Vấn đề "tam nông" trong xã hội hiện đại (Kỳ 2)

08/08/2008 16:16 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Không phải ngẫu nhiên, ba hằng số này (theo cách nói của một số nhà hoạch định chiến lược hôm nay là “tam nông”, đang đặt ra những vấn đề nóng bức nhất về văn hóa và phát triển của xã hội hiện đại.

1. Tỉ lệ 70% dân số là nông dân, trong xã hội Việt hiện đại đang ở thập kỉ đầu của thế kỉ 21, vẫn là một tỉ lệ cao. Và do đó, số phận của nông dân và những vấn đề của họ vẫn đang là bài toán văn hóa lớn nhất phải giải quyết của xã hội Việt hiện đại trong suốt thế kỉ XX và càng trở nên cấp thiết đầu thế kỉ XXI.
 
Người nông dân Việt Nam trong xã hội hiện đại

Trong cơn lốc đô thị hóa hôm nay, rất nhiều nông dân đã từ bỏ, cả tự nguyện lẫn không tự nguyện, đất ruộng của mình, để chuyển thành người lao động làm nghề khác, chứ không còn “hai sương một nắng”, “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” như hình ảnh truyền thống trên cánh đồng xưa cũ. Và ngay cả khi họ vẫn là nông dân làm nghề nông, thì hình ảnh trên đã căn bản lùi vào dĩ vãng; họ cũng không hành nghề theo cách truyền thống, mà đã thay đổi tư duy và phương pháp làm ruộng tiên tiến. Không tình cờ mà Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới.

Tuy nhiên, với cả hai nhân vật: nông dân đã chuyển nghề và nông dân trung thành với đồng ruộng, thì vấn đề hành nghề của họ, văn hóa nghề của họ, vẫn gặp rất nhiều thách thức trên đường phát triển.

2. Cố GS Trần Quốc Vượng trong Cơ sở văn hóa Việt Nam, từng viết, cho dù trong lịch sử, văn hóa Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ các nền văn hóa bên ngoài, đặc biệt sâu đậm là từ Trung Hoa và Pháp, thì cử chỉ nổi bật về ứng xử văn hóa của người Việt đối với các ảnh hưởng ngoại sinh ấy, vẫn là “Việt Nam hóa”, mà GS Trần đã mượn chữ của một nhà nghiên cứu phương Tây, gọi đó là cử chỉ “không chối từ” (J.Fray). Ông đã gọi tên vài “hằng số văn hóa Việt Nam”, do xuất phát từ sự “không chối từ” này mà đã tích hợp cho chính mình nhiều tiến bộ, đó là: Cởi mở trong việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài, tiếp thu tinh hoa của mọi nền văn hóa làm giàu cho văn hóa của mình, đó là một hằng số của văn hóa Việt Nam. Nói cách khác, đặc điểm hằng xuyên của Việt Nam là sự không chối từ về văn hóa. Diễn trình lịch sử của văn hóa Việt Nam chứng kiến những nền văn hóa đi qua nhưng những thành tựu văn hóa thì vẫn tồn tại, đã nổi lên quá trình giải thể và đan xen văn hóa Việt-Hán, giải thể và đan xen văn hóa Việt-Pháp, giải thể và đan xen văn hóa Việt-Mỹ vv…, rõ ràng, diễn trình ấy có giải thể, có đan xen, có hấp thụ và cũng có hội nhập (…). Như vậy là truyền thống, sự đan xen văn hóa, sự đổi mới là ba nhân tố khác nhau, đối lập nhau nhưng lại nối tiếp, xoắn xuýt vào nhau để khiến nảy sinh, phát triển nền văn hóa Việt Nam.
 
Những hình ảnh như thế này ngày càng ít đi trên cánh đồng Việt
 
Nhìn ở phương diện xã hội, nông dân, nông nghiệp lúa nước và xóm làng là ba nhân tố cơ bản của nền văn minh thôn dã Việt Nam. Diễn trình lịch sử của văn hóa Việt Nam đi qua thời gian, trong không gian là trên cơ sở 3 ba nhân tố cơ bản này.

Theo đó, nếu người Việt hôm nay xác định văn hóa đúng là “nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển” xã hội Việt hiện đại, và muốn rút kinh nghiệm phát triển văn hóa của một loạt nước trên thế giới, thì buộc phải “nhận thức lại vai trò của văn hóa” trong sự phát triển và tăng trưởng của chính mình. Từ đó, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, tương lai văn hóa Việt nằm trong sự hoạch định và phát triển của đường lối đổi mới ở Việt Nam, là biết nắm lấy cơ chế kinh tế thị trường làm điều kiện và phương tiện cho sự phát triển mới ở Việt Nam. Từ góc nhìn văn hóa học, cơ chế này, trong thực tiễn đã đem lại cả mặt tích cực và tiêu cực cho sự phát triển. Một mặt là thành quả to lớn và triển vọng cho phát triển kinh tế, mặt khác, có nhiều hiện tượng tiêu cực, mang tính thách thức cho sự phát triển văn hóa mà văn hóa nghề đang là một vấn đề đặt ra rất lớn cho người lao động hôm nay. Không thể không thấy rằng cốt lõi của văn hóa nghề cho người lao động (về căn bản vẫn là người nông dân) chính là tính chuyên nghiệp cao phải đạt đến trong các loại hình nghề nghiệp mà người lao động đã lựa chọn.

3. Có lẽ 3 hằng số “Nông dân-Nông nghiệp-Nông thôn” đã thành vấn đề văn hóa bức xúc nhất trong sự phát triển xã hội Việt hiện đại TK XXI, nên Hội Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, phối hợp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Tây Ban Nha (AECI), tổ chức hai cuộc hội thảo: ở Hà Nội, ngày 28.7, và ở TP HCM (trung tuần tháng 8.2008), nhan đề “Hội thảo về Văn hóa nghề ở Việt Nam.”

Hội thảo hiện diện Phó Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Doan, cùng điều hành với bà Nguyễn Thị Hằng, chủ tịch Hội dạy nghề VN, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, và GS.TS Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý học. Một nhóm tác giả là nhà nghiên cứu, và hiệu trưởng của các trường dạy nghề lớn nhất ở Việt Nam đã tham dự, tham luận, xung quanh chủ đề “văn hóa nghề” của hội thảo và sôi nổi luận bàn: Có hay không “Văn hóa nghề” ở Việt Nam? Qua tham luận, tranh luận, đều khẳng định: Việt Nam đang có vấn đề về văn hóa nghề của người lao động chủ chốt: người nông dân.

PGS – TS Nguyễn Thị Minh Thái

Đón đọc Kỳ 3: Nâng cấp “thương hiệu người lao động Việt”

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm