyên luôn sáng lên khi nói đến tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông kể rằng: Đức là nước duy nhất có Huy chương Hồ Chí Minh phát hành năm 1980 theo Quyết định của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Người (1890-1980).

Ông cũng may mắt sưu tầm được 3 Huy chương quý giá này. Ủy ban Đoàn kết của Cộng hòa Dân chủ Đức còn phát hành một số Huy hiệu Hồ Chí Minh hình tròn với kích cỡ và màu sắc khác nhau nhưng đều có dòng chữ “Đoàn kết” in trên vành tròn bằng 3 thứ tiếng: Việt, Đức và Nga.

Cùng với việc tìm kiếm, lưu giữ tư liệu về Hồ Chủ tịch, ông Quyên còn sưu tầm tư liệu về cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta, đoàn kết Việt Nam, quan hệ Đảng, Nhà nước giữa Việt Nam và Đức…

Trong kho tư liệu đa dạng ông sưu tầm được, có lẽ ấn tượng nhất là gần 20 đầu sách tiếng Đức về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có những cuốn rất quý như “Cuộc khởi nghĩa vũ trang” do Quốc tế Cộng sản xuất bản lần đầu năm 1928, tái bản năm 1971 (có một chương do Nguyễn Ái Quốc viết), hay bài viết “Kết quả của chính sách thuộc địa của Pháp” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên ấn phẩm tiếng Đức xuất bản tại Vienna “Thư tín quốc tế” của Quốc tế Cộng sản số 20 ngày 17/5/1924 xuất bản bằng tiếng Đức.

Cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, người thân, ông Quyên đã viết và dịch nhiều bài báo, bài thơ tiếng Đức đăng trên các báo, trong đó có bài thơ “Hồ Chí Minh”. Đây là bài thơ tiếng Đức đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (1956) của nhà thơ nổi tiếng Cộng hòa Dân chủ Đức Ernst Schumacher đăng trên tuần Báo Văn nghệ và Báo Đại biểu nhân dân.

Ông cũng hoàn thành cuốn tiểu luận “Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh với nước Đức”. Cuốn sách được đánh giá là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên một cách có hệ thống về quan hệ của Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh với nước Đức từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX.

Lan tỏa giá trị

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Quyên vẫn miệt mài tìm kiếm hình ảnh, thông tin về Bác Hồ để làm giàu hơn kho tư liệu của mình.

Sau khi nghỉ hưu (năm 2004), ông đã 4 lần trở lại Đức để tiếp tục công việc sưu tầm. Khi công nghệ thông tin phát triển, dù mắt đã bắt đầu mờ, chân đã không còn nhanh nhẹn như xưa nhưng ông vẫn nỗ lực để sử dụng những phương tiện hiện đại cập nhật thông tin, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được số hóa ở khắp nơi trên thế giới.

Cần mẫn, chỉn chu là vậy, song ông Quyên không bao giờ giữ lại những tư liệu cho riêng mình. Bộ sưu tập gốc đồ sộ của ông chủ yếu được dành tặng cho các bảo tàng, khu lưu niệm để phục vụ hoạt động trưng bày, nghiên cứu.

Hiện ông đã sắp xếp được 11 cặp tài liệu và rất nhiều hiện vật. Ông có ý định tặng cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam 10-11 tập tài liệu và gần 100 ảnh. Việc trao tặng này dự kiến diễn ra vào tháng 9/2016.

Trong số những bảo vật mà ông lao tâm tìm kiếm ấy, ông đã dành tặng cho các cơ quan, tổ chức như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà truyền thống Bộ Ngoại giao, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu lưu niệm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Khu chứng tích chiến tranh Sơn Mỹ… để giá trị của hiện vật được lan tỏa.

Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi ông Trần Ngọc Quyên dành tặng tư liệu lâu dài và nhiều lần nhất. Từ năm 1989 đến nay, ông đã 7 lần tặng tư liệu cho Bảo tàng này. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 71 năm Quốc khánh 2/9 năm nay, ông tiếp tục trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều tư liệu tổng hợp mới, phong phú nhất đã được ông dành nhiều tâm huyết thu thập, lưu giữ suốt gần nửa thế kỷ qua. Trong số này có bản sao 50 ảnh; 92 trang tư liệu; 5 cuốn sách bằng tiếng Đức và Bulgaria.

Với ông đây là đợt tặng tư liệu tổng hợp mới nhất và phong phú nhất về Bác Hồ nhưng không có nghĩa là ông ngừng sưu tập tư liệu hiện vật về Người.

Quyền Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thúy Đức cho rằng: Những hiện vật mà Bảo tàng tiếp nhận đợt Quốc khánh 2/9, trong đó có hiện vật của ông Quyên trao tặng, đều là những tặng vật quý, thể hiện tình cảm, tấm lòng của nhân dân với Bác Hồ cũng như tình cảm của Bác với nhân dân.

Những tài liệu, hiện vật này đã góp phần làm rõ nét hơn hoạt động đối ngoại nhân dân, đối ngoại cấp Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ nước ta tiến hành công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Xác định mỗi hiện vật là một tấm lòng của người dân với Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh đều có kế hoạch nghiên cứu, phân loại để bảo quản thích hợp; sau đó phân bổ vào các bộ sưu tập để trưng bày, giới thiệu tới công chúng trong thời gian sớm nhất.

Suốt nửa thế kỷ âm thầm tìm kiếm, lưu giữ hình ảnh, tư liệu về Bác, điều mà ông Quyên cho là khó khăn nhất chính là ông có quá ít thời gian tới các cơ quan lưu trữ tổng hợp tư liệu một cách đầy đủ, hệ thống.

Thời gian tới, ông sẽ hợp tác với Bảo tàng Hồ Chí Minh, khai thác những câu chuyện sinh động, lý thú qua từng tư liệu, hiện vật… để công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TTXVN/Mỹ Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm