Ông Falko Goetz bội thu

08/10/2011 11:07 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Thất bại 0-1 trước một đối thủ đứng trên 115 bậc trên bảng xếp hạng mới nhất của FIFA (tháng 9/2011) chắc chắn ông HLV người Đức phải hài lòng. Nhưng, có lẽ điều mà ông Falko Goetz hài lòng nhất là ĐT Việt Nam đã vỡ ra nhiều vấn đề trước đó ông không dễ nhận ra.

1. Chúng ta hẳn còn nhớ Asian Cup 2007, trước cuộc chạm trán với ĐT Nhật Bản tại Mỹ Đình, một nguồn cảm hứng rất lớn. Hay nói cách khác,  khán giả cả nước nuôi một “âm mưu” sẽ lật đổ người Nhật. Sự lạc quan đó căn cứ vào việc thầy trò HLV Alfred Riedl đã thi đấu tưng bừng, có chiến thắng 2-0 trước UAE và cầm hòa đối thủ khó chơi Qatar (1-1) ở 2 lượt trận đầu vòng bảng.

Sự lạc quan đó nhanh chóng bị dội một gáo nước, khi thầy trò HLV Riedl để thua tả tơi 1-4, dù Nhật Bản bất ngờ bị thủng lưới ngay ở phút thứ 5 sau một pha đốt lưới nhà của hậu vệ Keita Suzuki.

Nói thế để thấy rằng, đẳng cấp của Nhật Bản quá cao so với chúng ta, họ không cho chúng ta có một cơ hội gây bất ngờ, dù đã có bàn thắng từ sớm như thế.


HLV Falko Goetz và các học trò đã có được bài học bổ ích từ một đối thủ cực mạnh như Nhật Bản. Ảnh: AP

Lâu nay mọi người hay nói bóng đá Việt Nam thường có duyên với các đội bóng Tây Á. Điều đó có cơ sở, bắt đầu từ chính Asian Cup 2007 và vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008. Mới đây thôi, thì chính thầy trò Goetz đã đả bại Qatar 2-1 ở lượt về, góp phần khiến HLV trưởng Qatar bị sa thải. Xem lại 2 bàn thắng của Trọng Hoàng và Quang Hải, xâu chuỗi những cuộc đối đầu trước đó với các đại biểu Tây Á, không khó nhận ra hạn chế của họ: khả năng xoay sở trong phạm vi hẹp, nhất là hàng thủ. Do đó, ĐT Việt Nam thi triển được bài phản công nhanh, tận dụng được sự lóng ngóng của hàng thủ cao to để ghi bàn thắng bất ngờ.

2. Hôm qua, đá với Nhật Bản chúng ta đã bị đối thủ bóp nghẹt hoàn toàn bởi đẳng cấp vượt trôi, khả năng kiểm soát-tranh chấp bóng bậc thầy. Chúng ta có quá ít khoảng trống và cơ hội để chơi phản công, trước một sức ép quá lớn về phía khung thành Tấn Trường. Nếu đó không phải là một trận giao hữu, thì không quá khó để họ làm vỡ vụn đối thủ ngay ở hiệp đấu thứ nhất.

Đơn giản vì tâm lý quá tự ti của các cầu thủ đội khách đã đánh mất năng lực chơi bóng vốn có. Chúng ta rất dễ cảm nhận cầu thủ sợ khi bóng đến chân mình. Có bóng thì phản xạ trì trệ để rồi chuyền như kiểu cho xong nhiệm vụ.

Chỉ trong một trận đấu đó, cầu thủ mới thể hiện rõ nét trình độ, bản lĩnh và năng lực thích nghi trận đấu của các cầu thủ.

Không khó chấm điểm những cầu thủ thể hiện phẩm chất của mình,: đấy là Tấn Trường, Phước Tứ, Quang Thanh, Trọng Hoàng và Tấn Tài. Tấn Tài đã có pha qua người đầy tự tin, trước khi tạt bóng vào cho Công Vinh đánh đầu nguy hiểm. Trọng Hoàng suýt lập công, với tình huống cướp bóng trong chân hậu vệ đối phương trước khi tung cú sút đầy uy lực. 2 tình huống đó xảy ra đầu hiệp 2, khi Nhật Bản chưa kịp tập trung cao nhất và có phần chủ quan sau khi đã hoàn toàn làm chủ thế trận ở 45 phút đầu. Chúng ta hạn chế thủng lưới thêm, chủ yếu bằng tinh thần quả cảm, vốn là thế mạnh hơn là kỹ năng chơi bóng đã đạt tầm cao hơn so với năm 2008, khi vô địch AFF Suzuki Cup.

Lâu lắm rồi chúng ta mới gặp ĐT Nhật Bản, cũng lâu rồi VFF mới thực sự cầu thị học theo cách làm bóng đá của đất nước hoa Anh đào. Thực ra, bóng đá Nhật phát triển vì họ kiên  trì đeo đuổi một hướng đi, một trường phái-lấy Brazil làm kim chỉ nam vì phù hợp với thể trạng, tố chất của người Nhật.

Còn chúng ta, đủ thứ trường phái và chưa thực sự xây dựng cho mình một lối chơi hiệu quả nhất vì quá nhiều ông thầy ngoại đến rồi đi. Từ ngày ngồi ghế thuyền trưởng, chắc chắn đấu với Nhật Bản hôm qua mới làm HLV Goetz hạnh phúc.

Vì ông đã thấy rõ hơn trong tay mình đang có gì và cần nhào nặn thứ bột đang sở hữu theo hướng nào.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm