5 ứng viên cho chức HLV trưởng ĐTVN: Có phải là lựa chọn an toàn ?!

18/03/2011 12:30 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Cách đây 3 năm, VFF đã tổ chức cuộc tuyển chọn HLV trưởng cho ĐTVN một cách rầm rộ, để rồi người giành chiến thắng chung cuộc (HLV Henrique Calisto) không phải là một gương mặt nằm trong danh sách 5 ứng viên sáng giá nhất (Francisco Maturana Garcia-Colombia, Branko Ivankovic-Croatia, Hans Juergen Gede-Đức, Zoran Vulic-Croatia và Dragoslav Stepanovic-Serbia), và ông Calisto cũng không phải là người được Hội đồng HLV QG ưu tiên tiến cử, bởi khi ấy Hội đồng HLV QG có phần nghiêng về ứng viên Peter Withe, còn HLV Calisto do đích thân chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đứng ra lựa chọn.

Tuy nhiên, kịch bản này ít có khả năng lặp lại ở lần tuyển chọn năm nay, bởi sau sự ra đi của HLV Calisto, bóng đá VN không còn ông thầy ngoại nào am hiểu cặn kẽ sân cỏ VN tới mức được coi như một HLV nội, lý do mà VFF đã đưa ra để giải thích cho việc vì sao năm 2008 HLV Calisto tuy không hề có tên trong danh sách đề cử nhưng cuối cùng lại được bổ nhiệm làm HLV trưởng ĐTVN.

Trong số 5 ứng viên được Hội đồng HLV QG tiến cử với VFF ở buổi làm việc ngày 16/3 vừa qua, bao gồm các HLV Hans Juergen Gede, Franz Goetz (quốc tịch Đức), Pierre Lechantre (quốc tịch Pháp), Eduardo Martinho Viganda (quốc tịch Bồ Đào Nha), Steve Sampson (quốc tịch Mỹ), 2 cái tên Lechantre và Sampson sở hữu bản lý lịch hoành tráng nhất, nhưng cũng tạo ra sự quan ngại lớn nhất về yêu sách tài chính.

Xu hướng của VFF là muốn tuyển về một ông thầy ngoại có khả năng iếp nối những gì mà HLV Calisto đã xây dựng được cho ĐTVN và ĐT U23 VN trong hơn 2 năm qua

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi 2 HLV người Đức Hans Juergen Gede và Franz Goetz bỗng nhiên trở thành 2 ứng viên sáng giá nhất. HLV Gede có lợi thế là từng lọt vào “vòng chung kết 5 ứng viên” cách đây 3 năm và có quan hệ khá tốt với VFF, còn HLV Goetz lại gây ấn tượng với Hội đồng HLV QG với ý tưởng về một bản kế hoạch chuyên môn được nhận xét là “rất giá trị”.

Trong hơn 20 năm qua, bóng đá VN đã trải qua 12 nhiệm kỳ thầy ngoại với tổng cộng 8 HLV nước ngoài, nhưng chưa có HLV nào xây dựng một bản kế hoạch phát triển dài hạn và nghiêm túc cho bóng đá VN. Bởi thế, ý tưởng của HLV Goetz mới nhận được sự tín nhiệm và sự ủng hộ khá cao từ phía Hội đồng HLV QG.

Ở lần tuyển chọn này, VFF đã nhận được hồ sơ của rất nhiều ứng viên người Anh như David Booth, Peter Reid, Peter Taylor (quyền HLV trưởng ĐT Anh năm 2001) và cả Peter Withe vào giờ chót, nhưng trong buổi làm việc ngày 16/3 vừa qua, không ứng viên Anh quốc nào lọt qua vòng loại của Hội đồng HLV QG, bởi đa số các ý kiến đều nhận xét bóng đá VN không phù hợp với triết lý của các HLV người Anh.

Dù không công khai nói ra, nhưng qua bản danh sách 5 ứng viên rút gọn do VFF và Hội đồng HLV QG lựa chọn, có thể thấy xu hướng của VFF là muốn tuyển về một ông thầy ngoại có khả năng tiếp nối những gì mà HLV Calisto đã xây dựng được cho ĐTVN và ĐT U23 VN trong hơn 2 năm qua. Xét theo tiêu chí này, cả 4 ứng viên Gede, Goetz, Viganda và Lechantre đều có thể đáp ứng được yêu cầu của VFF, còn HLV Sampson sở dĩ có mặt ở danh sách “top 5” này đơn giản là bởi lý lịch của ông quá ấn tượng.

Tuy nhiên, Hội đồng HLV QG chỉ tiến hành thẩm định và giới thiệu 5 cái tên vừa nêu dựa trên cơ sở là hồ sơ chuyên môn mà họ gửi về VFF, còn việc kiểm nghiệm thực tế cũng như tiến hành thương thảo trực tiếp với từng ứng viên lại do bộ phận điều hành của VFF mà đứng đầu là TTK Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm. Vì thế, không có gì đảm bảo rằng sau khi kết thúc vòng kiểm định thực tế và đàm phán trực tiếp của VFF, danh sách 5 ứng viên này lại không có sự thay đổi, ít nhất là về thứ tự ưu tiên.

Hơn nữa, lịch sử các lần tuyển chọn HLV ngoại cho ĐTVN trước đây cho thấy, không phải lúc nào năng lực chuyên môn cũng là yếu tố tiên quyết để bảo đảm chiến thắng cho các ứng viên, bởi đôi khi áp lực từ dư luận hoặc cái gọi là “lựa chọn an toàn”, kiểu như trường hợp của HLV Calisto năm 2008, cũng có thể mang sức nặng nhất định đối với quyết định cuối cùng.

Nhật Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm