10 'ấn tượng' của V-League 2014

11/08/2014 12:54 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) -V-League 2014 đã kết thúc với chức vô địch của B.Bình Dương, Hà Nội.T&T, Thanh Hóa cũng nằm trong tốp 3. Một mùa giải đầy biến động của bóng đá Việt Nam được nhìn lại dưới góc độ của Thể thao & Văn hóa cuối tuần.

1. K. Kiên Giang tiên phong… bỏ cuộc chơi

Được "cứu" ở mùa giải 2013 khi XMXT.Sài Gòn bỏ cuộc, nhưng K. Kiên Giang vẫn chẳng đủ sức để tham dự V-League 2014. Và lần đầu tiên trong lịch sử sân chơi số 1 quốc gia kể từ ngày khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp, V-League đá với con số lẻ... 13 đội!

"Thật may" là sau khi XM.Vissai Ninh Bình cũng bỏ giải nốt sau vụ bán độ ở AFC Cup, V-League 2014 mới tròn con số 12. Nhưng có lẽ chẳng ở đâu như bóng đá Việt, giải quốc gia mà chả khác... cái chợ, các đội tùy thích đến, đi.

2. Trưởng BTC ngoại

Ngày 18/2/2014, VPF đã chính thức ký hợp đồng với chuyên gia Tanaka Koji đến từ Nhật Bản và đặt ông vào vị trí trưởng BTC V-League 2014, vị trưởng BTC ngoại đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam với không ít kỳ vọng.

Tới thời điểm này, vai trò của ông Tanaka Koji  tương đối mờ nhạt. Trong các vấn đề liên quan đến công tác điều hành giải đấu, dấu ấn của Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn và nhất là Giám đốc điều hành V-League Trần Duy Ly lại rõ ràng hơn rất nhiều.

3. Trọng tài ngoại

Trong nhiều mùa giải trước, mơ ước không chỉ của BTC mà của nhiều đội bóng là mời được trọng tài ngoại điều hành các trận đấu nhạy cảm, đặc biệt là vào giai đoạn cuối mùa vốn khó lường. Tuy nhiên, kinh phí và cả những vấn đề tế nhị khác, khiến điều này không thành hiện thực.

Phải đến mùa giải 2014 này, những “ông vua” ngoại mới xuất hiện trên sân cỏ nội ở những vòng đấu cuối. Thế nhưng, cũng giống ông trưởng BTC ngoại, các trọng tài Nhật Bản cũng không để lại dấu ấn gì nhiều nếu so với đồng nghiệp trong nước.

4. V-League "đối đầu" World Cup

Lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức, V-League không hoãn lại trong thời gian diễn ra các giải bóng đá quốc tế lớn mà chấp nhận đối đầu. Trong thời gian diễn ra World Cup, trái bóng V-League vẫn lăn mà theo lập luận từ các nhà tổ chức là vì đội tuyển của chúng ta... đâu có đá World Cup! và cũng là biện pháp kích cầu để người hâm mộ đến sân khi đang thưởng lãm thứ bóng đá đỉnh cao (!).

Vào đúng thời gian đó diễn ra vụ loạn đả ở Lạch Tray khiến bóng đá Việt càng thêm xấu xí.

5. Bạo lực sân cỏ

Là vết ố đã cũ, nhưng bạo lực ở V-League mùa này còn trở nên kinh hoàng hơn với đủ thứ biến thái. Trên sân cỏ, cú đạp gãy chân đồng nghiệp Nguyễn Anh Hùng (Hùng Vương An Giang) của hậu vệ Trần Đình Đồng (Sông Lam Nghệ An) đã vượt khỏi phạm trù bóng đá để trở thành vấn đề đạo đức. Tương tự là cú đạp thẳng cánh kiểu kungfu của Đinh Văn Ta (Ninh Bình) khiến  Danny David gãy xương sườn...

Bạo lực từ sân cỏ còn lan ra với vụ hành hung trọng tài trên sân An Giang; HLV Mai Đức Chung (Thanh Hóa) bị tố... tẩn cả cổ động viên; hay chuyện cổ động viên quây đội bóng, trọng tài... cũng không còn là hiếm.

6. Cầu thủ bán độ, CLB XM. Vissai Ninh Bình bỏ giải

Sau khi 9 cầu thủ bị khởi tố vì tội danh đánh bạc và tổ chức đánh bạc trong trận đấu gặp Kelantan tại AFC Cup, lãnh đạo CLB Vissai Ninh Bình đã quyết định xin rút lui, không tiếp tục tham dự V-League 2014.

Với việc đội bóng của bầu Trường rút lui, lịch thi đấu, bảng xếp hạng đã có nhiều xáo trộn và điều lệ giải cũng phải thay đổi.Theo đó, đội đứng thứ 12 chung cuộc (HV.An Giang) thay vì phải xuống hạng trực tiếp thì vẫn có cơ hội trụ lại V-League thông qua trận đấu play-off với đội đứng thứ 3 giải hạng Nhất quốc gia (XSKT.Cần Thơ).

7. Dàn xếp tỷ số.. tập thể!

Ninh Bình không phải là trường hợp duy nhất bị điều tra vì cầu thủ cá độ và dàn xếp tỷ số. Ngày 20/7, sau khi kết thúc trận Than Quảng Ninh - Đồng Nai ở vòng 21 V-League, C45 triệu tập, tạm giữ hình sự, khám xét khẩn cấp nơi ở của 7 cầu thủ thuộc đội Đồng Nai và đội ĐT.Long An về hành vi “tổ chức đánh bạc”, “đánh bạc”.

Vụ dàn xếp tỷ số tập thể nghiêm trọng này cũng như vụ Ninh Bình mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm như chính Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng thừa nhận. Ông Dũng còn cho biết, có nhiều đội bóng khác cũng... bán như Đồng Nai!

8. B. Bình Dương lập kỷ lục 3 lần vô địch V-League

Vượt qua Hà Nội.T&T ở cuộc đua nghẹt thở, B.Bình Dương đã vô địch V-League sớm một vòng đấu đồng thời xác lập kỷ lục của bóng đá nội khi trở thành đội bóng đầu tiên 3 lần vô địch V-League.

Giàu cả tiềm lực tài chính lẫn lực lượng, khi cùng nhìn về một hướng, B. Bình Dương không có đối thủ tại giải quốc nội. Ngoài ra, đội bóng này lại được dẫn dắt bởi 1 chiến lược gia lão luyện, ông Lê Thụy Hải. Dù chỉ đăng ký với chức danh Giám đốc kỹ thuật nhưng với việc cùng B. Bình Dương đăng quang tại V-League 2014, HLV Lê Thụy Hải trở thành kỷ lục gia của bóng đá Việt Nam -  3 lần vô địch đều cùng với B.Bình Dương (2007, 2008 và 2014), góp mặt nhiều mùa liên tiếp nhất ở V-League, dẫn dắt 8 CLB trong 14 mùa giải liên tiếp và cũng là HLV nhiều tuổi nhất ở V-League 2014, 68 tuổi (sinh năm 1946).

9. Dấu ấn CĐV

Trong cả bức tranh tối màu của V-League 2014 bởi tiêu cực và bạo lực, bên cạnh chức vô địch xứng đáng của B. Bình Dương thì CĐV SLNA và Than Quảng Ninh là điểm sáng đáng ghi nhận.

Dù là sân nhà hay sân khách, các CĐV này là người thổi bùng lên tình yêu và biến bóng đá thành ngày hội thực sự. Quan trọng hơn, thông qua các CĐV, bóng đá chuyên nghiệp đang tìm thấy con đường đi của mình sau một thời gian dài chìm trong chuyện tiền bạc. Đó là con đường trở lại với giá trị thực của bóng đá.

10. Bàn thắng 100 của Lê Công Vinh

Dù được ghi trên chấm 11m trong trận SLNA tiếp Hải Phòng, nhưng cũng là đủ để chân sút số 1 Việt Nam đặt dấu ấn kỷ lục - Hoàn thành cột mốc 100 bàn thắng tại V-League kể từ khi tham dự giải đấu này vào năm 2004.

Đã có thêm những bàn thắng mới và giữ được cái giá hơn 6 tỷ đồng trước mùa giải mới, Công Vinh vẫn là một tượng đài khó xô đổ của bóng đá Việt.

V.M-Hàn Đan
Thể thao&Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm